[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
II - Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân
Từ các giải pháp tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong tham gia giám sát, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cụ thể: Người dân đã quan tâm góp ý vào các dự thảo luật, pháp lệnh do các cơ quan chức năng chuẩn bị, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và góp ý vào các dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt, nhân dân đã tham gia góp ý đối với cán bộ, đảng viên nơi cư trú về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân. Bên cạnh đó, người dân đã tham gia ngày càng hiệu quả vào giám sát, kiểm tra việc thu - chi các quỹ, quản lý và sử dụng đất, xây dựng và nghiệm thu, quyết toán công trình từ nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp. Vai trò của nhân dân càng được thể hiện rõ thông qua quá trình giám sát hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND các cấp… Chỉ tính riêng hoạt động giám sát của HĐND, trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND các cấp trong tỉnh đã tổ chức gần 3.000 cuộc giám sát chuyên đề; tổ chức gần 6.500 điểm tiếp xúc cử tri, tiếp thu trên 20 nghìn kiến nghị của cử tri báo cáo tại các kỳ họp thường lệ của HĐND các cấp; có hàng nghìn lượt đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND các cấp và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, về những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm như: Công tác quản lý đất đai; tiến độ thực hiện các công trình, dự án; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; lĩnh vực nông nghiệp; vấn đề nước sạch nông thôn; vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách đối với người có công...
Ban thanh tra nhân dân thôn Nội, xã Nam Thanh (Nam Trực) giám sát việc xây dựng NTM kiểu mẫu (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức hàng nghìn cuộc giám sát. Trong đó Ủy ban MTTQ cấp tỉnh tổ chức 30 cuộc giám sát chuyên đề với các nội dung: việc cấp kinh phí đảm bảo cho Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp xã hoạt động; kinh phí chi trả chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ Ban Công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, xóm; việc quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng NTM; việc thực hiện Luật BHXH, Luật Công đoàn, Quy chế dân chủ ở cơ sở; kiểm tra việc quản lý và sử dụng các nguồn quỹ cứu trợ và Quỹ vì người nghèo các cấp tại các địa phương... Hàng năm MTTQ các huyện, thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; hoạt động thu, chi các khoản đóng góp của người dân ngoài quy định của Nhà nước đối với các trường công lập; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ từ thiện, nhân đạo, quỹ đền ơn đáp nghĩa; trình tự thủ tục hồ sơ xét công nhận gia đình, thôn, xóm văn hóa. Phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; công tác dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động; công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Điển hình như MTTQ các cấp thành phố Nam Định phối hợp thực hiện 513 cuộc giám sát, phát hiện 62 vụ việc sai phạm, đến nay đã giải quyết xong. MTTQ các cấp huyện Hải Hậu đã thành lập 953 đoàn giám sát, tiến hành giám sát tại các đơn vị; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 784 cuộc giám sát. MTTQ huyện Mỹ Lộc tham gia 17 cuộc giám sát với Thường trực HĐND và Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở huyện; phối hợp với Viện KSND giám sát tin báo tố giác tội phạm tại Công an huyện định kỳ hàng quý… Ủy ban MTTQ cấp xã tổ chức giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Thời gian qua, Ban thanh tra nhân dân tổ chức giám sát 845 cuộc thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, các công trình xây dựng NTM với 631 vụ việc; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền 411 ý kiến; phối hợp với HĐND cùng cấp tổ chức trên 1.500 cuộc giám sát tập trung vào các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật, phòng chống tham ô, lãng phí; mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2020, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. MTTQ cấp huyện, xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập 245 đoàn giám sát, tổ chức 1.660 cuộc giám sát việc rà soát, thống kê danh sách; công khai niêm yết danh sách; chi trả chế độ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Sau khi có kết quả giám sát của MTTQ cấp huyện, cấp xã, MTTQ tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả giám sát ở 10/10 huyện, thành phố. MTTQ các huyện, thành phố thành lập 15 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra kết quả giám sát ở 29 xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra, giám sát tại cơ sở, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra vi phạm, trục lợi chính sách. Đến nay, UBND tỉnh đã chi trả hỗ trợ cho trên 261 nghìn người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 với kinh phí hỗ trợ 287 tỷ đồng… Cũng từ hoạt động giám sát, nhân dân đã phát hiện, tố giác các biểu hiện tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang…; góp phần sàng lọc, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã thi hành kỷ luật đối với 26 tổ chức đảng, 1.917 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 301 đảng viên. Qua đó đã góp phần chấn chỉnh, uốn nắn, khắc phục, ngăn chặn, phòng ngừa những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đặc biệt, nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho các cơ quan chức năng để phanh phui, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng. Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, điều tra, xét xử 25 vụ án tham nhũng trên địa bàn; trong đó nổi bật là các vụ án: “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); vụ “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Hải Anh (Hải Hậu); vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Giao Tiến (Giao Thủy); vụ “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy); vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại huyện Nam Trực. “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Đồng Tiến, xã Yên Tiến (Ý Yên).
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Trọng