[links()]
(Tiếp theo và hết)
Kỳ II: Đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo bền vững
Tỉnh ta là địa phương có dân số khá đông, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 58,5%. Để góp phần giảm nghèo bền vững, những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có cơ hội tìm việc làm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm GDNN và 12 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề ở tỉnh ta luôn được quan tâm bổ sung cả số lượng và chất lượng.
Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề. |
Toàn tỉnh hiện có 2.175 giáo viên, cán bộ quản lý công tác dạy nghề; trong đó trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 27,35%, trình độ đại học chiếm 39,72%; 100% giáo viên có nghiệp vụ sư phạm; 35,3% có trình độ kỹ năng nghề; trên 80% đảm bảo tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học. Các cơ sở hiện đào tạo trên 110 ngành nghề với quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm; trong đó các ngành, lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 36,54%; Công nghiệp chiếm 39,82%; Thương mại - Du lịch chiếm 23,64%. Những năm gần đây, công tác xã hội hóa GDNN có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương với nhiều ngành nghề, nhiều phương thức phù hợp với nhu cầu của người lao động trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập (tăng 6 cơ sở so với năm 2011), trong đó 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 3 trung tâm, 3 doanh nghiệp với quy mô đào tạo hơn 4.000 người/năm.
Với nền tảng có các cơ sở GDNN chất lượng, thời gian qua, mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông, nhà trường, doanh nghiệp) trong dạy nghề tạo việc làm được áp dụng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả và khẳng định chủ trương, hướng đi đúng đắn, từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề. Huyện Hải Hậu chủ trương để học nghề hiệu quả phải thực hiện tốt công tác khảo sát thực tế của địa phương, nhu cầu người học, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức thực hiện. Chẳng hạn người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới; người dân ở các xã vùng nội đồng muốn học các nghề dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có người có nhu cầu học. Với đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng từ đối tượng, độ tuổi tới khả năng tiếp thu, điều kiện học tập nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung hiệu quả không cao. Để khắc phục những vấn đề phát sinh, Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX Hải Hậu tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với nơi sản xuất, vừa học vừa làm. Do đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên có năng lực quản lý sau khi học nghề mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
Huyện Ý Yên có 30 xã và 1 thị trấn với khoảng 135 nghìn người trong độ tuổi lao động. Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu; trong đó đặt ra nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giao cho các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn học nghề phù hợp khả năng, điều kiện của bản thân. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và chỉ tiêu của UBND tỉnh giao về đào tạo nghề, các cơ sở GDNN mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn. UBND huyện giao Phòng LĐ-TB và XH, Phòng NN và PTNT ký hợp đồng với những cơ sở đào tạo nghề có uy tín, chất lượng đã được UBND tỉnh phê duyệt như: Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, Trường Trung cấp nghề số 8, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm GDNN Thanh niên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh… Năm 2020, huyện Ý Yên đã mở 7 lớp nghề phi nông nghiệp, đào tạo cho 226 lao động; 4 lớp nghề nông nghiệp, với 140 lao động theo Đề án 1956. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, Sở NN và PTNT mở 14 lớp dạy nghề, trong đó có 7 lớp nghề phi nông nghiệp và 5 lớp nghề nông nghiệp với 465 học viên tham gia. Trung bình mỗi năm, toàn huyện có trên 800 lao động được học nghề, trong đó khoảng 200 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB và XH huyện, tỷ lệ học viên có việc làm sau khóa học đạt 80-85%.
Cùng với giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện hiệu quả 8 chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: hỗ trợ về y tế, giáo dục và đào tạo, học nghề, hỗ trợ về việc làm, nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 32.401 lượt hộ với số tiền 1.078,2 tỷ đồng. Trong đó, cho 1.459 hộ vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm với số tiền 110,5 tỷ đồng (bình quân 76 triệu đồng/hộ). Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế; trong đó đã có 2.130 hộ thoát nghèo, 3.763 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 1.188 lao động, 3.060 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục đi học; xây dựng 38.911 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, 33 căn nhà cho hộ nghèo, 75 căn nhà cho người có thu nhập thấp.
Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh nâng lên trên 80%. Hết năm 2020, tỉnh ta còn 5.337 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,86%).
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững; động viên các tổ chức, cá nhân tích cực hỗ trợ chăm lo người nghèo, góp phần giúp họ vươn lên, hạnh phúc hơn trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Viết Dư