Cùng với tập trung nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Đảng ủy xã Yên Tân (Ý Yên) đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tu sửa, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ xã Yên Tân. |
Đảng bộ xã Yên Tân có 414 đảng viên sinh hoạt ở 14 chi bộ, trong đó có 10 chi bộ khu dân cư. Đồng chí Hà Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Là xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Đảng ủy xã luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, Đảng ủy xã đều ban hành nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế; đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các nghị quyết về thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, mở rộng các ngành nghề, tăng thu nhập người dân được các chi bộ cơ sở họp bàn, xây dựng kế hoạch thực hiện. Đảng ủy xã phân công các đảng ủy viên dự sinh hoạt cùng chi bộ, kịp thời chỉ đạo giải pháp phát triển kinh tế của từng đơn vị. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngoài duy trì diện tích lúa chiêm, mùa khoảng 500ha/vụ/năm, Đảng ủy xã chỉ đạo phát triển mạnh cây vụ đông, cây rau màu với diện tích 4,5ha. Trong đó, HTX thanh niên Tân Tiến xây dựng cánh đồng trồng cây dưa chuột, bí xanh, rau củ quả… với diện tích 2,3ha để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đem lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Ở 10 thôn, xóm, đảng viên, nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua sản xuất. Bác Phạm Phúc Lợi, Bí thư Chi bộ số 1 thôn Nguyệt Thượng cho biết, chi bộ đã tập trung bàn bạc, thống nhất xây dựng nghị quyết lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể và nhân dân thực hiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Trên diện tích khoảng 46ha đất nông nghiệp, người dân trong thôn đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn diện tích 5ha, trồng giống lúa mới VNR20 cho năng suất cao từ 250-300 kg/sào với đặc tính vượt trội so với nhiều giống lúa khác như khả năng chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Thôn đang thảo luận triển khai đưa giống lúa Đài Thơm vào sản xuất để nâng cao thu nhập người dân. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề dịch vụ của xã cũng phát triển và mở rộng. Đến nay, toàn xã có 560 lao động làm ở Công ty Dệt may Nam Định và các công ty ngoài địa bàn; gần 400 lao động làm các ngành nghề khác, khoảng 200 lao động làm thợ có việc làm thường xuyên, 90 lao động học tập và lao động ở nước ngoài. UBND xã và các đoàn thể đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình chính sách ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất... Tổng số vốn vay các chương trình của xã đến nay là 58,4 tỷ đồng, trong đó vốn vay các chương trình thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội gần 12,4 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 46 tỷ đồng được các hộ sử dụng đúng mục đích, trả vốn đúng kỳ hạn. Với việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện, động viên nhân dân tích cực vươn lên, nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã. Số hộ nghèo đa chiều của xã hiện còn 0,5%, hộ cận nghèo còn 2,3%.
Dẫn chúng tôi đi tham quan công trình Nghĩa trang liệt sĩ xã đang được tu sửa với kinh phí trên 1 tỷ đồng do nhân dân, con em xa quê ủng hộ dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021); công trình 6 phòng học chức năng trường tiểu học với kinh phí đầu tư 4,5 tỷ đồng đang được xây dựng phấn đấu hoàn thành đầu năm học 2021-2022, đồng chí Lành Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Hàng năm Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã và các thôn làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư kinh phí cùng với sự đóng góp của nhân dân đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong năm 2020, UBND xã xây dựng nhà văn hóa, tu sửa khuôn viên trị giá 4,9 tỷ đồng; chỉnh trang trường THCS và Trạm Y tế xã trên 400 triệu đồng; xây dựng 2 nhà vệ sinh cho trường THCS và tiểu học trị giá 1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của cấp trên. Các thôn đã vận động nhân dân và con em xa quê ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình và làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng phục vụ sản xuất. Thôn Mai Phú hoàn thiện đường trục bê tông từ đường Thành Xá đến cầu Mai Phú trị giá 1,7 tỷ đồng; thôn Nguyệt Hạ làm đường bê tông trục thôn trên 360 triệu đồng, thôn Nguyệt Bói làm đường xóm trên 200 triệu đồng, thôn Mai Vị làm đường bê tông nội đồng trên 120 triệu đồng, thôn Mai Thanh làm đường bê tông thôn xóm trên 300 triệu đồng. Trong đó, gia đình anh Yên thôn An Nhân ủng hộ làm đường An Nhân, đường An Sọng, Mai Độ, Nguyệt Thượng trên 1 tỷ đồng. Hệ thống đường liên xã, liên xóm được hoàn thiện, các cơ quan, trường học, các đoàn thể cùng nhân dân ở các thôn thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường. Hội Phụ nữ tổ chức trồng hoa, dọn cỏ các tuyến đường tự quản, hướng dẫn các hộ sử dụng hố xử lý rác hữu cơ. Hội CCB tổ chức vệ sinh xung quanh nhà văn hóa các thôn. Hội Nông dân tổ chức vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Các thôn đều triển khai việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, trong đó các thôn An Nhân, Nguyệt Bói đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2020 có trên 70% số hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Cũng trong năm 2020, UBND xã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Thanh Bình, xã Yên Lợi hoàn thành hợp đồng cung cấp nước cho các hộ; đến nay cả 10 thôn đều sử dụng nguồn nước sạch.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã, sự điều hành kiên quyết, sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, xã Yên Tân đã ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Năm 2020 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.
Bài và ảnh: Đức Thiện