Thành phố Nam Định sau 10 năm là đô thị loại I - Vận hội mới, vị thế mới

06:01, 30/01/2022

Nguyễn Anh Tuấn
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Bí thư Thành ủy Nam Định

Thành phố Nam Định là đô thị cổ nằm ở phía Nam và là trung tâm tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Với bề dày truyền thống cùng vị thế về chính trị, kinh tế - xã hội, ngày 28-11-2011 thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I.

Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại I, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân, thành phố Nam Định đã vươn mình phát triển mạnh mẽ. Kinh tế liên tục tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nếu năm 2010, cơ cấu sản xuất của thành phố, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 74,16%, thương mại, dịch vụ chiếm 24,73%, nông nghiệp chiếm 1,11%; thì đến năm 2020, cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 99,48%, nông nghiệp giảm còn 0,52%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 trên địa bàn đạt 32.760 tỷ đồng, quy mô gấp 2,5 lần so với năm 2010.  Nhiều sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước như: May Sông Hồng, Sơn Nam, Youngone; Dược phẩm Nam Hà, Trường Thọ, Nam Dược... Hệ thống hạ tầng thương mại có sự chuyển biến phù hợp với nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân với đa dạng hình thức hạ tầng bán buôn, bán lẻ như: trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch... Hệ thống ngân hàng được phát triển mạnh, phân bố rộng khắp trên địa bàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn, sử dụng dịch vụ, tiện ích để phát triển nền kinh tế và phục vụ nhân dân trong tỉnh. Với việc khai thác lợi thế về truyền thống văn hóa, giá trị các di tích, di sản và cảnh quan của một đô thị có bề dày lịch sử, du lịch ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách thập phương. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 21.320 tỷ đồng, tăng bình quân 9,0%/năm, gấp 3 lần so với năm 2010. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn năm 2020 đạt 1.250 triệu USD, chiếm 56,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, gấp 13 lần so với năm 2010.

Khu đô thị Dệt may tạo điểm nhấn về cảnh quan, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của thành phố Nam Định. Ảnh: Thanh Thúy

Khu đô thị Dệt may tạo điểm nhấn về cảnh quan, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của thành phố Nam Định.

Ảnh: Thanh Thúy

Bên cạnh sự phát triển về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, thành phố Nam Định đã chủ động đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô, từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên một diện tích canh tác, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Đặc biệt thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung cho các công trình trọng điểm, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giao thông, thoát nước… làm thay đổi rõ nét hạ tầng, cảnh quan thành phố, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Nhiều dự án lớn đã và đang được đầu tư xây dựng, tạo điểm nhấn cảnh quan hiện đại, khang trang của thành phố như: cầu Tân Phong và đường nối Quốc lộ 10 - Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38B (đoạn từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Nam Định); các khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Dệt May, khu đô thị mới phía nam sông Đào; khu tái định cư Phúc Trọng - Bãi Viên; xây dựng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông; cải tạo, nâng cấp các trường tiểu học: Phạm Hồng Thái, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Trãi; xây dựng, cải tạo các công viên, vườn hoa, kè hồ và đường dạo ven các hồ; xây dựng khu Trung tâm Lễ hội thuộc dự án văn hóa Trần, tuyến đường trục trung tâm phía nam thành phố... Một số không gian công cộng trong thành phố đã được đầu tư như khu vực Trung tâm Nhà văn hóa 3-2, hồ Vị Xuyên, khu vực Tượng đài Trần Hưng Đạo, Sân vận động Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Bảo tàng tỉnh, Cột cờ Nam Định… tạo cảnh quan đẹp và không gian xanh mát xen lẫn giữa truyền thống và hiện đại mang những nét đặc trưng riêng của thành phố.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát triển 10 năm là đô thị loại I cũng đặt ra cho thành phố Nam Định nhiều thách thức. Đó là kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ tuy chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nhưng giá trị còn nhỏ. Tiềm năng về phát triển công nghiệp; phát triển du lịch; phát triển đào tạo nguồn nhân lực… chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù chưa đủ mạnh để tạo động lực cho thành phố phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh đòi hỏi phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể gắn liền với phát huy tiềm năng, lợi thế và tạo nguồn lực để xây dựng thành phố...

