Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới

05:08, 18/08/2021

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lóp nhân dân trong tỉnh về cuộc vận động được nâng lên rõ rệt. Cuộc vận động đã giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế; phát huy tiềm năng, thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối họp thực hiện Cuộc vận động có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền về Cuộc vận động còn hạn chế. Một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động. Tâm lý dùng hàng ngoại còn tồn tại trong một bộ phận người dân có thu nhập cao. Tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân; việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế...

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước và của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.

2. Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của tỉnh và của Việt Nam.

3. Tiếp tục rà soát để kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

4. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá của tỉnh và hàng Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh và cả nước có các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước, đồng thời mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết họp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hoá trong tỉnh sản xuất...

5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam... Đổi mới, đẩy mạnh việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động. Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn...

6. Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh do Ban Thường vụ quyết định kiện toàn; Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện do Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy ra quyết định kiện toàn; Trưởng ban chỉ đạo cấp huyện có thể là đồng chí phó bí thư cấp uỷ hoặc thường vụ cấp uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

7. Tổ chức thực hiện

Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban đảng, huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc tỉnh tổ chức quán triệt Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị này; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Cuộc vận động; hằng năm đánh giá kết quả, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị này.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền về Cuộc vận động.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối họp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan giúp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ./.

T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
Lê Quốc Chỉnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com