(Số 07-NQ/TU, ngày 18 tháng 6 năm 2021)
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị; Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01-12-2006 của Tỉnh ủy Nam Định và 05 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 09-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định, từng bước hình thành một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016-2020; thành phố Nam Định đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2016-2020 đạt mức bình quân trên 13%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ là chủ đạo. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị được thực hiện tốt, thành phố Nam Định là đô thị loại I với các tiêu chí ngày được nâng cao, bền vững: hoàn thành việc thành lập các phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở định hướng phát triển thành phố. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được cải thiện, kết nối thuận lợi với mạng lưới đô thị của vùng, tích cực xây dựng hạ tầng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; hạ tầng thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại và hoạt động hiệu quả. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng về văn hóa, thể thao, giáo dục và đào tạo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, nhiều việc làm mới được tạo ra, an sinh xã hội được đảm bảo, nếp sống văn minh đô thị có sự chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm thực hiện hiệu quả; hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thành phố Nam Định còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa hình thành rõ nét chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng: việc mở rộng không gian đô thị của thành phố chưa được triển khai thực hiện theo quy hoạch; tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch, chỉnh trang đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế. Công tác cải cách hành chính, xúc tiến thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu; chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn tạo điểm nhấn.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong triển khai nghị quyết, quyết định của Trung ương; nghị quyết, kế hoạch của tỉnh về xây dựng và phát triển thành phố Nam Định chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. Trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và thành phố Nam Định chưa thường xuyên, chặt chẽ. Tiềm năng, lợi thế, nội lực của thành phố chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố chưa đủ mạnh để tạo động lực phát triển.
Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU
1. Quan điểm chỉ đạo
- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của giai đoạn 2021-2025.
- Xây dựng và phát triển thành phố Nam Định trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố; đồng thời tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển tạo diện mạo mới cho thành phố Nam Định.
- Phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, đô thị hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.
2. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng, phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng: là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa và thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định trở thành thành phố thông minh, hiện đại, cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Về kinh tế: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2025, giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 2 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng.
- Về xã hội, môi trường: Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 85%.
- Về mở rộng không gian đô thị: Sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020; nâng cấp ít nhất 2 xã thành phường, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị trung tâm vùng.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Nam Định
Nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các chủ trương, giải pháp về xây dựng, phát triển thành phố Nam Định. Cụ thể hóa vai trò trung tâm vùng của thành phố Nam Định trong định hướng, quy hoạch, chiến lược và chính sách phát triển đô thị, phát triển tỉnh Nam Định. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố Nam Định trong sạch, vững mạnh.
2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các lợi thế của thành phố
Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý và chỉnh trang đô thị. Tổ chức thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp với quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi khi triển khai thực hiện. Sớm lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị ở những khu vực có lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư, phục vụ yêu cầu phát triển. Xây dựng và thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phân khu phía Nam sông Đào.
Hoàn thành mở rộng địa giới hành chính thành phố theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020 trước năm 2025; nâng cấp tối thiểu 02 xã thành phường.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ, là cơ sở để thành phố Nam Định phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia. Hoàn thành đầu tư xây dựng đường trục trung tâm phía Nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10; chỉnh trang mở rộng đường dẫn cầu Tân Phong,... Nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng đường vành đai hai, xây dựng mới cầu phía Nam sông Đào, xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần để tăng cường kết nối với các huyện phía Nam và vùng kinh tế biển. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn thành hạ tầng các khu đô thị, khu tái định cư hiện có; sớm chỉnh trang đô thị, cải tạo các chung cư cũ để đảm bảo an toàn cho người dân; nghiên cứu xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, có các chức năng thương mại, dịch vụ, trường học, công viên theo quy hoạch như: Khu nhà ở thương mại Bãi Viên, các khu đô thị mới Phú Ốc, Nam Vân, Thành An, Mỹ Lộc... Củng cố, nâng cấp hạ tầng cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch; phấn đấu hoàn thành đầu tư các công trình trọng điểm, như: Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định; Khu Trung tâm lễ hội thuộc dự án văn hóa Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Khu thiết chế công đoàn; Nhà máy xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc...
Tập trung xây dựng, vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố; thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng điểm; xây dựng hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch.
4. Tập trung thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển thành phố trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ
Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước của tỉnh. Tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng theo quy hoạch địa giới hành chính được mở rộng. Phát huy, khai thác có hiệu quả lợi thế hai bên Đại lộ Thiên Trường, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và đường trục phía Nam sông Đào,...
Ưu tiên tập trung, lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển thành phố Nam Định.
5. Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù và đẩy mạnh phân cấp quản lý, phù hợp với năng lực của thành phố và đảm bảo các quy định của pháp luật
6. Phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa và thể thao, y tế, khoa học và công nghệ, tạo tiền đề, từng bước hình thành các chức năng trung tâm vùng
Nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; phát huy các đặc trưng và bản săc riêng của thành phố Nam Định như: Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần, Chùa Phổ Minh, Đền Bảo Lộc, truyền thống đất học, văn hóa ẩm thực. Tập trung phát triển các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh, đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng cho các hoạt động thi đấu thể thao quốc tế và khu vực. Đẩy mạnh đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học công nghệ: chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ. Phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao, ưu tiên đầu tư các kỹ thuật chuyên sâu, các dịch vụ y tế có thế mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; thu hút, phát triển nguồn nhân lực y tế có trình độ cao.
7. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, chỉnh trang đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp; phát động phong trào xây dựng nhiều tuyến phố văn minh, kiểu mẫu. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải, rác thải, khí thải tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Tiếp tục nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải nguy hại.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, ổn định; giữ vững môi trường bình yên để thu hút đầu tư và du khách.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
2. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết.
3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết; chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh có trách nhiệm thường xuyên phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
5. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy theo dõi, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đối với người đứng đầu các cấp, các ngành thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
6. Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ đảng./.