Dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh đã được khống chế

09:06, 25/06/2010

 

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra chất lượng vắc-xin trước khi tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Xuân Thu
Cán bộ kỹ thuật Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra chất lượng vắc-xin trước khi tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.                                 Ảnh: Xuân Thu

Dịch Tai xanh ở lợn xuất hiện ở tỉnh ta ngày 20-4-2010 và từ ngày 10-6 đến nay cả 6 xã có dịch và toàn tỉnh không xuất hiện lợn ốm do dịch. Hiện tại, xã Trực Phú (Trực Ninh) đã qua gần 1 tháng không có dịch, các xã khác đã gần qua 21 ngày; riêng xã Trực Thuận (Trực Ninh) đến ngày 21-6 cũng đã 11 ngày không có dịch bệnh xảy ra. Như vậy, chỉ đến đầu tháng 7-2010, dịch tai xanh ở lợn hoàn toàn chấm dứt. Số lợn ốm bị tiêu huỷ thấp: 2589/4430 con, bằng 58,4%; riêng đàn lợn nái bị bệnh 639 con, nhưng đã chữa khỏi 378 con, chỉ có 261 con lợn nái phải tiêu huỷ. Ông Vũ Quang Hưng, xóm Khai Quang, xã Trực Đại (Trực Ninh) nuôi 4 lợn nái thì 3 con bị dịch đều chữa khỏi. Không chỉ riêng gia đình ông Hưng mà các gia đình ông Vũ Quang Thọ, ở xóm Khai Quang (Trực Đại); ông Lý Văn Thiệp, ông Lý Văn Long, ở xóm Nam Đường (Trực Phú)… có số lợn nái mắc bệnh nhưng đều được chữa khỏi. Đồng chí Hoàng Duy Khánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: "Phòng, dập dịch tai xanh ở lợn năm 2010 là sự thành công đồng bộ nhiều biện pháp từ tỉnh đến địa phương, từ lực lượng thú y đến người chăn nuôi…".

Ngày đầu tiên xuất hiện lợn ốm nghi dịch tai xanh ở lợn, người dân đã thông tin cho Chi cục Thú y và Trạm Thú y huyện Trực Ninh cùng lực lượng của Phòng NN-PTNT huyện để các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp xử lý đồng bộ, toàn diện. Vừa lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, vừa tổ chức cách ly, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi và toàn xã; tiêu huỷ những con chết; lập các chốt gác không cho vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào xã; ký cam kết với các chủ hộ chăn nuôi, các lò giết mổ tuyệt đối không bán chạy, không giết thịt lợn… trong toàn xã, UBND tỉnh đã công bố dịch với các xã có lợn ốm được xét nghiệm dương tính với vi rút tai xanh. Ngày 28-4-2010, UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ 18 nghìn đồng/kg lợn bị bệnh phải tiêu huỷ nên người nông dân yên tâm về chế độ chính sách. Chi cục Thú y đã cấp 600 lít thuốc sát trùng cho huyện Trực Ninh để phun phòng, chống và vệ sinh môi trường. Riêng xã Trực Đại có lợn ốm do dịch tai xanh xuất hiện đầu tiên, chỉ trong vài ngày đã phun 140 lít thuốc sát trùng; xã và huyện còn mua hàng tấn vôi bột rắc các trục đường chính, các dong, ngõ xóm có dịch và khu vực chăn nuôi của các hộ. Suốt từ khi xuất hiện dịch, 6 nhân viên của Chi cục Thú y cùng lực lượng thú y, khuyến nông và nhân viên Phòng NN-PTNT bám sát địa bàn để hướng dẫn, tổ chức cho từng hộ cách ly lợn ốm, làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc, tiêu huỷ… Các xã vùng bị uy hiếp của dịch cả ở huyện Trực Ninh và 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng cũng tổ chức chốt gác không cho vận chuyển gia súc, gia cầm và thịt gia súc, gia cầm ra vào vùng có dịch. Sự quyết liệt trong chỉ đạo phòng, dập dịch, kể cả các biện pháp mạnh, công bố chính sách hỗ trợ kịp thời và có lợi khi phải tiêu huỷ thực sự làm cho người chăn nuôi, nhất là các hộ có lợn bị bệnh yên tâm không bán chui, chạy dịch. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế sự di chuyển của mầm bệnh, không để lây lan ra các xã khác, huyện khác. Với 3 phác đồ điều trị của Chi cục Thú y tỉnh được các thú y viên tận tình cứu chữa nên 1845 con lợn ốm do dịch tai xanh đã được chữa khỏi, chiếm 40,4%; trong đó có 378 con lợn nái được chữa khỏi, chiếm 57,9% tổng số lợn nái bị ốm do dịch tai xanh ở lợn. Đồng chí Lã Viết Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y - người vừa được Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật công nhận và trao Cúp Sáng tạo "Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống hội chứng rối loạn sinh sản - hô hấp ở lợn" (dịch bệnh tai xanh) cho biết: "Được sự cho phép của Bộ NN-PTNT, chúng tôi đã có 3 phác đồ điều trị bệnh tai xanh ở lợn đạt hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khống chế thành công dịch tai xanh ở lợn năm nay gọn, ít tốn kém và giữ được phong trào phát triển chăn nuôi nói chung…"./.

Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com