Không ngừng thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ

07:05, 11/05/2021

Vũ Thị Kim
TUV, Giám đốc Sở Công Thương

Trong không khí cả nước sôi nổi thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức, lao động ngành Công Thương Nam Định cùng phấn khởi hướng tới kỷ niệm 70 năm xây dựng và trưởng thành.

Từng bước hình thành bản đồ công nghiệp của tỉnh

Ngày 14-5-1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương; từ đó đến nay đã nhiều lần điều chỉnh tổ chức với các tên gọi khác nhau. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 14-5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”. Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Công Thương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương tỉnh ta đã liên tục phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Kinh Tài của tỉnh Nam Định đã được thành lập. Trong đó cán bộ, người lao động các Tiểu ban Thương nghiệp, Tiểu ban Mậu dịch… đã chung lòng đoàn kết, phấn đấu vượt qua bao gian nan, thử thách, cống hiến tuổi thanh xuân, thậm chí hy sinh cả tính mạng làm tốt nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc, vận động quần chúng, vận tải, giao liên và chiến đấu để bảo vệ cơ quan, kho tàng, bảo vệ sản xuất.

Công ty TNHH Nice Power đầu tư xây dựng nhà máy gia công đế và mũi giày dép tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). Ảnh: Thanh Thúy

Công ty TNHH Nice Power đầu tư xây dựng nhà máy gia công đế và mũi giày dép tại xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Ảnh: Thanh Thúy

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, ngành Công Thương Nam Định không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Sản xuất công nghiệp từ khởi điểm chỉ có ngành dệt may chủ lực, đến nay đã được các thế hệ cán bộ, CNV lao động ngành Công Thương tích cực góp sức, kiến tạo thành bức tranh nhiều điểm nhấn. Bản đồ công nghiệp toàn tỉnh đã dần hình thành rõ nét với các định hướng phát triển, các ngành trọng điểm và cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Trên cơ sở đánh giá các thế mạnh, đặc thù, kết hợp khai thác phát triển tiểu thủ công nghiệp truyền thống, tạo sức hút đầu tư, tỉnh đã từng bước phát triển và định hình các ngành công nghiệp chủ lực là dệt may, cơ khí, sản xuất thuốc và hóa dược, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, đóng góp nhiều hơn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong đó, ngành dệt may được hỗ trợ đầu tư chiều sâu sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu, luôn giữ vị trí trong tốp đầu toàn quốc. Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu được đầu tư phát triển theo hướng CNH-HĐH theo chuỗi, vừa sản xuất chế biến dược liệu, vừa hình thành và phát triển nhiều vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất thuốc trong và ngoài tỉnh; tích cực chế biến dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền được chứng nhận đủ điều kiện tham gia vào các chương trình cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế. Năm 2020 toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp dược có sản phẩm đạt giải thưởng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020”. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến nông sản được hỗ trợ đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân, HTX, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào sản xuất để gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Toàn tỉnh đã hình thành hệ thống hơn 500 cơ sở, doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản; đã đưa 5 thương hiệu nông sản thâm nhập, có chỗ đứng tại các thị trường xuất khẩu khó tính như khối EU, Nhật Bản… gồm: gạo sạch Toản Xuân của Công ty TNHH Toản Xuân, muối NADISALT của Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định, ngao Lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, tép moi của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy), kẹo sìu châu của Công ty TNHH Kim Thành Hoa (thành phố Nam Định). Giai đoạn 2015-2020 bình quân tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 13,7%/ năm (theo giá so sánh 2010), đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (13-14%/năm). Đến năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Một điểm nhấn ấn tượng phải kể đến trong bức tranh phát triển ngành Công Thương là nỗ lực đầu tư xây dựng mới, mở rộng kết cấu hạ tầng các khu, CCN. Hiện nay, trên địa bàn có 5 KCN đã được thành lập, trong đó 4 KCN đã đi vào hoạt động (Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, Dệt may Rạng Đông) có tổng diện tích 11.007ha thu hút 185 dự án đầu tư của 159 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký là 7.690 tỷ đồng và 1.011,512 triệu USD, vốn thực hiện là 4.218 tỷ đồng và 678,837 triệu USD. Toàn tỉnh đã có 24 CCN được thành lập, trong đó 19 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 485 cơ sở đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 4.153,4 tỷ đồng, vốn thực hiện là 3.798,8 tỷ đồng.

Hiện nay, ngành Công Thương tăng cường phối hợp với các ngành tập trung triển khai các bước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Mỹ Thuận; chuẩn bị hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho mở rộng KCN Bảo Minh và xây dựng KCN Hồng Tiến. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN Thịnh Lâm, Yên Dương, mở rộng CCN Xuân Tiến; hoàn thiện thủ tục đầu tư CCN Thanh Côi, Yên Bằng, CCN làng nghề Hải Vân, Mỹ Tân, mở rộng CCN Đồng Côi. Sản xuất công nghiệp, TTCN đã từng bước dịch chuyển về địa bàn nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với các dự án đầu tư trong các khu, CCN tại các vùng nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 142 làng nghề với gần 19 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm cho gần 45 nghìn lao động. Kinh tế dịch vụ thương mại phát triển mạnh, đều khắp các địa bàn, góp phần thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, tăng trưởng sản xuất, tăng tính năng động của nền kinh tế. Hạ tầng thương mại nội địa được mở rộng đầu tư với 201 chợ dân sinh các loại, 18 siêu thị, 103 cửa hàng tiện lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng bình quân 16,2%/năm, năm 2020 đạt 47.082,6 tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu phát triển cả về doanh nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu. Toàn tỉnh đã có trên 200 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 17,6%/năm, năm 2020 đạt 1.183,7 triệu USD. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực nhưng bằng tinh thần tích cực vượt khó, tranh thủ các chương trình, chính sách của Chính phủ, của tỉnh, ngành Công Thương đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn duy trì ổn định, có tăng  trưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ.

Với những thành tựu và đóng góp của ngành Công Thương tỉnh trong 70 năm qua vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Công Thương Nam Định đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì và Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ; liên tục được Bộ Công Thương và UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc.

Tiếp tục đưa công nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực

Để tiếp nối, phát huy những thành tích tự hào đã đạt được, Sở Công Thương xác định thời gian tới sẽ tục đoàn kết, nỗ lực khắc phục kịp thời những bất cập, yếu kém phát sinh; linh hoạt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tham mưu có hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành để tỉnh tiếp tục đưa công nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các hoạt động thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, ổn định thị trường, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Xây dựng và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch và chương trình, đề án phát triển ngành, chú trọng thúc đẩy việc xây dựng các KCN, CCN theo quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác khuyến công; đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Tạo mọi điều kiện khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy để hình thành các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đa dạng hoá trong việc thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển các ngành có thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương như cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; đồng thời ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ của ngành dệt may, các ngành công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu thủy, cảng, vận tải biển nhằm tạo sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào nhân lực khoa học công nghệ, nhân lực lao động kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong năm 2021, Sở Công Thương sẽ bám sát kịch bản phát triển của ngành và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, diễn biến sản xuất, kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp để có giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, củng cố và mở rộng thị phần hàng hoá thông qua công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng đăng ký thương hiệu, tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế của ngành; tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường nước ngoài thông qua lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường mà nước ta đã ký các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới./.

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com