(Tiếp theo và hết)
Kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả đang mang lại nhiều lợi ích đối với xã hội; đóng góp tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo; khơi dậy tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; sử dụng vốn quỹ để hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và chăm lo phúc lợi cho các hộ thành viên, góp phần ổn định trật tự xã hội, an ninh nông thôn.
Chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, huyện Xuân Trường. |
II. Khắc phục những bất cập trong phát triển kinh tế tập thể
Trên địa bàn tỉnh đang có nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngoài thực hiện tốt tiêu chí số 13 trong 19 tiêu chí xã nông thôn mới, các HTX nông nghiệp còn đóng góp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; tích cực triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản phẩm OCOP; chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh...
HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) là mô hình kinh tế tập thể điển hình, hoạt động hiệu quả. Được thành lập năm 2015 theo Luật HTX 2012 với 18 hộ thành viên, đến nay HTX đã phát triển lên 25 thành viên, có diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lợ 25ha với 4 sản phẩm chủ lực gồm cá lăng, trắm, chép và tôm thẻ được áp dụng công nghệ nuôi trồng sản phẩm tiêu chuẩn thực phẩm an toàn. HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng chế biến thức ăn đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ đáp ứng yêu cầu thực phẩm an toàn đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Hội đồng quản trị đã kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, HTX Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu năm 2020 đạt trên 12 tỷ đồng; lợi nhuận bổ sung quỹ HTX đạt 162 triệu đồng; mỗi ha nuôi trồng của thành viên đạt 200 triệu đồng... HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Hiện HTX áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn từ nguồn phân hữu cơ công nghệ Nhật Bản sản xuất tại chỗ vào canh tác; xây dựng tem nhãn truy xuất với 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn được chứng nhận OCOP 3 sao. HTX liên kết với Công ty TNHH Ngọc Anh, Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Giao và một số cửa hàng nông sản sạch để sản xuất và tiêu thụ khoai tây và các loại rau. Đến nay các sản phẩm rau thương hiệu HTX Nam Cường đã được thị trường ưa chuộng, tạo động lực để HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh... HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) tập trung liên kết sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hóa. Đặc biệt, HTX đã khôi phục thành công giống lúa nếp truyền thống, ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VINABHTABA Bắc Ninh sản xuất với diện tích quy hoạch gọn vùng 65ha, trong đó có 15,5ha lúa giống, giá tiêu thụ được thỏa thuận điều chỉnh theo thị trường; mức giá tiêu thụ những năm gần đây từ 35 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/kg lúa giống và từ 15 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/kg thóc tươi thương phẩm. Hội đồng quản trị HTX đã xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi với các sản phẩm gạo Bắc thơm và Tôm thẻ trong thời gian tới... Một số mô hình HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như HTX Trung Hiếu, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) thành lập năm 2015 theo Luật HTX năm 2012, ban đầu với 8 thành viên sáng lập, đến nay đã có 786 thành viên đại diện hộ nằm trên địa bàn 3 xã. HTX có 11 ngành nghề được cấp chứng nhận đăng ký khi thành lập, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ chính của HTX là tổ chức cho thành viên sản xuất các loại sản phẩm bao bì, đồ thủ công mỹ nghệ đan bằng cói gắn với chuỗi giá trị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Doanh thu năm 2021 dự kiến đạt 9,2 tỷ đồng; tạo thu nhập cho thành viên từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. HTX Chế biến tiêu thụ nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) HTX đã ký kết hợp đồng thu mua ổn định sản lượng lúa thương phẩm với 25 HTX trong câu lạc bộ HTX nông nghiệp mạnh của tỉnh, qua đó đã ký hợp đồng với hộ thành viên, đầu tư đồng bộ máy móc từ gieo cấy, thu hoạch, sấy... Mỗi tháng, HTX Bốn Thuận chế biến bình quân gần 1.000 tấn thóc gắn với chuỗi cung ứng tiêu thụ gạo ra thị trường theo hợp đồng đã ký. HTX Chăn nuôi Sơn Nam, xã Hải Trung (Hải Hậu) thành lập năm 2016 với 15 hộ thành viên trên nền tảng từ tổ hợp tác đã có từ trước. HTX chăn nuôi thỏ thịt thương phẩm gắn với chuỗi giá trị cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Doanh thu từ ngày thành lập đến nay khá ổn định, đạt từ 8,5 đến 9 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân hộ thành viên 10 triệu đồng/tháng...
