Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Nam Định

01:10, 08/10/2021

 

Phạm Gia Túc
Uỷ  viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Nam Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra và hun đúc nên nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Cố vấn BCH Trung ương Đảng, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nam Định. 

Đồng chí Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải) sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân (thành phố Nam Định), trong một gia đình nho giáo, ở một vùng đất có truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học. Kế thừa truyền thống của quê hương và gia đình, đồng chí đã giác ngộ lòng yêu nước và đến với cách mạng từ rất sớm. 14 tuổi, đồng chí đã hoà mình vào các hoạt động của học sinh, hăng hái tham gia phong trào biểu tình, bãi khoá đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 15 tuổi, tiếp xúc với tư tưởng yêu nước do các hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên truyền bá, được giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí đã tích cực tham gia các hoạt động trong học sinh. 17 tuổi, đồng chí đã đứng trong đội ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 10-1929, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng (thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta). Tháng 11-1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo, được cấp ủy chi bộ nhà tù Côn Đảo tín nhiệm cử vào Ban Thường vụ chi uỷ nhà tù và làm Bí thư chi bộ. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, bọn thực dân ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Ra tù, trở về Nam Định, đồng chí tiếp tục bắt liên lạc và xây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định. Đồng chí cùng một số đảng viên đã xây dựng đại lý phát hành sách báo cánh tả để tuyên truyền sách báo của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin; cùng tập thể cấp ủy Nam Định lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân theo hướng đòi dân sinh, dân chủ.

Năm 1939, biết rõ đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt đồng chí và khép tội, kết án 5 năm tù đưa đi giam giữ ở Hà Nội, Sơn La và Hoà Bình. Trong lao tù độc ác của bọn thực dân, bị địch tra tấn dã man, đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, không khai báo hoạt động của Đảng, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, lý luận cách mạng, động viên bạn tù giữ vững tinh thần chiến đấu. Năm 1944, ra tù, đồng chí được Đảng đưa về hoạt động ở an toàn khu (ATK), phụ trách công tác bảo đảm bí mật, an toàn cho ATK. Đồng chí đã có một số đóng góp tại Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9-3-1945 để ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ cùng với các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng có công lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, xây dựng Đảng, đoàn thể, xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo đảm giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1948, đồng chí được cử thay mặt Trung ương Đảng vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ; được giao trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ phát triển, giành được những thắng lợi vẻ vang. Năm 1958, đồng chí từ chiến trường miền Nam ra Bắc, được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 5-1968, được Bộ Chính trị gọi ra miền Bắc, giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam và trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện riêng giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí rất quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nghiên cứu lịch sử Đảng làm cơ sở để xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn.

Những chuyến vươn khơi đánh bắt xa bờ của ngư dân Nam Định. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Những chuyến vươn khơi đánh bắt xa bờ của ngư dân Nam Định.

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Nam Định tự hào là mảnh đất quê hương đã sinh ra và nơi bắt đầu những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Lê Đức Thọ. Truyền thống gia đình, quê hương đã hun đúc, tôi luyện nên bản lĩnh cách mạng và ý chí kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Lê Đức Thọ. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Thọ luôn dành cho quê hương những tình cảm thiêng liêng và sâu nặng; đồng chí đã 4 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định. Trong những lần về thăm và làm việc, đồng chí luôn dành rất nhiều tình cảm thắm thiết, sâu sắc, ân tình sâu nặng với quê hương. Đồng thời với nhãn quan chính trị sắc bén, sự sâu sát thực tế của một nhà lãnh đạo cách mạng, đồng chí luôn quan tâm, nhắc nhở Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nam Định luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chú ý phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là chăm lo “cái gốc” cho Đảng.

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sĩ cộng sản Lê Đức Thọ, người con ưu tú của quê hương Nam Định là di sản tinh thần quý giá, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ, năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí, tỉnh Nam Định đã xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí ngay tại mảnh đất đồng chí sinh ra và lớn lên. Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trưng bày các hiện vật, tư liệu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ, là địa chỉ văn hóa - lịch sử để nhân dân và du khách thăm viếng, tưởng niệm và tri ân đối với đồng chí Lê Đức Thọ.

Học tập và noi gương đồng chí Lê Đức Thọ, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương, đã đoàn kết chung sức, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực, xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng phát triển. Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), phát huy truyền thống đoàn kết, từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ mọi nguồn lực, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, kế hoạch đề ra, tạo được nhiều dấu ấn rõ nét: Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được mở rộng; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,9%/năm. Nhiều công trình giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Từ thành quả xây dựng NTM của nhiệm kỳ trước, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 78 xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 357 thôn, xóm, tổ dân phố đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều thành tích nổi bật, ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích 27 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Chất lượng công tác xây dựng Đảng được nâng lên; tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo và giữ vững. Những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực là nền tảng tiền đề thuận lợi để tạo sức bật mới cho bước phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Nam Định trong giai đoạn mới; hướng tới mục tiêu đến năm 2030, là tỉnh phát triển khá của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025).

Phát huy truyền thống quê hương, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Định luôn đoàn kết, nỗ lực sáng tạo; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng tỉnh Nam Định giàu mạnh, văn minh./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com