Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các chương trình đề ra sau 9 ngày làm việc (kết thúc sớm hơn 3 ngày so với chương trình chính thức đã được thông qua). Sau khi kết thúc kỳ họp Báo Nam Định đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về những nét mới của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: PV |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thành công và những nét mới của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV?
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra 9 ngày trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã khẩn trương làm việc liên tục, ngoài giờ, không có ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, kết thúc kỳ họp sớm 3 ngày so với chương trình đã được thông qua, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo, các bộ, ngành, các địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tại kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội, trong đó gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong chương trình kỳ họp, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trong cả nhiệm kỳ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao. Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ). Quốc hội cũng đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 1 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh); đồng thời, phê chuẩn 4 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ tình hình thực tế và địa bàn cụ thể có sự lựa chọn ưu tiên để vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách Nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi đầu tư phát triển hàng năm đạt 28%; tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách Nhà nước; yêu cầu trong tổ chức thực hiện, cần phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Nét mới của kỳ họp này là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trao Quyết định, Nghị quyết của Đảng Đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Công tác điều hành của Chủ tọa kỳ họp hết sức linh hoạt. Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh COVID-19, Quốc hội đã làm việc cả ngày Chủ nhật là điều chưa bao giờ xảy ra; làm việc ngoài giờ so với quy định. Tuy vất vả nhưng mọi người đều cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm làm tròn vai trò của mình góp phần vào thành công chung của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tại kỳ họp thứ nhất?
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định có 8 đại biểu, gồm 3 đại biểu Trung ương và 5 đại biểu địa phương, có 2 đại biểu Trung ương tái cử, còn lại 6 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu. Tuy nhiên bằng tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm công tác của bản thân, một số đại biểu đã có những đóng góp nhất định với kỳ họp. Cụ thể, chiều 19-7-2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh để bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả, đồng chí Lê Quốc Chỉnh được 8/8 phiếu bầu làm Trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Hải Dũng được 8/8 phiếu bầu làm Phó Trưởng đoàn. Ngày 21-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Đoàn đã đóng góp ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trao Quyết định, Nghị quyết của Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho các Tổ trưởng Tổ Đảng, Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn tại nghị trường. Trong kỳ họp Đoàn Nam Định đã có 4 lần phát biểu tại hội trường về các nội dung: Lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội; Về phòng, chống dịch COVID-19 và về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (trong đó có 2 lần truyền hình, phát thanh trực tiếp vào ngày 24 và 27-7-2021); có nhiều ý kiến phát biểu có chất lượng tại các buổi thảo luận tổ.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh có các hoạt động bên lề kỳ họp như: Một số đại biểu trả lời phỏng vấn báo chí, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu tại thư viện Quốc hội, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Qua hoạt động trao đổi, các đại biểu đã có kinh nghiệm quý trong hoạt động nghị trường như kỹ thuật xây dựng bài phát biểu, cách diễn đạt, biểu cảm... Các đại biểu trong Đoàn đã chấp hành tuyệt đối nghiêm túc nội quy kỳ họp; trong đó có quy định về phòng chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, không tổ chức đón tiếp khách tại khách sạn nơi Đoàn ở, không đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết; chấp hành giờ giấc làm việc; tiếp cận nhanh với các phần mềm mà Văn phòng Quốc hội cung cấp phục vụ cho hoạt động của Quốc hội. Sau kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức hoạt động, phối hợp giữa các đại biểu, sẵn sàng cho kịch bản kỳ họp Quốc hội tiếp tục được tổ chức trong điều kiện có dịch bệnh.
Thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn để các thành viên triển khai các hoạt động theo trách nhiệm được giao. Trước mắt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, với Thường trực HĐND tỉnh để xây dựng các Quy chế phối hợp, làm cơ sở để hoạt động của Đoàn có nhiều gắn bó với địa phương, để các đại biểu Quốc hội nắm vững tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đa dạng hình thức tiếp xúc cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương.
Từ nay đến kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức các cuộc khảo sát để thu thập thông tin đóng góp vào các dự án luật chuẩn bị thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp này, chuẩn bị kế hoạch, phương án tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng chương trình giám sát cho năm 2022. Từ kỳ họp thứ hai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ phát huy những việc đã làm được nhằm làm tốt hơn nữa vai trò của người đại biểu nhân dân, thực hiện lời hứa của mình trước cử tri khi vận động bầu cử, đóng góp ý kiến thiết thực với Quốc hội, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Xuân Thu (thực hiện)