Vùng đất Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay là nơi lưu đậm dấu ấn văn hoá đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng; nơi hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị truyền thống yêu nước, khoa bảng, cách mạng và văn hóa; nhiều tiềm năng, thế mạnh để xây dựng thành trung tâm văn hoá, du lịch tâm linh đặc sắc của tỉnh cũng như cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đồng chí Phạm Văn Quyết, TUV, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản cho biết, Để xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản, ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Ban hành Nghị quyết nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng Vụ Bản vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về lối sống văn hóa, tương xứng với vị thế là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh đặc sắc của tỉnh và cả nước. Nghị quyết của huyện hướng tới mục tiêu xây dựng con người Vụ Bản thân thiện, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính “nghĩa tình - văn minh - năng động - sáng tạo”; Phát triển văn hóa, con người trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng huyện đạt các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu với các đặc trưng “hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - văn hóa đặc sắc - nhân dân hạnh phúc”. Nghị quyết đặt ra 100% các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị; 100% hương ước, quy ước của thôn, xóm, tổ dân phố được rà soát bổ sung và thực hiện tốt; 100% khu dân cư văn hoá, có từ 93-95% gia đình văn hoá; 100% thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa và khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo tiêu chí NTM; 100% các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị duy trì và thực hiện tốt quy định cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% các nhà trường tổ chức giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa địa phương trong chương trình ngoại khóa. Đến năm 2025, huyện có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có từ 3-5 xã và trên 15% số khu dân cư đạt NTM kiểu mẫu; 25% số xã đạt chuẩn văn hóa NTM trở lên. Đến năm 2030, huyện Vụ Bản đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu.
Một góc thị trấn Gôi đổi mới, phát triển. |
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND, Kế hoạch số 18/KH-UBND nhằm tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tập trung xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo góp phần xây dựng hệ thống chính quyền thực sự “là đạo đức, là văn minh”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Xây dựng, bảo tồn, phát huy những thế mạnh về văn hóa, mảnh đất, con người Vụ Bản để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; đồng thời phấn đấu đưa huyện trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh đặc sắc của tỉnh và cả nước. Các phòng, ban chuyên môn và 18 xã, thị trấn trên địa bàn đều xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác tuyên tuyền, đưa Nghị quyết số 04-NQ/HU vào cuộc sống cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tổ chức hội thi báo cáo viên giỏi đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19-5-1890 - 19-5-2022), thu hút 26 thí sinh tham dự, vòng chung khảo chọn được 6 thí sinh, phần thuyết trình và câu hỏi chủ yếu về đề tài văn hóa. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện phối hợp mở rộng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, chỉ đạo mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất một cụm pa-nô cỡ lớn có nội dung tuyên truyền về phát huy các giá trị văn hóa vùng đất Thiên Bản xưa - Vụ Bản ngày nay.
Bên cạnh hàng loạt nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, huyện Vụ Bản ưu tiên hơn lĩnh vực trùng tu, tôn tạo di tích nhằm tạo ra cảnh quan mới, thu hút khách du lịch về với địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện trên địa bàn huyện Vụ Bản có 173 di tích, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia tiêu biểu như: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh, xã Kim Thái; Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung; Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo; Đền Đông, xã Thành Lợi; Đền, Chùa Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào; Đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng... Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đang tập trung huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; trong đó đến nay có trên 800 hạng mục của hơn 170 di tích đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tại di tích lịch sử - văn hóa Chùa Hổ Sơn (xã Liên Minh), hoạt động trùng tu, mở rộng di tích đang được địa phương thực hiện trên cơ sở tuân thủ đúng quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng kinh phí khoảng hơn 100 tỷ đồng, tạo điểm nhấn mới trong phát triển văn hóa, du lịch của huyện. Cùng với di tích lịch sử - văn hóa Chùa Hổ Sơn, hiện nay huyện Vụ Bản đang tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng bước trùng tu, tôn tạo Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo; tiến hành tu sửa, nâng cấp Nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính tại làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa...
Bằng nhiều cách làm phù hợp sau gần một năm đưa Nghị quyết số 04-NQ/HU về “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo” đi vào cuộc sống, huyện Vụ Bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay trên địa bàn đã có gần 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 95% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa; 100% làng, thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa; trên 80% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy Vụ Bản không chỉ đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, khoa bảng, cách mạng, văn hóa; gìn giữ, bảo tồn, phát huy tốt giá trị các di sản, các di tích lịch sử văn hóa; chỉ ra và loại trừ những phong tục tập quán lạc hậu, những hủ tục, những thói hư, tật xấu mà còn đóng góp tích cực vào hoạt động phục dựng giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật hát chầu văn, hát chèo, diễn xướng tín ngưỡng hầu đồng, lễ hội, trò chơi dân gian, võ vật... nhằm trao truyền, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương./.
Bài và ảnh: Xuân Thu