Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đảng bộ thành phố có 77 đảng bộ, chi bộ cơ sở với trên 15 nghìn đảng viên. Được Ban Thường vụ Thành uỷ, các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các đoàn thể, nhân dân vào cuộc tích cực nên việc sắp xếp, tổ chức lại các thôn, xóm, tổ dân phố cũng như chi bộ trên địa bàn thành phố Nam Định thực hiện đúng theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh theo hướng ngày càng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cấp ủy, chính quyền xã, phường. Tuy nhiên, hoạt động của các chi bộ sau sáp nhập đã đặt ra không ít khó khăn trong tổ chức sinh hoạt theo Điều lệ Đảng, cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy.
Thành phố Nam Định trên bước đường phát triển mới. Ảnh: Viết Dư |
Trước khi sáp nhập, Đảng bộ thành phố có 535 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó 353 chi bộ địa bàn dân cư với 581 tổ dân phố; 182 chi bộ cơ quan, đơn vị. Sau sắp xếp, sáp nhập các chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, các thôn, tổ dân phố, thành phố chỉ còn 196 tổ dân phố và 185 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường, trong đó có 29 chi bộ có từ 100 đảng viên đang sinh hoạt trở lên. Các xã, phường trên địa bàn cũng đã giảm 708 người hoạt động không chuyên trách; giảm 673 cán bộ Hội, đoàn thể tại thôn, tổ dân phố, đồng thời sắp xếp lại các chức danh, số lượng, mức phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đảm bảo phù hợp với đặc thù. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo đảng ủy các phường, xã hướng dẫn các chi bộ mới sáp nhập về cách thức triển khai các nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ và chuyên đề, khắc phục tình trạng sinh hoạt không thường xuyên; yêu cầu nghiêm các đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia sinh hoạt. Các Đảng uỷ cũng phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách và sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc. Tại các chi bộ mới thành lập, nhân sự cấp ủy đều được lựa chọn trong số chi ủy, bí thư, phó bí thư các chi bộ sáp nhập để bầu chọn ra người có uy tín, năng lực, sức khỏe tiếp tục đảm nhiệm công việc. Hầu hết các chi bộ sau sáp nhập đều duy trì tốt nền nếp sinh hoạt; chất lượng các kỳ sinh hoạt Đảng nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, sau sáp nhập sắp xếp chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Nam Định xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau khi sáp nhập địa bàn rộng, số lượng hội viên tăng, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể giảm về đầu mối dẫn tới khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện việc sắp xếp chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận người hoạt động không chuyên trách dẫn tới ảnh hưởng đến hiệu quả công tác trong thời gian đầu sau khi sắp xếp. Việc xử lý tài sản dư thừa ở các chi bộ, tổ dân phố cũng khiến nhiều khu dân cư “đau đầu”. Việc thay đổi tên thôn, tổ dân phố sau sắp xếp cũng kéo theo phải thay đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ, thủ tục của người dân từ đó phát sinh sự xáo trộn, khó khăn trong công tác, chỉ đạo điều hành của các bí thư chi bộ, trưởng thôn. Nhà văn hóa vốn là điểm sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ nay cách xa nhiều khu dân cư; một số đảng viên lấy lý do vắng mặt không sinh hoạt vì ngại đi xa. Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Chi bộ số 4 thuộc Đảng bộ phường Nguyễn Du cho biết, là một tổ dân phố nội thành, không có nhà văn hóa, sau khi sáp nhập chi bộ có tới 103 đảng viên. Hoạt động của chi bộ gặp rất nhiều khó khăn do không có địa điểm sinh hoạt. Được Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên Trường tạo điều kiện, chi bộ đã có địa điểm tổ chức sinh hoạt thường kỳ hàng tháng, tuy nhiên do là hội trường và các trang thiết bị đi mượn nên không thể chủ động tổ chức các hoạt động. Đồng chí Phạm Đình Thức, Bí thư Chi bộ thôn Địch Lễ B thuộc Đảng bộ xã Nam Vân chia sẻ: “Tôi là một trong số ít bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nên có kinh nghiệm, thuận lợi trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng của quần chúng nhân dân, đảng viên cũng như việc triển khai các hoạt động của địa bàn. Tuy nhiên, số lượng đảng viên sau sắp xếp tăng, một số người dân phải đi làm ăn xa, không thường xuyên có mặt ở địa phương, chỉ đến vụ cấy, vụ gặt mới về, dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thiếu hụt lực lượng mỗi khi thôn có việc”.
Thực tế cho thấy, để tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển đối với chi bộ, đoàn thể các thôn, tổ dân phố sau sắp xếp cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp ủy chi bộ phải thực hiện nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ định kỳ theo quy định, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính đảng cho đảng viên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt và tổ chức điều hành hội nghị chi bộ, lựa chọn những vấn đề cụ thể, thiết thực để thu hút sự tham gia thảo luận của đảng viên. Các đồng chí trong chi ủy phải phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu để tạo được sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chung. Đẩy mạnh trong chi bộ việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện tự phê bình và phê bình, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từ đó để đảng viên tham gia duy trì sinh hoạt đều đặn, tích cực đóng góp các ý kiến xây dựng tổ chức Đảng. Đồng chí Vũ Ngọc Phi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, gắn vai trò trách nhiệm cấp ủy các cấp với việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời chỉ đạo Đảng ủy các xã, phường cần tiếp tục bám sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn nhằm kịp thời giúp các chi bộ sau sáp nhập tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là về địa điểm sinh hoạt, trang thiết bị hoạt động; duy trì nghiêm việc phân công cấp ủy, cán bộ cơ sở về dự sinh hoạt và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy trong việc tổ chức sinh hoạt Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt đặc biệt là sau sáp nhập càng là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố; để từ đó góp phần phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nam Định./.
Nguyễn Nam Hà
(Phó Trưởng Ban Tổ chức
Thành ủy Nam Định)