Hồ truyền thống (thành phố Nam Định). Ảnh: Bùi tuấn

Hồ truyền thống (thành phố Nam Định).

Ảnh: Bùi Tuấn

Trước cơ hội phát triển và thách thức, thành phố Nam Định đang thực hiện các giải pháp có tính “đột phá” với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể là:

1. Mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định với diện tích gấp hơn 4 lần so với hiện nay bao gồm toàn bộ thành phố hiện nay, huyện Mỹ Lộc, 3 xã Đại An, Thành Lợi, Tân Thành (Vụ Bản) và 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An (Nam Trực) với tổng diện tích là 18.799km2. Quy mô dân số của thành phố đến năm 2030 khoảng 520 nghìn người; trong đó dân số nội thị khoảng 384.500 người. Đến năm 2040, dân số khoảng 600 nghìn người, trong đó dân số nội thị khoảng 485 nghìn người. Thành phố Nam Định sau khi mở rộng sẽ có vị thế và xu hướng phát triển mới, khai thác có hiệu quả những tiềm năng để xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch.

2. Xác định công nghiệp, thương mại, dịch vụ là “mũi nhọn”, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực tạo ra sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao nhất là: cơ khí chế tạo, điện - điện tử; hóa - dược, công nghệ sinh học; công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, vận tải, logistics, khoa học công nghệ, dịch vụ tài nguyên môi trường, khách sạn, nhà hàng, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Hình thành các tuyến phố thương mại, phố cổ, chợ đêm, phố đi bộ... với sản phẩm truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý xã hội.

3. Thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, xác định sông Đào là trục xương sống, phát triển hai bên sông; lấy đô thị cũ làm trung tâm kết nối, tạo các trục kết nối với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới nam sông Đào. Thành phố sẽ hình thành 3 vùng phát triển: Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh. Vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc (Mỹ Lộc), hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp nam sông Đào gắn với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven sông.

4. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố. Hoàn thành đầu tư xây dựng đường trục trung tâm phía nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10; chỉnh trang mở rộng đường dẫn cầu Tân Phong, xây dựng đường vành đai 2. Khởi công công trình xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi và xây dựng tuyến đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B là 2 dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối 6 huyện phía nam tỉnh tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía nam sông Đào.

5. Phát triển các đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, thu hút tăng trưởng, góp phần tạo nền tảng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Song song với việc duy trì phát triển khu phố cổ với các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, bổ sung những không gian công cộng mới, hoàn thành hạ tầng các khu đô thị, khu tái định cư hiện có như: Hòa Vượng, Dệt May, Thống Nhất, Nam Sông Đào, Bãi Viên; thành phố Nam Định tiếp tục đầu tư đồng bộ, xây dựng các khu đô thị mới hiện đại: Phú Ốc, Nguyễn Công Trứ, Nam Vân; các khu tái định cư: Lộc Vượng, Liên Hà 1, Cửa Nam, Nam Phong… Với quỹ đất và dân số theo định hướng phát triển sẽ là sức hút các nguồn lực đầu tư, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

6. Tiếp tục gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sự phát triển của thành phố hướng đến cân bằng đô thị hóa, hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc độc đáo; tiếp tục bảo tồn, phát triển đặc trưng và bản sắc như: Văn hóa nhà Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, nhà máy Dệt cũ, làng nghề trồng hoa, cây cảnh…, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa, nhất là các di sản văn hóa để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, gắn với phát triển kinh tế du lịch.

Những thành tựu đạt được cùng với những vận hội mới đang tạo thế và lực cho thành phố Nam Định xây dựng đô thị văn hiến, anh hùng, hiện đại, giàu đẹp, văn minh trong giai đoạn tiếp theo./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com