Từ đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Nam Định đã có nhiều chuyển biến mới. Các hình thức đấu tranh đòi quyền lợi và tuyên truyền, vận động, treo cờ Đảng, tập hợp lực lượng, thậm chí đánh đuổi bọn lính lệ về làng đốc thuế… đã diễn ra ở một số nơi như Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên… Tháng 5-1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh (chức năng tương đương Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hiện nay) được kiện toàn. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tập trung lãnh đạo nhân dân tiếp tục đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ; mặt khác ra sức củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng để sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Các hoạt động chuẩn bị như may cờ, viết khẩu hiệu, sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự… đã diễn ra ở nhiều nơi.
Vùng quê Cách mạng xã Hải Hưng (Hải Hậu). Ảnh: Việt Thắng |
Khi khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra trong cả nước, vì điều kiện thông tin tại thời điểm đó có nhiều khó khăn và chưa kịp thời, mặc dù chưa nhận được lệnh trực tiếp của Trung ương nhưng do đã nắm được chủ trương tổng khởi nghĩa và Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” từ trước đó và đã chủ động theo dõi tình hình diễn biến qua các nguồn tin khác nên ngay từ chiều ngày 17-8-1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn và phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Căn cứ điều kiện cụ thể, Ban Cán sự Đảng tỉnh quyết định chọn huyện đường Trực Ninh là nơi “đột phá khẩu” đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền.
Một kế hoạch đánh chiếm huyện đường Trực Ninh nhanh chóng được vạch ra. Khoảng 15 giờ ngày 17-8-1945, đông đảo lực lượng quần chúng, do đội “Vũ trang tuyên truyền” của tỉnh dẫn đầu, từ thôn Nam Lạng cách đó 2km, với đầy đủ gậy gộc, giáo mác, cờ Tổ quốc và một số vũ khí thô sơ như tiểu liên, súng ngắn… rầm rộ kéo về huyện đường Trực Ninh. Khi gần đến nơi, lực lượng khởi nghĩa chia làm 2 hướng tiến vào đánh chiếm huyện đường. Khiếp sợ trước uy thế của đoàn quân cách mạng, hầu hết các binh lính sau khi được tuyên truyền, kêu gọi đều buông súng đầu hàng. Chính quyền địch tê liệt, tan rã không dám phản kháng, nộp toàn bộ vũ khí, sổ sách cho cách mạng. Sau khi Trực Ninh khởi nghĩa thành công, lần lượt các huyện Nam Trực, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, thành phố Nam Định và cuối cùng là huyện Mỹ Lộc cũng đều tiến hành khởi nghĩa và giành được thắng lợi. Chỉ trong 1 tuần từ ngày 17 đến ngày 22-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, nhân dân Nam Định đã đứng lên tiến hành khởi nghĩa thành công trong toàn tỉnh.
Từ thực tế quá trình khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945 ở Nam Định thành công, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất: Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố đầu tiên quyết định thắng lợi.
Khi nhận thấy tình hình diễn biến mau lẹ, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã cấp tốc triệu tập cuộc họp bàn và phát lệnh khởi nghĩa. Hội nghị đã phân tích tình hình, chọn huyện Trực Ninh làm nơi mở màn, vì ở đây có phong trào cách mạng mạnh mẽ, xa thành phố nên địch không kịp tiếp ứng, mặt khác nhân sự chủ chốt của chính quyền địch ở đây lại vừa có sự thay đổi chưa quen với tình hình. Ở các huyện khác, khởi nghĩa diễn ra đều có sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương. Đặc biệt là thành phố Nam Định, sự lãnh đạo của Đảng càng được thể hiện rõ hơn. Ban Cán sự Đảng tỉnh đã phối hợp với đội danh dự của Xứ ủy, thông báo tình hình Nhật đầu hàng đồng minh, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thả tù chính trị còn bị giam giữ trong đề lao ra, rồi tổ chức cuộc biểu tình lớn, tiến hành xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân.
Thứ hai: Tập hợp và sử dụng sức mạnh đông đảo của quần chúng nhân dân.
