Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở Cty TNHH Youngone. Ảnh: Xuân Thu |
Không chỉ ở thành phố Nam Định, nhiều doanh nghiệp dệt may ở các huyện cũng có nhu cầu tuyển lao động với số lượng lớn như Cty TNHH may Vĩnh Oanh, xã Yên Trị (Ý Yên) cần tuyển 300 lao động, Cty TNHH Hoàng Vân (Nam Trực) cần tuyển trên 100 lao động… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải lo đối mặt với tình trạng công nhân bỏ việc hoặc đi làm không đều vào thời điểm mùa vụ. Để thu hút và cạnh tranh nguồn lao động, một số doanh nghiệp ngoài việc thông báo đăng ký tuyển dụng lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng còn trực tiếp đến các xã, huyện lân cận và các tỉnh khác để mong tìm được lao động; đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động.
Nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng thiếu lao động như hiện nay là do sau thời gian bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế, đơn hàng của các doanh nghiệp đã khá dồi dào và ổn định trở lại. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư vốn xây dựng thêm nhà xưởng, lắp đặt máy móc, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh khiến nhu cầu sử dụng lao động tăng mạnh. Một nguyên nhân quan trọng khác là thu nhập của công nhân còn thấp trong khi cường độ làm việc khá cao. Nhiều Cty công nhân phải làm việc tới 28 ngày/tháng, thời gian làm việc một ngày nhiều hơn 8 tiếng nhưng mức phụ cấp và tiền lương, thưởng làm thêm giờ không cao, trong khi giá cả nhiều loại hàng hóa tăng khiến nhiều người phải chuyển sang chọn nghề khác. Ngoại trừ một số doanh nghiệp có chỗ ở cho công nhân (song cũng chỉ đáp ứng một phần rất ít so với nhu cầu thực tế), còn lại các công nhân ở xa làm việc tại thành phố Nam Định vẫn phải "gánh" thêm tiền thuê nhà, điện, nước hàng tháng và nhiều khoản chi phí khác. Đời sống tinh thần của công nhân còn nghèo nàn, đơn điệu. Vì thế, người lao động không có ý định gắn bó lâu dài với công việc, thường xuyên có sự luân chuyển lao động giữa các doanh nghiệp. Thêm vào đó, tâm lý thích đi làm xa tìm kiếm cơ hội tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… của một bộ phận lao động trẻ tuổi cũng khiến các địa phương bị thiếu hụt nguồn lao động.
Việc thiếu lao động trong các doanh nghiệp dệt may như hiện nay đang khiến cho cả doanh nghiệp và người lao động rơi vào tình trạng "quá tải", ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Có những doanh nghiệp do không đủ lao động nên không dám nhận thêm nhiều đơn hàng vì lo không bảo đảm đúng thời gian giao hàng. Thời điểm cuối năm 2009, Cty TNHH Youngone Nam Định đã phải chuyển đơn hàng trị giá 7 - 8 triệu USD cho đơn vị khác thực hiện. Không ít doanh nghiệp đã phải chọn giải pháp tăng giờ làm, giảm thời gian nghỉ giữa ca… để bảo đảm hoàn thành đúng thời gian giao hàng khiến cường độ làm việc luôn căng thẳng, mệt mỏi, gây nhiều áp lực cho người lao động. Vì vậy, để thu hút được lao động, các doanh nghiệp dệt may cần quan tâm hơn nữa tới đời sống, thời gian, điều kiện làm việc và điều chỉnh kịp thời các chế độ tiền lương, tiền thưởng thỏa đáng cho người lao động. Trên cơ sở nhu cầu của mình, mỗi doanh nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm, các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh, có chế độ ưu đãi để thu hút được nguồn lao động đã qua đào tạo. Về lâu dài, cần có các quy định cụ thể gắn trách nhiệm với quyền lợi của người lao động để họ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh./.
Thanh Thủy