Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Nguyễn Ái Quốc (người thanh niên họ Nguyễn yêu nước), đã sử dụng báo chí để tố cáo tội ác chế độ thực dân Pháp và tuyên truyền chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Tư liệu |
Sự xuất hiện của nhà báo Nguyễn Ái Quốc
Ngày 18-6-1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” (ký tên là Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị Versailles đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong Bản Yêu sách, Người đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam yêu cầu chính quyền thực dân Pháp phải cho “tự do báo chí và tự do ngôn luận”.
Bản Yêu sách gây tiếng vang lớn tại Pháp và được Báo “Dân Chúng” (Le Populaire) và Báo “Nhân Đạo” (L’ Humanité) đăng tải. Bản Yêu sách còn được đăng trên “Nghị Xã Báo” (Yiche Pao) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cảm ơn Báo “Dân Chúng” thì Người được ông Jean Longuet - cháu ngoại của Kark Marx, chủ bút tờ báo mời cộng tác các tin tức thuộc địa cho báo. Người còn được ông Marcel Cachin, chủ bút Báo “Nhân Đạo”, mời cộng tác. Ngoài ra, Người cũng được ông Gaston Monmousseau, chủ bút Báo “Đời Sống Thợ Thuyền” (La Vie Ouvrière) chỉ dẫn cho cách viết báo.
Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo cánh tả ở Pháp là các báo ngân quỹ ít ỏi nên hầu như không có nhuận bút nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, ban ngày Người đi làm, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm lại vẫn ngồi cặm cụi viết báo.
Đặc biệt, bút danh “Nguyễn Ái Quốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng để viết báo. Theo thống kê bước đầu có 86 bài viết Người sử dụng bút danh này đăng trên nhiều báo khác nhau như Báo “Nhân Đạo” (L’Humanité), Báo “Dân Chúng” (Le Populaire), Báo “Đời Sống Thợ Thuyền” (La Vie Ouvrière), Báo “Người Tự Do” (Le Libertaire), Báo “Của Dân” (Le Journal du Peuple), Báo “Người Cùng Khổ” (Le Paria)…
Đọc Luận cương của Lênin trên Báo “Nhân Đạo”
Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Tạp chí “Các vấn đề phương Đông” của Liên Xô, 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến sự kiện Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin trên Báo “Nhân Đạo” (L’Humanité) vào năm 1920.
Có thể khẳng định rằng, việc đọc được Luận cương vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin trên Báo “Nhân Đạo” (L’Humanité) đã biến đổi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một người yêu nước thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 12-1920. Do đó, bắt đầu từ cuối năm 1923, Người đã theo học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông tại Liên Xô. Tại đây, Người đã viết rất nhiều bài báo. Chẳng hạn, đó là bài viết: “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo “Sự Thật” (Pravda) của Liên Xô ra ngày 27-1-1924. Người viết: “… Người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa…. Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể”.
Trong bài viết “Lênin và các dân tộc phương Đông” đăng trên Báo “Người Cùng Khổ” (Le Paria) ra ngày 1-7-1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”.
Trong bài viết “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo “Đời sống thợ thuyền” (La Vie Ouvrière) số 20, năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra. Cách mạng Nga rất hiểu rõ điều đó. Vì thế nó không vừa lòng với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những quyết định “nhân đạo” đối với các dân tộc bị áp bức, mà cách mạng Nga dạy cho họ đấu tranh, giúp đỡ họ bằng tinh thần và vật chất như Lênin đã tuyên bố trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa. Cách mạng Nga đã triệu tập Đại hội Bacu; hai mươi mốt dân tộc phương Đông đã phái đại biểu tới dự Đại hội đó. Những đại biểu của các đảng công nhân phương Tây cũng tham gia công việc của Đại hội. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp vô sản ở các nước phương Tây đi xâm chiếm và giai cấp vô sản các nước bị xâm chiếm ở phương Đông đã thân mật nắm tay nhau và cùng nhau tìm cách đấu tranh có hiệu quả chống chủ nghĩa tư bản là kẻ thù chung của họ”.
Tố cáo tội ác của thực dân và tuyên truyền chủ nghĩa xã hội
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Lúc đó, Người và các lãnh đạo Hội chủ trương phải có một tờ báo của Hội. Khi Báo “Người Cùng Khổ” (Le Paria) ra đời ngày 1-4-1922, Người vừa là chủ nhiệm đồng thời là chủ bút, họa sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo... Báo “Người Cùng Khổ” (Le Paria) được in 3 thứ tiếng: Pháp, Ả rập và Trung Quốc với tuyên bố rằng báo này “là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”.
Trong bài viết “Đông Dương” đăng trên Tạp chí “Cộng Sản” (La Revue Communiste), số 14, tháng 4-1921, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về tình hình cách mạng ở Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia): “Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa”. Người Đông Dương, mặc dù bị thực dân Pháp ra sức đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác nhưng Người vẫn khẳng định: “Không: người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”. Kết thúc bài báo, Người nêu rõ: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
“Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Francaise) là cuốn sách tập hợp các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các tờ báo ở Pháp và ở Liên Xô từ năm 1921 đến năm 1924. Cuốn sách gồm 12 chương và phần phụ lục được một số đồng chí của Người xuất bản lần đầu tiên tại Thư quán lao động (Libraire du Travail) ở Paris vào năm 1925.
Tháng 6-1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản. Sau đó, Người được bầu làm Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Khi được Quốc tế Cộng sản cử hoạt động tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí của mình là người Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Miến Điện… tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925).
Cũng trong năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Bởi vậy, Người chủ trương phải lập một tờ báo cho Hội. Đó là Báo “Thanh Niên” do Người sáng lập, ra số 1 vào ngày 21-6-1925, trụ sở ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc.
Tiếp theo Báo “Thanh Niên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình còn xuất bản các tờ báo: “Công Nông” (từ tháng 12-1926 đến đầu năm 1928), “Lính Kách Mệnh” (từ đầu năm 1927 đến đầu năm 1928) và Nguyệt san “Việt Nam Tiền Phong” (ra số đầu vào năm 1927). Người cũng sáng lập tờ “Thân Ái” tại Thái Lan vào năm 1928. Tờ này là cơ quan ngôn luận của Hội Thân Ái, chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Việt kiều ở Thái Lan. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia chỉ mới sưu tầm được 4 số báo “Thân Ái”, đó là số 4 phát hành vào năm 1928 và các số 33-35-38 phát hành vào đầu năm 1930.
Tháng 2-1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long (gần Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo. Thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Tạp chí “Đỏ” được xuất bản. Người chính là người sáng lập và chủ biên đầu tiên của tạp chí. Tạp chí Đỏ số 1 ra mắt bạn đọc ngày 5-8-1930. Hiện nay Cục Lưu trữ Trung ương Đảng còn lưu giữ tạp chí “Đỏ” số 1 (ra ngày 5-8-1930), số 2 (không đề ngày tháng), số 3 (ra ngày 25-8-1930), số 9 (không đề ngày tháng).
Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, chỉ đạo Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941). Sau đó Người cho thành lập Báo “Việt Nam Độc Lập” vào năm 1941 và Báo “Cứu Quốc” vào năm 1942. Những tờ báo này có tác động to lớn trong việc kêu gọi nhân dân Việt Nam hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó đưa đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945).
Bởi vậy, nói về duyên nợ của mình với báo chí cách mạng, tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16-4-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”./.
Theo Báo QĐND