Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh có 61 đại biểu, trong đó có 7 đại biểu hoạt động chuyên trách. Xác định đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động là nhiệm vụ then chốt nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã tập trung tổ chức các kỳ họp; ban hành nghị quyết; đẩy mạnh hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri... theo hướng ngày càng dân chủ, hiệu quả, thiết thực. Qua đó đã kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Các đồng chí: Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh khảo sát chất lượng tuyến đường Cầu Họ - Hạnh Lâm trên địa bàn huyện Vụ Bản. |
Ngay sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, HĐND tỉnh đã tập trung kiện toàn bộ máy, ban hành quy chế hoạt động đảm bảo đúng quy định và phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của tập thể và mỗi cá nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Dấu ấn đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh được thể hiện rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ thông qua vai trò của Thường trực HĐND trong chỉ đạo, điều hành hoạt động. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các đại biểu thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, bám sát cơ sở, kịp thời lắng nghe ý kiến cử tri, thường xuyên thu thập thông tin, nắm bắt thực tiễn, kịp thời đề xuất, góp ý kiến để công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được tốt hơn. Đối với việc tổ chức các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản để nắm thông tin, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, kết quả giám sát, khảo sát, ý kiến phản ánh của cử tri… để cho ý kiến. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới theo hình thức hỏi nhanh - đáp gọn, chất vấn theo nhóm vấn đề và làm rõ cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, HĐND tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn. Trong các kỳ họp, các đại biểu trao đổi, tương tác nội dung công việc, xem nội dung báo cáo, tờ trình trên nền tảng số bằng máy tính bảng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí. Với mục tiêu “Liêm chính, kiến tạo, hành động”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 4 kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, nhất trí và biểu quyết thông qua 123 Nghị quyết. Các Nghị quyết được ban hành phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời cụ thể hóa từng nhiệm vụ nòng cốt và các khâu đột phá, chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, tạo ra sự đồng bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương. Cùng với những sáng tạo, linh hoạt trong điều hành kỳ họp, hoạt động khảo sát, giám sát của HĐND tỉnh được đổi mới, tập trung vào nội dung trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Công tác giám sát được đổi mới theo hướng tăng cường phối hợp giữa hoạt động giám sát của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh với các cơ quan có chức năng liên quan để đánh giá được toàn diện hơn tình hình chấp hành chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh. Nhiều vấn đề nổi cộm có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của tỉnh và cử tri quan tâm được xây dựng thành chương trình giám sát chuyên đề, sau giám sát Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đều có báo cáo đánh giá những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế và những kiến nghị cụ thể với các cơ quan có thẩm quyền khắc phục những tồn tại và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Qua cuộc giám sát chuyên đề “Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn các huyện của tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2021”, Thường trực HĐND tỉnh đã khẳng định cơ chế, chính sách phát triển các khu đô thị, khu dân cư tập trung là chủ trương đúng đắn, phù hợp. Việc ban hành, thực hiện cơ chế chính sách phát triển các khu đô thị, khu dân cư tập trung cần gắn với quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025 là cần thiết; cơ chế, chính sách được ban hành kèm theo Nghị quyết của HĐND tỉnh phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thống nhất, đồng bộ và dễ áp dụng trong thực tế. Từ đó, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị với UBND tỉnh và các huyện điều chỉnh những vấn đề bất cập phát sinh để thực hiện hiệu quả hơn chủ trương phát triển các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 4 chuyên đề; các Ban của HĐND tỉnh thực hiện giám sát 227 quyết định của UBND tỉnh (trong đó có 49 quyết định quy phạm pháp luật), 208 nghị quyết của HĐND các huyện, thành phố.
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, hoạt động của HĐND tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên theo hướng sâu sát hơn, thực chất hơn. Kết quả hoạt động của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.
Bài và ảnh: Văn Trọng