Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia giám sát ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Đổi thay ở xã nông thôn mới Hoành Sơn (Giao Thuỷ). Ảnh: Viết Dư |
I - Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Để vận động nhân dân tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban TVTU đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) cũng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh; chỉ đạo tổ chức đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn theo quy định. Bám sát sự chỉ đạo của Ban TVTU, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tuyên truyền sâu rộng, các quy chế, quy định của Đảng; chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết của các cấp ủy; các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó thực hiện công khai việc khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên; thông báo các chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, đảng viên. Duy trì tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với những chủ trương, định hướng lớn của Đảng liên quan đến các ngành, lĩnh vực, các chủ trương, chính sách của Nhà nước và quy định của địa phương... Đặc biệt, trong quá trình thực hiện công tác dân vận gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng đã có cách làm cụ thể, phù hợp với vai trò, nhiệm vụ; tập trung vào một số nội dung như: Nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống tự diễn biến, tự chuyển hóa; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đề cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng chí Đỗ Xuân Tú, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vụ Bản cho biết: Nhằm phát huy vai trò công tác dân vận trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Hướng dẫn số 10-HD/HU “Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện (khóa XXI) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, giai đoạn 2015-2020”. Chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi 27 biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm việc công khai để nhân dân biết những chủ trương, quan điểm, giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện và các xã, thị trấn trên tất cả các lĩnh vực. Đa dạng các hình thức để nhân dân góp ý, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống thông qua hòm thư góp ý, họp dân, tiếp xúc cử tri, phản ánh trực tiếp thông qua gặp gỡ, trao đổi qua điện thoại… Đặc biệt, Đảng bộ huyện cũng đã thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Qua đó đã tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và tích cực tham gia góp ý, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh chủ động thực hiện công tác dân vận, từng bước nâng cao quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, HĐND các cấp chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả chế độ dân chủ đại diện của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri. UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các quy định về quy chế dân chủ lồng ghép với việc đẩy mạnh công tác dân vận gắn với các nhiệm vụ chính trị hàng năm của địa phương, đơn vị. Tổ chức tiếp dân, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. UBND các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc công tác dân vận chính quyền; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về “Thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Tăng cường chỉ đạo thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc, quy chế hoạt động của các cơ quan, quy tắc ứng xử, quy định về trách nhiệm thực hiện công vụ, phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch mức phí, lệ phí tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” để nhân dân biết và giám sát. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân đến giao dịch. Công khai đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân đến làm việc phản ánh, kiến nghị khi có nhu cầu. Khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cổng thông tin điện tử các huyện, thành phố, các sở, ngành để phục vụ công tác cải cách hành chính và nhu cầu cập nhật thông tin của nhân dân. Hàng năm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ quan bổ sung, điều chỉnh quy chế dân chủ, các quy chế, quy định trong hoạt động của cơ quan; tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức theo đúng quy định. Qua đó, đã hạn chế và ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thờ ơ, vô trách nhiệm với nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, từ đó giúp mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo ra động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các địa phương.
(Còn nữa)
Văn Trọng