Đại tá Phạm Văn Long
Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh
Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống lực lượng CAND, 16 năm ngày Hội toàn dân bảo vệ ANTQ (19-8-2021), cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh phấn khởi tự hào về những trang sử vàng truyền thống của ngành nói chung, của Công an tỉnh Nam Định nói riêng. Nhìn lại chặng đường 76 năm qua có rất nhiều những chiến công đã trở thành dấu ấn, khắc ghi bản lĩnh và để lại niềm tin cũng như hình tượng đẹp về người chiến sĩ Công an Nam Định trong lòng nhân dân.
Đại tá Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh đi thăm, tặng quà lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: PV |
Cách đây 76 năm, ngày 17-8-1945, tự vệ đỏ gồm 13 chiến sĩ - tiền thân của Công an Nam Định ngày nay được lệnh của Uỷ ban Khởi nghĩa đã dũng cảm chiếm Ty Liêm phóng - sào huyệt của bộ máy cảnh binh tay sai thực dân Pháp. Tiếp đó là chiến công vang dội của các đội “Hành động”, “Công an xung phong” với các trận đánh đồn Khâm, cứ điểm Đông Biên, Vạn Bảo… ghi dấu ấn trong lịch sử của lực lượng Công an Nam Định.
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Công an Nam Định lại phải đương đầu với những khó khăn, thử thách đối đầu với kẻ thù mới xảo quyệt, thâm độc hơn đó là gián điệp Mỹ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Tỉnh uỷ, Ủy ban Hành chính tỉnh, các kho tàng kinh tế, quân sự và trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, từ năm 1965 đến năm 1975, Ty Công an Nam Hà đã chi viện cho miền Nam 129 cán bộ, 24 cán bộ được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế, hàng chục đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Cũng từ những năm tháng khốc liệt ấy, lực lượng công an Nam Định đã thực sự trưởng thành. Các chuyên án Z161, chuyên án 778, chuyên án tiêu diệt nhóm cướp liên tỉnh phi đội đường 9 một thời đã trở thành huyền thoại đóng góp vào kho tàng thực tiễn của lực lượng Công an nhân dân.
Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Công an Nam Định đã sát cánh cùng với quân và dân trong tỉnh không ngại hy sinh, gian khổ, kiên trì bám trụ ở những vùng chiến sự ác liệt, đầu mối giao thông quan trọng như cầu Non Nước, Bến Mới (Ý Yên), phà Đò Quan, ga Nam Định, ga Cầu Họ…, vận động, giúp đỡ nhân dân đi sơ tán, đào hầm trú ẩn, kiên cường bám trụ, cùng với quân dân toàn tỉnh đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cứu sống hàng trăm người bị sập hầm, bảo vệ an toàn các mục tiêu, cơ sở kinh tế, hàng trăm tấn lương thực, xăng dầu, đạn dược… giữ vững mạch máu giao thông.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kinh tế - xã hội của đất nước lâm vào khủng hoảng nặng nề do hậu quả của chiến tranh. Những năm 1980-1990 có thời điểm ở Nam Định số vụ trọng án tăng 141%, số vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản tăng 96%. Đứng trước sự gia tăng với những diễn biến phức tạp của nhiều loại tội phạm, lực lượng Công an Nam Định bước vào cuộc chiến đấu mới đối diện trực tiếp với tội phạm hình sự và vũ khí nóng. 6 giờ sáng ngày 28-7-1989, chiến dịch 135 chính thức mở màn. Chỉ trong vài giờ được sự chi viện của Công an tỉnh, Công an thành phố Nam Định đã triệt phá hơn 20 băng ổ nhóm, bắt 34 tên tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm mở màn cho hơn 10 đợt của chiến dịch 135 trên địa bàn toàn tỉnh. Sau hơn 2 năm lực lượng Công an đã bắt gần 300 tên đi tập trung cải tạo, 142 tên cải tạo tại chỗ, giáo dục cảm hoá hàng nghìn tên, thu 119 súng, 139 lựu đạn, 317 côn gỗ, 212 dao lê và nhiều vũ khí gây án khác. Chiến dịch 135 đã nâng tầm phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Nam Định lên một bước mới, nhân dân phấn khởi xây dựng mô hình mới và hỗ trợ lực lượng công an tấn công trấn áp tội phạm. Có thời điểm tình hình an ninh nông thôn trong tỉnh ở một số địa phương như: Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Trực Cường (Trực Ninh), Hồng Thuận (Giao Thủy) diễn biến phức tạp. Đối với những điểm mâu thuẫn, khiếu tố phức tạp kéo dài, Công an tỉnh đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm xuống cơ sở thực hiện “ba cùng” với dân để vận động nhân dân, phân hoá số đầu đơn, kiềm chế số quá khích góp phần ổn định tình hình, củng cố cơ sở chính trị, thúc đẩy các phong trào ở địa phương phát triển.
