LTS: Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (15-7-1922 - 15-7-2022) - người con ưu tú của quê hương Nam Định, ngày 12-7, Bộ Công an và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định tham dự và đồng chủ trì cuộc Hội thảo. Báo Nam Định trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Hội thảo.
Đồng chí Phạm Gia Túc
Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định
- Kính thưa Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an;
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh;
- Kính thưa Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Bộ trưởng Bộ Công an;
- Thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh; các tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an; các nhà khoa học;
- Thưa gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ;
- Thưa các đồng chí tham dự Hội thảo!
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Việt Dũng |
Hôm nay, chúng tôi rất vinh dự thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định, quê hương của Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, dự Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định, xin gửi tới Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh; các tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an; các nhà khoa học; gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ và các đồng chí tham dự Hội thảo lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội thảo;
Kính thưa các đồng chí tham dự Hội thảo!
Nam Định, vùng đất ven biển phía Nam đồng bằng sông Hồng, là vùng đất văn hiến với lịch sử phát triển lâu đời, là nơi hội tụ của truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống lao động cần cù thông minh, sáng tạo; truyền thống đoàn kết, nhân ái; truyền thống hiếu học, vượt khó vươn lên… Những truyền thống ấy của người Nam Định đã góp phần tạo dựng nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Nam Định tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt” - nơi sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh tướng, danh nhân kiệt xuất và nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nơi phát tích “Vương triều Trần” với Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông; cái nôi của phong trào công nhân những năm đầu thế kỷ XX, là một trong những địa phương có tổ chức Đảng ra đời sớm nhất. Từ trong phong trào đấu tranh cách mạng, những người con ưu tú của Nam Định trưởng thành và làm rạng danh cho quê hương, tiêu biểu là đồng chí Trường Chinh - ba lần làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Kính thưa các đồng chí!
Đại tướng Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống, sinh ngày 15-7-1922, đồng chí là con thứ 7 (và là em trai của đồng chí Lê Đức Thọ) trong một gia đình nhà nho yêu nước, nền nếp tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông nội của đồng chí Mai Chí Thọ là cụ Phan Đình Diễn, một người rất mực đức độ, thanh đạm, bình dị, gần gũi với mọi người. Cụ thường khuyên răn con cháu có đức, có tài thì nên chăm lo làm những việc có ích cho đời, cụ đã nhiều lần nói với ông Phan Đình Hòe, người con trai trưởng của mình những lời khuyên tâm huyết như: “Anh nên học người đời trước, nghĩ đến việc mở mang công ích, nếu chưa có thể thi ân trạch trong thiên hạ, cũng nên thi ân trạch trước ở nơi chôn rau cắt rốn mình, như thế thì lúc sống mới có ích cho đời, lúc chết còn để tiếng về sau, nếu chỉ cần sự vinh hoa một thân một nhà, thì trong làng họ này sau khi đã đẻ anh ra chẳng có bổ ích gì cho ai, chẳng hóa ra mất sự nghiệp một đời ư”. Thân phụ của đồng chí là cụ Phan Đình Quế, thuở nhỏ, ông theo cha học Hán tự, rồi làm môn sinh của cụ Tư Đặng người Đặng Xá. Năm 1909, ông được nhân dân bầu làm Hương trưởng rồi sau được bầu làm Chánh hương hội ở xã. Ở vào vị trí có uy tín trong làng nhưng ông rất trung thực, liêm khiết, luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực bảo vệ dân. Ông đã đóng góp nhiều công sức, tiền bạc chấn chỉnh các công việc hương chính, kiến thiết, xây dựng làng xã. Thân mẫu là bà Đinh Thị Hoàng - một người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, chịu thương, chịu khó. Chồng mất sớm một mình tần tảo, lam lũ nuôi dạy 8 người con. Khi trưởng thành, các con của ông bà đều tham gia hoạt động cách mạng và phục vụ cách mạng. Đặc biệt trong số 8 người con thì 3 người: Phan Đình Khải (tức đồng chí Lê Đức Thọ), Phan Đình Dinh (tức đồng chí Đinh Đức Thiện), Phan Đình Đống (tức Đại tướng Mai Chí Thọ) là Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó đồng chí Lê Đức Thọ, Đại tướng Mai Chí Thọ là Ủy viên Bộ Chính trị và đều được Đảng phân công giữ những cương vị trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Những nét đẹp truyền thống của gia đình đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, trí tuệ, nhân cách của đồng chí Phan Đình Đống.