Thu hoạch bí xanh tại HTX Yên Cường, huyện Ý Yên. |
Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Mặc dù hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã, huyện, tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 và chương trình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở giai đoạn tiếp theo nhưng kinh tế tập thể, HTX vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ: Nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và của chính những người tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác chưa rõ ràng, chưa nhất quán về bản chất, vai trò và lợi thế của kinh tế tập thể. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa sâu sát và chưa quan tâm tới xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các HTX. Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn thấp, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản; tư duy phát triển sản xuất kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh dịch vụ nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận cái mới. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế. Hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX còn bỏ trống; việc tuyên truyền, đào tạo đội ngũ thanh niên trẻ, kế cận tham gia quản lý HTX cũng như thu hút thêm thành viên HTX chưa được quan tâm, gây sự thiếu hụt về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế vẫn còn tâm lý coi các HTX đã thành lập từ những năm thực hiện cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp là những HTX kiểu cũ, không thể thay đổi đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng khắc phục các yếu kém ở các HTX, không có cơ chế bảo vệ thành viên, cải tổ, tái cơ cấu các HTX này, gây ra sự trì trệ chung cho phong trào HTX. Cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế; một số chính sách được ban hành nhưng không có nguồn lực thực hiện và không khả thi. Kinh phí hỗ trợ phát triển HTX hàng năm còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu. Số lượng và tỷ lệ các HTX tiếp cận được các chính sách thấp, đặc biệt chính sách ưu đãi tín dụng và cơ sở hạ tầng. Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật. Trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định các nội dung, công việc cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về kinh tế tập thể nên sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế. Thực tế trong quá trình chuyển đổi và tổ chức lại, một số HTX chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Luật HTX, nội dung chuyển đổi và chất lượng các nội dung chuyển đổi chưa đảm bảo, còn mang tính hình thức. Cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và vốn quỹ của HTX còn nhiều khó khăn. Nhiều HTX có công nợ lớn, phức tạp dây dưa kéo dài, gây khó khăn trong quá trình tổ chức lại và chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012; vốn góp của các thành viên trong HTX còn thấp. Cá biệt vẫn có HTX chưa có trụ sở làm việc, thiếu nhiều điều kiện để hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và tiến tới là thực hiện chuyển đổi số. Việc phát triển sản xuất và các dịch vụ ở nhiều HTX sau chuyển đổi vẫn còn hạn chế; phạm vi, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ còn nhỏ, hiệu quả chưa cao; chưa có nhiều HTX tham gia các chuỗi liên kết để cung ứng vật tư, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, vì vậy số HTX trung bình, yếu còn có tỷ lệ cao. Các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất. Số HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp (chiếm tỷ lệ 19% tổng số HTX). Công tác xây dựng, đánh giá và nhân rộng mô hình HTX điển hình, kiểu mới hoạt động có hiệu quả theo Luật còn hạn chế; chưa có nhiều các HTX có cách làm hay và sáng tạo.
Trước thực trạng trên, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động làm cho các hộ kinh tế gia đình, kinh tế cá thể, các cơ sở sản xuất hiểu rõ được bản chất, vai trò của kinh tế tập thể đối với kinh tế hộ thành viên, làm cho các hộ thành viên thấy được lợi ích đích thực khi tham gia kinh tế tập thể thông qua việc thành lập và phát triển HTX, liên hợp HTX. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, mở rộng quy mô kinh tế hộ thông qua việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại, các cơ sở sản xuất có quy mô lớn hơn; từ đó hình thành nhu cầu hợp tác, liên kết sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành HTX nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Cần củng cố phát triển các tổ hợp tác, HTX trên cơ sở các giải pháp hướng tới việc tập hợp liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế theo đúng nguyên tắc, bản chất và giá trị HTX. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực nội tại cho HTX và các thành viên HTX, đảm bảo hài hòa lợi ích của HTX và các thành viên HTX; coi trọng công tác đánh giá, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với phát triển các liên kết chuỗi giá trị, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế tập thể, HTX là nội hàm của cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. HTX chính là mô hình hợp tác, liên kết của các hộ nông dân. Phát triển kinh tế tập thể, HTX không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà còn nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển. Hiệu quả của HTX chính là hiệu quả của hộ gia đình, HTX phát triển thì đời sống hộ thành viên ở nông thôn mới được nâng cao./.
Bài và ảnh: Xuân Thu