Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội (kỳ 2)

07:09, 28/09/2022

(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ II: Kết quả từ thực tiễn

Trong những năm qua, MTTQ các cấp và các đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và triển khai thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội. Thực tiễn công tác giám sát của MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực, được cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân đánh giá cao, góp phần vào việc phát hiện những tồn tại, hạn chế để kiến nghị khắc phục.

Thị Trấn Cát Thành (Trực Ninh) hôm nay.  Bài và ảnh: Lam Hồng - Văn Trọng
Thị Trấn Cát Thành (Trực Ninh) hôm nay. 

Trong 8 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, MTTQ tỉnh đã tổ chức 11 chuyên đề giám sát tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; đồng thời tích cực phối hợp, tham gia đoàn giám sát cùng với các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các cơ quan chức năng. Tại các huyện, thành phố, bám sát chương trình nhiệm vụ công tác trọng tâm của MTTQ tỉnh và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, MTTQ các huyện, thành phố đã lựa chọn nội dung xây dựng kế hoạch và tham gia thực hiện công tác giám sát một số nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Từ năm 2013-2021, MTTQ các huyện, thành phố đã chủ trì 185 cuộc giám sát tại các xã, phường, thị trấn, tập trung vào các lĩnh vực: Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công; thực hiện chế độ chính sách đối với người nghèo; thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện Luật Bầu cử; thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tiền hỗ trợ miễn thủy lợi phí; thực hiện quy định về quản lý kinh phí hỗ trợ cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Từ năm 2013 đến nay, MTTQ huyện Xuân Trường đã chủ trì tổ chức 7 cuộc giám sát chuyên đề về việc cấp và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; kinh phí đảm bảo cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã và chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở thôn xóm; việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ trên địa bàn huyện tại 20/20 xã, thị trấn; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn huyện... MTTQ huyện Vụ Bản chủ trì giám sát việc hoạt động thu, chi các khoản đóng góp theo thỏa thuận của các trường trên địa bàn huyện; việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo đối với các cơ quan và UBND các xã của huyện. MTTQ huyện Nam Trực tổ chức giám sát công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hoá; quản lý và sử dụng các loại quỹ nhân đạo từ thiện; công tác quản lý và sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì trẻ em”; giám sát quy trình bình xét hộ nghèo tại các xã của huyện. MTTQ huyện Hải Hậu chủ trì giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, xóm văn hoá, tổ dân phố văn hoá; các văn bản chỉ đạo của huyện về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang... Bên cạnh đó, Ban Thường trực MTTQ các huyện, thành phố còn phối hợp với Thường trực HĐND và các ban của HĐND huyện tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện đề án chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ các huyện, thành phố; việc huy động, quản lý các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất đối với các trường chuẩn quốc gia; tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công tác hộ tịch, hộ khẩu tại các xã, thị trấn... Qua các cuộc giám sát do MTTQ các huyện, thành phố chủ trì, cũng như phối hợp giám sát với các cơ quan liên quan, trong 8 năm qua, cơ bản các đề xuất, kiến nghị của MTTQ huyện, thành phố đều được các cơ quan, tổ chức được giám sát và các cơ quan liên quan quan tâm thực hiện. 

Đối với MTTQ cấp xã, MTTQ tỉnh đã định hướng các xã, thị trấn thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện việc giám sát trực tiếp và phản ánh về MTTQ xã. Trong 8 năm qua, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức nhiều cuộc giám sát về một số lĩnh vực như: việc sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ nhà Đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân…

Bên cạnh đó, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đi vào nền nếp và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp; kiến nghị những nội dung thiết thực, đúng với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, lần thứ XX. MTTQ các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức 130 hội nghị góp ý với 3.599 lượt ý kiến góp ý vào nhiều nội dung quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức các hội nghị phản biện với hàng nghìn ý kiến góp ý vào các nội dung liên quan đến lĩnh vực của ngành. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền thông qua đóng góp ý kiến vào các dự án luật theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức góp ý đối với cán bộ, đảng viên thông qua việc tổ chức sinh hoạt về nơi cư trú; qua việc tổ chức tiếp xúc với cử tri của đại biểu dân cử và hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tiếp tục duy trì phát huy việc góp ý thường xuyên thông qua 330 hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đặt bên ngoài trụ sở làm việc của Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh và 1.347/3.495 hòm thư ở các khu dân cư trong tỉnh. 5 năm qua, MTTQ các cấp còn tham gia phối hợp với chính quyền trong việc bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của 3.773 tổ hòa giải với 22.676 hòa giải viên; hướng dẫn kiện toàn 226 Ban thanh tra nhân dân với 2.257 thành viên, 226 Ban giám sát đầu tư cộng đồng góp phần thực hiện tốt chức năng giám sát của MTTQ ở cơ sở; xây dựng kế hoạch kiện toàn 3.495 nòng cốt tuyên truyền phổ biến pháp luật ở các khu dân cư với 20 nghìn thành viên tham gia để phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Ngoài ra, từ 2013-2021, MTTQ các cấp đã tiếp 2.982 lượt công dân, tiếp nhận 2.274 đơn thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của công dân; trong đó riêng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp gần 100 lượt người, tiếp nhận 500 đơn, xử lý chuyển các đơn thư đến các cơ quan có trách nhiệm giải quyết...

Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, một số vụ việc đã được người dân phát hiện, phản ánh để các cơ quan chức năng xem xét, xử lý kịp thời, tạo được niềm tin của dân với Đảng. Điển hình như: năm 2019, cũng từ thông tin phản ánh của người dân về việc có dấu hiệu sai phạm trong việc chi trả tiền hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Hải An (Hải Hậu), UBND huyện đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện ra nhiều sai phạm, sau đó chuyển hồ sơ sang Công an huyện để tiếp tục điều tra, xử lý. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, thú y đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì đã kê khống 28 tấn lợn chết để “trục lợi” gần 500 triệu đồng. Năm 2021, công dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) có đơn thư gửi báo chí, cơ quan chức năng phản ánh những “điểm mờ” liên quan đến việc học hành, bằng cấp của nữ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mỹ Lộc đã gửi văn bản đến Sở GD và ĐT tỉnh yêu cầu phối hợp xác minh. Sau khi có văn bản xác minh, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã báo cáo với Thường trực Huyện ủy để tiến hành xem xét, xử lý những sai phạm của cán bộ theo quy định.

 (Còn nữa)

Bài và ảnh: Lam Hồng - Văn Trọng

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội (kỳ 1)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com