Quang cảnh Hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 12-7. Ảnh: Việt Dũng |
Quê hương Địch Lễ, nơi Đại tướng Mai Chí Thọ sinh ra là một xã nhỏ, đất hẹp, người thưa nằm ở phía nam sông Đào, cách thành phố Nam Định khoảng 2km. Nơi đây xa xưa đã nổi tiếng là một vùng đất nên thơ. Bề dầy lịch sử lâu đời đó đã tạo nên cho vùng quê này một nét văn hóa phong phú, đa dạng mang tính thuần phác, đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp Việt Nam. Quá trình sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này diễn ra khá sớm, từ khoảng thế kỷ thứ IX, X đến khoảng thế kỷ XIII, XIV, đồng ruộng nơi đây đã được khai phá, mở ra khá rộng. Người dân ở đây từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tôi luyện cho mình những đặc tính rất riêng - đó là truyền thống cần cù trong lao động, chống chọi thiên tai, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Phát huy truyền thống hiếu học của vùng quê văn hiến, nhiều người con ở Địch Lễ đỗ đạt cao và trở thành những người có đóng góp xứng đáng cho dân, cho nước. Những tinh hoa của truyền thống quê hương và gia đình đã góp phần hun đúc tư tưởng, tình cảm, nhân cách Đại tướng Mai Chí Thọ.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và trong một dòng họ, gia đình nho giáo có truyền thống hiếu học, yêu nước, nền nếp, gia phong, người thanh niên Phan Đình Đống đã được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp đó. Truyền thống của quê hương, gia đình đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng tư tưởng yêu nước, khơi dậy, hun đúc ý chí và thôi thúc đồng chí đến với cách mạng, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.
Trong hoàn cảnh đất nước bị ách đô hộ ngoại bang, nhân dân đói khổ lầm than, từ thuở ấu thơ, đồng chí Phan Đình Đống đã trải qua nhiều biến cố của gia đình, khi lên 6 tuổi chứng kiến cảnh cha mình mất sớm, hai anh bị bắt vì tội yêu nước và hoạt động cho cộng sản, mẹ của đồng chí phải một mình nuôi dạy các con nhỏ. Thuở niên thiếu, đồng chí Phan Đình Đống chứng kiến nỗi thống khổ của người dân lao động, cũng như cảnh sống xa hoa, bạo ngược của quan lại thực dân phong kiến, nên hằn sâu trong tâm trí của đồng chí ý chí căm thù giặc, để rồi khi bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản với sự kiện năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đồng chí Phan Đình Đống đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tư tưởng giải phóng dân tộc. Năm 1936, khi mới 14 tuổi, đồng chí Phan Đình Đống theo anh vào Huế học ở Trường Licée Khải Định (Quốc học Huế). Những năm đó, ở Pháp, liên minh cánh tả gồm Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, lập ra Mặt trận bình dân Pháp - ngài Gô-đa được phái sang Việt Nam để điều tra tình hình thuộc địa. Nhân sự kiện đó, các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra khắp nơi để đòi dân sinh, dân chủ. Là học sinh nội trú ở Huế, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí Phan Đình Đống đã xuống đường hoà mình theo dòng người ấy.
Từ đây, cậu học sinh Trường Quốc học Huế, Phan Đình Đống đã tự nguyện tham gia cách mạng trong phong trào sinh viên Huế và Hà Nội, tích cực đấu tranh chống lại ách đô hộ tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến. Từ năm 1938 đến năm 1940, đồng chí Phan Đình Đống tham gia “Tổ chức Thanh niên Dân chủ”, “Thanh niên phản đế” ở trường học. Bằng những hoạt động tích cực đóng góp với phong trào, đồng chí được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên phản đế tại Nam Định, đây là điểm nhấn, động lực thôi thúc Phan Đình Đống ngày càng hoạt động sôi nổi hơn, gắn bó với mục tiêu cách mạng là lãnh đạo thanh, thiếu niên đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc. Chính từ các hoạt động sôi nổi này, đồng chí Phan Đình Đống bị địch theo dõi, bắt giam tại nhiều nhà tù: Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn) và đày đi Côn Đảo. Trong ngục tù khắc nghiệt của thực dân, đế quốc, bị địch tra tấn dã man, đồng chí vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, giữ vững tinh thần chiến đấu, tôi luyện ý chí cách mạng bất khuất, lòng kiên trung với Tổ quốc, nhân dân và cùng với các đồng chí của mình, biến nhà tù của bọn thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản. Với nhiệt huyết cách mạng và những hoạt động rất sôi nổi, tích cực, năm 1939, người thanh niên ưu tú Phan Đình Đống vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới vừa tròn 17 tuổi. Từ người thanh niên yêu nước chân chính trở thành người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất của Đảng, chiến đấu cho lý tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Mai Chí Thọ.
Trải qua 85 năm tuổi đời, 71 năm tham gia hoạt động cách mạng, 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại tướng Mai Chí Thọ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng chí là người cộng sản kiên trung, bất khuất; một nhà lãnh đạo, một vị tướng tài năng được rèn luyện và thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng. Trong mọi lĩnh vực công tác và ở trên cương vị nào, đồng chí luôn là một đảng viên gương mẫu, ưu tú của Đảng, một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị kiên định, giàu nghị lực, kiên cường, dũng cảm và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả của Đảng và Nhà nước. Với những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Mai Chí Thọ đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương “Vì an ninh Tổ quốc” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế.
