Nhiệm kỳ 2021-2026, Đoàn ĐBQH tỉnh khoá XV có 8 thành viên. Để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình với nhân dân trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động đổi mới hình thức, nội dung hoạt động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động chuyên môn. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng theo quy định và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Cụ thể, Đoàn đã tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức truyền tải về kết quả kỳ họp và các hoạt động của Đoàn tại kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin của tỉnh như Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; tổ chức hội nghị trực tuyến; báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội và các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh. Qua đây đã truyền tải đầy đủ kết quả kỳ họp và các hoạt động của Đoàn tại kỳ họp tới đông đảo tầng lớp cử tri để cử tri có thời gian nghiên cứu nội dung kỳ họp và đóng góp ý kiến nhiều hơn về những vấn đề mình quan tâm… Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 48 ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các địa phương trong tỉnh để báo cáo với Quốc hội và chuyển đến các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
Các đại biểu Quốc hội của tỉnh và đại biểu tham dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh ta. |
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã đổi mới cả về hình thức và phương pháp giám sát; thực hiện việc giám sát tại thực địa, cơ sở trước khi tiến hành giám sát tại các cơ quan, ban, ngành liên quan của tỉnh. Công tác phối hợp với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan có liên quan được chú trọng nên chất lượng giám sát, khảo sát ngày càng được nâng cao, đi vào chiều sâu và đạt được mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra. Thời gian qua, Đoàn đã tổ chức giám sát 2 chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 2 khảo sát chuyên đề của Đoàn đảm bảo đúng thời gian, hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Qua các đợt giám sát đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan xem xét, giải quyết những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách có liên quan đến các chuyên đề giám sát nhằm đưa chính sách pháp luật của Nhà nước có hiệu quả hơn trong thực tiễn; đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức và triển khai thực hiện các chính sách. Trong đó qua giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh Nam Định”, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có liên quan và tỉnh xem xét, giải quyết những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện như: Tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tăng cường chế tài xử lý vi phạm pháp luật đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa vi phạm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước; giám sát của MTTQ Việt Nam; Quốc hội và HĐND các cấp. Sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý: pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính trong quản lý đất đai; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để nguồn thu từ đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, công tác tổ chức và tham dự các kỳ họp Quốc hội được đổi mới mạnh mẽ. Đoàn ĐBQH khóa XV đã tham dự kỳ họp thứ nhất; tổ chức cho các ĐBQH tại địa phương tham dự đợt 1 kỳ họp thứ hai theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của tỉnh, tham dự đợt hai kỳ họp thứ hai và xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, phát huy tính chủ động, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của các vị ĐBQH. Do được tổ chức trực tuyến ngay tại địa phương nên Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động mời Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh; các sở, ngành tham dự các phiên họp, phiên thảo luận khi Quốc hội họp trực tuyến về các nội dung trong chương trình kỳ họp liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị nhằm lấy thêm ý kiến từ phía cử tri, đối tượng thụ hưởng chính sách, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết, tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Tại các kỳ họp, các vị ĐBQH trong Đoàn đã tham gia nghiêm túc, đầy đủ vào các nội dung của kỳ họp; chủ động tham gia phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, đóng góp vào các dự án luật để trình Quốc hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp; đặc biệt là các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế trước tác động của dịch bệnh COVID-19. Trong năm 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 30 lượt đại biểu tham gia ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ; 14 lượt đại biểu tham gia ý kiến phát biểu tại hội trường và đã có 3 lượt đại biểu chất vấn trực tiếp đối với các Bộ trưởng và thành viên của Chính phủ. Nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH tỉnh có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của tỉnh. Trong đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu rõ tính cấp thiết đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét quyết định cho phép đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng trong Đề án Chính sách tài khóa, tiền tệ về hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2022…
Những kết quả trên đã tạo dấu ấn tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh với Quốc hội và cử tri trong tỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Quốc hội. Đây cũng là nền tảng quan trọng để, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Văn Trọng