Những năm gần đây, Công an tỉnh tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên. Thường xuyên tổ chức giao lưu, gặp gỡ giữa lãnh đạo Công an tỉnh với Giám mục, Linh mục Giáo phận Bùi Chu, Giáo phận Hà Nội, Giáo hội Phật giáo tỉnh, góp phần củng cố, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo với lực lượng công an. An ninh vùng giáo, an ninh nông thôn, an ninh đô thị được giữ vững. Liên tục 3 năm (2018-2020) Công an Nam Định xung kích đi đầu trong triển khai thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy đảm bảo tinh gọn, thể hiện rõ quyết tâm chính trị mạnh mẽ và nỗ lực thực hiện chủ trương lớn của Bộ Công an. Mô hình tổ chức, bộ máy Công an tỉnh giảm còn 37 đầu mối, công an chính quy được điều động đảm nhiệm các chức danh công an xã ở cả 204/204 xã, thị trấn trong tỉnh.
Những tháng đầu năm 2021, 3 nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, 3 mục tiêu kép mà Công an Nam Định phải căng mình thực hiện, đó là: Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Thực hiện dự án sản xuất, cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử; Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt trong chiến dịch “100 ngày, đêm quyết liệt, thần tốc thực hiện chỉ tiêu cấp hơn 1,1 triệu căn cước công dân gắn chíp điện tử trước ngày 15-6-2021”, đến ngày 14-6-2021 toàn tỉnh đã thu nhận 1.253.023/1.109.100 hồ sơ làm căn cước công dân gắn chíp điện tử đạt 112,97%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Bộ Công an giao trước 45 ngày, là một trong hai đơn vị đứng đầu toàn quốc, được đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương.
Bên cạnh đó lực lượng Công an trong tỉnh đã tập trung đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục các băng nhóm tội phạm, các đối tượng côn đồ gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Chủ động các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, thành lập các tổ công tác đặc biệt, tăng cường tuần tra kiểm soát công khai, bí mật trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tạo hiệu ứng làm giảm tội phạm… Tập trung điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt trên 80% (vượt 5% so với chỉ tiêu đề ra), trọng án khám phá đạt 100%, phạm pháp hình sự được kiềm chế, trung bình hàng năm giảm từ 3% đến 8%, không xảy ra tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Hàng trăm chuyên án ma túy được phát hiện, triệt xóa, hàng trăm đối tượng ma túy đầu sỏ bị bắt giữ với hàng trăm bánh heroin cùng số lượng ma túy tổng hợp dạng đá bị thu giữ lớn nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó làm tốt công tác quản lý, thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, công tác khởi tố, bắt, giam giữ xử lý tội phạm không để xảy ra oan, sai, đảm bảo an toàn cơ sở quản lý giam giữ. Công tác phòng cháy chữa cháy đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được triển khai đồng bộ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, với sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi và những chiến công, những thành tích đặc biệt xuất sắc, Công an tỉnh luôn giành được sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, 3 Huân chương Quân công hạng Nhất. Các năm: 2017, 2019, Công an tỉnh vinh dự được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Đó là niềm tin, là động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ thiêng liêng của mình, “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, niềm hạnh phúc của nhân dân làm niềm tin, lẽ sống của mình...”./.