Những ngày này, khi đồng bào và chiến sĩ cả nước đang căng mình chống lại đại dịch COVID-19, lời Bác dạy năm xưa như một động lực mạnh mẽ thôi thúc mỗi người gắn vận mệnh của mình với vận mệnh dân tộc. Cả nước góp sức, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.
Các y, bác sĩ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19. Ảnh: giadinh.net.vn |
“Lo cứu nước tức là lo cứu mình”
Ngay từ thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã có ý thức gắn vận mệnh cá nhân mình với vận mệnh chung của đồng bào, đất nước. Người luôn đau đáu một nỗi niềm: “… Hỏi xem non nước mất hay còn!”. Đó chính là những biểu hiện ban đầu của một nhân cách lớn, một trí thức chân chính. Bác luôn luôn trăn trở, đau đớn trước nỗi nhục mất nước, đồng bào nô lệ, lầm than, suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến số phận con người và các giá trị làm người. Bác đã thật sự lấy nguyện vọng, ham muốn của đồng bào, của mọi người Việt Nam làm nguyện vọng, ham muốn cao nhất của mình, lấy cái tâm của dân làm cái tâm của cá nhân mình. Người đau nỗi đau chia cắt đất nước, vui, buồn cùng với nhân dân, sẵn sàng hy sinh đời sống riêng tư mà ở đời và làm người ai cũng cần phải có.
Năm 1945, trong tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người long trọng tuyên bố: “Chính phủ là công bộc của dân”. Trả lời các nhà báo nước ngoài, ngày 21-1-1946, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận vậy... Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Nói chuyện với đồng bào trước khi sang Pháp, ngày 30-5-1946, Bác nói: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Sau chuyến đi Pháp về, ngày 23-10-1946, Người tuyên bố: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Cho đến lúc sắp đi xa, Bác vẫn canh cánh “nỗi lo dân nước, nỗi năm châu”, và căn dặn “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Ngay cả việc hậu sự của mình, Người cũng chỉ nghĩ đến dân, đất nước: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Thực hiện lời dạy của Bác, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công oanh liệt: Tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á; tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa vị thế nước ta ngày càng nổi bật trên trường quốc tế.
Chung sức vượt qua đại dịch
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch. Quốc hội khóa XV đã ra Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVD-19 thích ứng với tình hình. Nhân dân cả nước chung sức, đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và sự đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn.
Chính phủ đã có sự ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng chia sẻ để cùng nhau phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước; đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ ở cơ sở và đội ngũ tình nguyện viên đã tận tâm, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian gần đây, trên các trang báo, trên mạng xã hội, các clip đăng tải nhiều sự việc, hình ảnh chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường nhưng gây bao cảm xúc về tình người ngay trong mùa dịch, như hình ảnh chiến sĩ áo xanh nơi biên giới, chiến sĩ áo trắng làm việc quên mình để giành lại sự sống cho người dân; cụ bà 84 tuổi tìm đến chốt trực tặng quà cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ…
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vẫn còn cơ quan, đơn vị, địa phương còn thực hiện chưa thật nghiêm các biện pháp theo quy định, thậm chí còn chủ quan, lơ là. Một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng nâng giá bán một số mặt hàng thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu để trục lợi. Có nhóm đối tượng mạo danh lực lượng chức năng để kiểm tra, phạt tiền người dân đi đường. Có người tiếp xúc với bệnh nhân F0, nhưng không khai báo y tế, không cách ly tập trung. Nhiều trường hợp không thực hiện theo quy định, thiếu hợp tác, chống đối, chửi bới, lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ. Một số đối tượng tụ tập ăn nhậu, hát karaoke, đánh bạc, đua xe trái phép. Cá biệt có nơi, cán bộ lãnh đạo không gương mẫu, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Hiện tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch có dấu hiệu gia tăng... gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trở lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị và một bộ phận nhân dân. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong thực hiện các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, thì ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Ghi nhớ lời Bác, để phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và góp phần cùng cả nước chống dịch, mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc về tốc độ, quy mô lây lan, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm của đợt dịch lần thứ tư này. Từ đó, tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi phòng, chống dịch của đồng chí Tổng Bí thư; Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người là trên hết, trước hết; đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, tìm mọi cách ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Mỗi người dân và gia đình chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt và một số bất tiện, khó khăn so với điều kiện bình thường, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, một số hạn chế theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với một số khu vực, địa bàn. Có thái độ cư xử đúng mực, ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên các chốt kiểm dịch. Phát triển các kỹ năng phòng chống dịch, như thực hiện thông điệp 5K; Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý, xây dựng lối sống lành mạnh; Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế… giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Gắn kết lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, đất nước, không vì lợi ích cá nhân, gia đình mình mà có các hành vi vi phạm.
Phát huy vai trò và sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực, hỗ trợ tham gia phòng, chống dịch COVID-19; chung sức, đồng lòng với lực lượng chuyên môn tại các điểm cách ly, các chốt phong tỏa cùng thực hiện nhiệm vụ. Động viên người dân khi phải thực hiện giãn cách, cách ly. Tổ chức tốt các hoạt động an sinh xã hội, chính sách cho thành viên và gia đình người lao động; chia sẻ những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch với tinh thần tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân”, phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Khắc ghi lời Bác, với ý chí “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân ra sức chiến đấu với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!
Theo hochiminh.vn