Quê hương Nam Định tự hào đã sinh ra đồng chí Phan Đình Đống tức Đại tướng Mai Chí Thọ, một người cộng sản kiên cường, mẫu mực. Từ thuở thanh niên ra đi làm cách mạng cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước, của lực lượng Công an nhân dân, do điều kiện công tác, nhất là những năm tháng trong nhà tù của đế quốc, thực dân và trong chiến tranh, đồng chí không có nhiều dịp về thăm quê hương, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, đồng chí vẫn luôn dành cho quê hương những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình. Đó luôn là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân Nam Định vượt mọi khó khăn, tích cực góp phần trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Kính thưa các đồng chí!
Là một tỉnh, một Đảng bộ giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, quê hương, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn vô cùng tự hào và vinh dự vì nơi đây đã có bao lớp người chiến sĩ cách mạng kiên cường đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của Đảng và Bác Hồ kính yêu; anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế cộng sản cao cả và vì quê hương Nam Định thân yêu; trong những lớp người đó, có nhiều đồng chí đã trở thành những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, những nhà lãnh đạo tài năng, kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao đẹp của các đồng chí là tài sản vô giá, làm rạng danh cho quê hương, đất nước và là những tấm gương sáng để Đảng bộ và nhân dân Nam Định học tập và noi theo.
Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ, nhiều nhiệm kỳ, mặc dù phải vượt qua nhiều khó khăn và còn không ít những hạn chế, tồn tại do chủ quan và khách quan, song với tinh thần quyết tâm và phấn đấu không ngừng, tỉnh Nam Định đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được mở rộng. Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ tăng tưởng khá cao. Sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước phát triển. Vốn huy động cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh tăng nhanh. Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành gấp 1,8 lần; GRDP bình quân đầu người gấp khoảng 2 lần; Tổng giá trị sản xuất công nghiệp gấp 1,8 lần; Tổng trị giá hàng xuất khẩu gấp 2,1 lần; Vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,2 lần; Thu ngân sách gấp 2,1 lần. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt những thành tựu nổi bật, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đến nay, toàn tỉnh có 106/204 xã, thị trấn (chiếm 52%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, toàn tỉnh có 255 sản phẩm (OCOP) được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung chỉ đạo quyết liệt; Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Nam Định xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020, xếp hạng khá của cả nước.
Tỉnh đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông huyết mạch nhằm tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; các tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 85km; các tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đang chuẩn bị đầu tư đường 21 mới kết nối thành phố Nam Định với các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy và đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Nam Định còn đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm lo sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh tiếp tục được đầu tư cả bề rộng, chiều sâu. Quy mô giáo dục được mở rộng, chất lượng giáo dục ở các cấp học, ngành học không ngừng được nâng cao; 27 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, trong 7 năm thi tốt nghiệp THPT: 5 năm xếp thứ Nhất, 2 năm xếp thứ Nhì toàn quốc. Mạng lưới y tế cơ sở đã đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khám, chữa và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, đều khắp, thu hút được sự đồng tình tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 87% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 97% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã được công nhận là di tích quốc gia, trong đó Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao hơn; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường… Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 lan rộng và bùng phát trên toàn cầu, tỉnh đã triển khai quyết liệt, chủ động, kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, do vậy đã hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đây là những điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, hướng con người tới những điều nhân văn tốt đẹp.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên được thực hiện thường xuyên, kịp thời và nền nếp, mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới ngày càng được tăng cường.
Những kết quả trên tuy mới chỉ là bước đầu, song rất đáng tự hào, là những tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đưa Nam Định phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, xứng đáng là quê hương Đại tướng Mai Chí Thọ.
Học tập và phát huy tinh thần cách mạng của các bậc lãnh đạo tiền bối, phát huy truyền thống quê hương, trong chặng đường sắp tới, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đang quyết tâm đổi mới vươn lên, với phương hướng, mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là: Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao có nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Hội thảo khoa học về Đại tướng Mai Chí Thọ là dịp để chúng ta tôn vinh, tri ân những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam nói chung, với Thành phố Hồ Chí Minh và lực lượng Công an nhân dân Việt Nam Anh hùng nói riêng; đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những phẩm chất cao đẹp, ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản mà cả cuộc đời mình đã dành cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước, nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng Nam Định - quê hương của Đại tướng Mai Chí Thọ ngày càng phát triển, góp phần cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một lần nữa, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định kính chúc các đồng chí lãnh đạo, gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ và các đồng chí dự Hội thảo sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!