Trong Cách mạng Tháng 8-1945 ở Nam Định, các cuộc đấu tranh giành chính quyền ở các huyện, thị và thành phố đều đã huy động, tập hợp được đông đảo nhân dân hưởng ứng; có lúc tới hơn 3 vạn người tham gia. Dù ở thành phố hay nông thôn, ở đâu nhân dân cũng là lực lượng đông đảo, hùng hậu, tạo ra uy thế lớn của cuộc khởi nghĩa, góp phần bao vây đánh chiếm các huyện đường, khiến kẻ địch khiếp sợ, không dám chống cự, phải nộp vũ khí đầu hàng. Do đó, biết tập hợp và sử dụng được sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân chính là một trong những nguyên nhân để cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Định đi đến thắng lợi.
Thứ ba: Nhạy bén, phân tích đúng tình hình, chọn đúng điểm mở màn, xây dựng được kế hoạch khởi nghĩa linh hoạt, tập trung lực lượng cho nơi có khó khăn.
Khi tình hình diễn biến chín muồi, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã biết phân tích đúng tình hình, thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu của kẻ thù, tập trung lực lượng, chọn huyện Trực Ninh làm điểm khởi đầu khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ban Cán sự Đảng đã căn cứ vào tình hình thực tế lúc đó và những yếu tố liên quan giữa ta và địch để đưa ra những quyết định kịp thời, hợp lý. Giành chính quyền ở Trực Ninh thành công sẽ có tác dụng cổ vũ, động viên to lớn đối với các huyện, thành còn lại. Kế hoạch trên vừa có tính khả thi trong thực tế vừa có tính cơ động, ứng biến. Đây vừa là đặc điểm vừa là nghệ thuật trong lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Định.
Thứ tư: Vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cách mạng ở địa phương.
Khi khởi nghĩa đã diễn ra ở một số địa phương phía Bắc (Thái Nguyên, Tuyên Quang…) lúc này mặc dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương nhưng do đã nắm được chủ trương từ trước đó, thấy thời cơ khởi nghĩa chín muồi, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã kịp thời phát lệnh và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Trong quá trình khởi nghĩa, mỗi địa phương lại có những đặc điểm khác nhau, đặc biệt là thành phố Nam Định, nên sự vận dụng phương pháp, hình thức để giành chính quyền ở các địa phương cũng khác nhau. Đây là một việc làm hết sức linh hoạt và sáng tạo của Nam Định để đưa những chủ trương, đường lối của Trung ương vào thực tế.
Thứ năm: Biết lợi dụng những mặt yếu của kẻ thù để biến thành những yếu tố có lợi phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng.
Trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Định thì khởi nghĩa ở thành phố Nam Định so với các huyện khác là quan trọng và khó khăn hơn cả. Tuy nhiên, trước khí thế ngút trời của khởi nghĩa trong toàn quốc, bộ máy thống trị tay sai đã lung lay, rệu rã. Lợi dụng yếu tố này, lực lượng vũ trang thành phố đã phối hợp với đội tuyên truyền vũ trang của Bắc Bộ phủ từ Hà Nội về, vào thẳng dinh tỉnh trưởng để thuyết phục đầu hàng, đồng thời yêu cầu chúng in cho ta 3 vạn tờ truyền đơn để kêu gọi nhân dân mít tinh vào chiều ngày 21-8-1945. Lợi dụng những yếu tố của kẻ thù để sử dụng có lợi cho cách mạng chính là mầm mống của kinh nghiệm binh, địch vận mà sau này chúng ta đã sử dụng rất hữu hiệu trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Những nội dung rút ra trên đây chính là những nguyên nhân đã góp phần đưa cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam Định nhanh chóng đi đến thành công và ít đổ máu. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm quý để sau này Đảng bộ tiếp tục vận dụng trong các giai đoạn chiến đấu và xây dựng tiếp theo giành nhiều thắng lợi mới./.
Nguyễn Kim Chiến
(Hội Khoa học lịch sử tỉnh)