Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời hiệu triệu gửi đến người dân nước Việt, đồng lòng để có sức sáng tạo mới thì khó khăn nào cũng vượt qua.
Trong lúc cả nước ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung vào nhiệm vụ chính trị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam”.
Bài viết là nguồn năng lượng soi sáng tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân; chỉ ra con đường để Việt Nam từng bước đi lên CNXH, con đường thật sự đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Tư duy sắc bén
Sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, trước sự hào nhoáng được khuếch đại của chủ nghĩa tư bản, cùng với đó, những khó khăn của đất nước - một bộ phận đảng viên và nhân dân hoài nghi về con đường đi lên CNXH, xuyên tạc lịch sử, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng…
Với tư duy sắc bén, cơ sở khoa học vững chắc, minh chứng bằng thực tiễn sinh động, bài viết của Tổng Bí thư cho thấy chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ và không bao giờ thay đổi bản chất.
Xung đột sắc tộc, nạn kỳ thị chủng tộc, trăm năm nay vẫn xảy ra ở các nước theo con đường tư bản. Lúc âm ỷ, lúc dữ dội, có lúc đổ máu, có nhà nước tư bản nào giải quyết được? Mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản, khi đến ngưỡng, xã hội đó thay đổi theo hình thái mới tiến bộ, đó là quy luật.
Phía sau những khuôn mặt (tưởng là đình đám và có quyền quyết đoán), thật ra họ bị điều khiển bởi các tập đoàn tư bản, theo một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt: lợi nhuận cho nhà tư bản là mục tiêu tối thượng.
Thật chí lý khi Tổng Bí thư phân tích những cuộc khủng hoảng toàn cầu đã và đang, giúp chúng ta nhìn lại. Đại dịch Covid-19: Ai đang chật vật chờ trợ cấp? Ai đang lục tìm thức ăn thừa từ những túi rác, trên những tuyến phố được vinh danh tự do và hoa lệ? Và, còn nhiều câu hỏi day dứt, ai, ai, ai? Người cùng khổ, sản phẩm luôn gắn với xã hội tư bản. Trong khi đó, với chúng ta, đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
Xung đột về chính trị, kinh tế, xã hội trong lòng xã hội tư bản được giải thích một cách biện chứng qua phân tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giúp chúng ta thêm sâu sắc về bản chất chủ nghĩa tư bản, cũng từ đây để thấy con đường chúng ta đi nhằm hướng tới xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là xã hội XHCN Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng. Lựa chọn đó, duy nhất đúng!
Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng chuyển động trên quỹ đạo của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cũng chưa phải là nền kinh tế XHCN đầy đủ - nhận thức mới, giúp chúng ta vững niềm tin, chắc đoàn kết, mỗi người vì sự phát triển bản thân, cộng đồng và phụng sự đất nước.
Đánh trúng điểm rơi tự do
Qua bài viết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời đầy đủ, sâu sắc 4 câu hỏi: CNXH là gì? Vì sao Việt Nam chọn lựa con đường XHCN? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Câu trả lời đưa ra đánh trúng vào điểm rơi tự do của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người dân và như một thành trì chống lại sự rêu rao của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.
Quan trọng hơn, mỗi ý trong trả lời 4 câu hỏi trên, bằng lập luận sắc sảo, Tổng Bí thư đã trang bị bản lĩnh mới cho từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Bản lĩnh mới, chất thép trong ý chí, nghị lực, rồi đây trong mỗi hành động cách mạng, một niềm tin sắt đá: “Thép đã tôi thế đấy”.
Nguồn lực quan trọng làm nên thắng lợi
Quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân Việt Nam, dẫu có lúc chịu bao hy sinh, gian khổ, khi phải đối mặt với những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” thì sức sáng tạo luôn là nguồn lực quan trọng góp nên thắng lợi của dân tộc. Chẳng hạn:
Nghị quyết số 10 (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp tạo sự phát triển vượt bậc cho sản xuất nông nghiệp, đã thực sự mang lại cơ hội cho nông nghiệp cất cánh.
Đại hội VI năm 1986 đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Nhờ vậy, hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo nền tảng quan trọng cho cách mạng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chúng ta đang kiểm soát dịch Covid-19, thêm một minh chứng sống động của sức sáng tạo mới. Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mua vắc-xin phòng Covid-19 là cấp bách, phải thực hiện ngay. Sẽ còn nhiều khó khăn khi đàm phán với đối tác, thách thức chực chờ, rối rắm thủ tục. Nhưng với quyết tâm của Đảng, Chính phủ, sức sáng tạo mới từ Trung ương xuống đến bộ, ngành thì ngày toàn dân được tiêm phòng Covid không còn xa.
Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, bằng lá phiếu của mình, mỗi cử tri góp phần hoàn thiện chính quyền của dân, do dân, vì dân. Thông tuệ lựa chọn những người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đó là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Bài viết của Tổng Bí thư, lời hiệu triệu gửi đến người dân nước Việt, đồng lòng để có sức sáng tạo mới thì khó khăn nào cũng vượt qua!
Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài viết của Tổng Bí thư còn là khúc tráng ca hòa vào dàn hợp xướng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
TS Nguyễn Hoàng Chương
Theo Vietnamnet