Tạo động lực mới từ việc học và làm theo Bác (kỳ 4)

05:05, 26/05/2021

[links()]

(Tiếp theo và hết)

IV - Hiệu quả 4 nhiệm vụ đột phá 

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng của Bác, trong 5 năm qua, Ban TVTU đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016-2020 và những năm tiếp theo Ban TVTU đã tập trung lãnh đạo cụ thể hóa, xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ. Sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định về phân cấp quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định và kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ; quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban TVTU quản lý; quy định và bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, với việc tiếp tục xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 20-10-2016 về công tác cán bộ. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh không ngừng được nâng lên. Việc bố trí, sử dụng cán bộ đã cơ bản phù hợp với trình độ, năng lực và yêu cầu công tác; khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ. Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được tăng cường; các cấp ủy đã luân chuyển 385 lượt cán bộ. Trong nhiệm kỳ, Ban TVTU và Ban Thường vụ các huyện, thành phố có ít nhất 1 cán bộ nữ; 10/10 huyện, thành phố có ít nhất 1 đồng chí trong Thường trực huyện ủy, thành ủy do cán bộ luân chuyển đến đảm nhận (Có 6/10 huyện, thành phố có Bí thư không phải là người tại địa phương). Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã hoàn thành hiệu quả 4 lớp bồi dưỡng cho hơn 400 cán bộ nguồn quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban TVTU quản lý. Cử đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho hơn 10.200 lượt cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ ở cả 3 cấp cơ bản đạt yêu cầu về tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cơ cấu cán bộ ở 3 độ tuổi. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng, sau 4 năm triển khai đã thực hiện được đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản được 225 đầu mối cấp phòng; giảm 218 cấp trưởng, 62 cấp phó phòng; có 26 đơn vị chuyển sang tự chủ kinh phí, tiến hành giải thể 8 đơn vị; tinh giản được 3.968 biên chế (=12,61%)… Đã đưa vào vận hành mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Tiến hành hợp nhất Đảng bộ khối Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy đã làm tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giúp cho Nhà nước tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi quản lý hành chính. Công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các quy định của Đảng được tiến hành nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm chỉ ra sau kiểm điểm đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nông thôn mới xã Xuân Trung (Xuân Trường).  Ảnh: Lam Hồng

Nông thôn mới xã Xuân Trung (Xuân Trường).

Ảnh: Lam Hồng

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, tạo nền tảng tiền đề cho sự phát triển về kinh tế. 5 năm qua, có nhiều công trình dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ với tổng mức đầu tư gần 1.160 tỷ đồng; Tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long) với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng; Tỉnh lộ 487 với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng; Tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến phà Sa Cao với tổng mức đầu tư trên 580 tỷ đồng. Dự án đã khởi công và đang tập trung thi công gồm: Giai đoạn 1 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng; Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng; Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tổng vốn đầu tư 107 triệu USD; Tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C… Đồng thời, tỉnh đã tập trung cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trên 2.500km giao thông nông thôn, gần 3.000 cầu, cống dân sinh. Để tăng cường nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế đầu tư các khu đô thị trung tâm huyện và khu đô thị các xã ở khu vực nông thôn nhằm huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ quỹ đất. Đây là giải pháp mang tính đột phá trong công tác huy động nguồn lực, vừa góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa ở khu vực nông thôn; vừa tạo ra nguồn thu nhập tích lũy cho một bộ phận người lao động; đồng thời cũng giải quyết được bài toán khó về nguồn vốn đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai được trên 70 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn; số tiền thu được từ nguồn bán đấu giá đất hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng. Nguồn lực từ bán đấu giá đất ở các khu đô thị nông thôn được phân cấp cho các huyện, thành phố để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạn tầng, xây dựng NTM.

Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Với tinh thần quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo nhân dân, xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, hiệu quả. Trong quá trình xây dựng NTM đã huy động trên 40 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút trên 5.000 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 52 triệu đồng, gấp 4,1 lần so với trước khi xây dựng NTM; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện. Năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với thành tích đó, Nam Định vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM ”. Nam Định cũng là một trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP, gấp 3 lần số sản phẩm bình quân chung của cả nước, đây là tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Qua tổ chức đánh giá, xếp hạng đã công nhận 110 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Trong năm 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025. Đến hết năm 2020, đã có 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã: Hải Thanh, Hải Quang, Hải Châu (Hải Hậu), Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), Giao Phong (Giao Thủy), Liên Minh (Vụ Bản) đã cơ bản hình thành các mô hình xã NTM kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”; 10 thôn, xóm đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 131 thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tổng số vốn huy động thực hiện chương trình đến hết năm 2020 đạt 3.368 tỷ đồng. 

Trong 5 năm qua, tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 05 NQ/TU của Tỉnh ủy. Cải cách hành chính được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát thủ tục hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực; kết quả trong giai đoạn 2015-2020 đã cắt giảm 2.181 thủ tục hành chính, sửa đổi 710 thủ tục hành chính. Với 943 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Nam Định là một trong 3 tỉnh đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến nay, 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong điều hành, giải quyết công việc. Trên 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. Bình quân một tháng có gần 60 nghìn văn bản đến và trên 11 nghìn văn bản đi được xử lý trên phần mềm (trong đó có gần 30 nghìn văn bản đến và gần 10 nghìn văn bản đi được nhận, gửi qua Trục liên thông văn bản). Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp trên 1.671 thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,5%. Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Nam Định được đưa vào vận hành thí điểm; đây là nền tảng quan trọng để tiệm cận với chính quyền số theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ, định hướng đến 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, khuyến khích ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và đóng góp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh còn chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội; tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch theo hình thức xã hội hóa; thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhờ đó, thu hút đầu tư đạt kết quả khá. Tổng giá trị đăng ký vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020 ước đạt 3,5 tỷ USD vốn FDI (tăng 8 lần so với nhiệm kỳ trước) và trên 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 2,7 lần so với nhiệm kỳ trước).

Trong 5 năm qua, các địa phương, đơn vị đều xác định và tập trung vào các nội dung trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đồng thời xây dựng NTM với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đạo đức công vụ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng của Bác; chỉ đạo giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém, những vấn đề nổi cộm, tồn đọng trong nhiều năm. Tăng cường phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của cấp huyện, thành phố với các phường, xã để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Quan tâm chỉ đạo các đơn vị có biểu hiện yếu kém kéo dài, chậm chuyển biến, mất đoàn kết nội bộ; đảm bảo công tác an sinh xã hội; lao động, việc làm; an toàn giao thông, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong đó, huyện Hải Hậu tập trung vào nội dung  thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng NTM mới bền vững và phát triển. Mỹ Lộc chọn 3 khâu đột phá: Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng NTM, huy động nguồn lực trong xây dựng NTM. Xuân Trường tập trung vào lĩnh vực nâng cao đạo đức công vụ. Nam Trực thực hiện đột phá vào lĩnh vực giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm về đất đai, giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài. Ý Yên tập trung xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trực Ninh xác định 3 nội dung trọng tâm: Xây dựng đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị, xây dựng NTM, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nghĩa Hưng tập trung vào 4 khâu đột phá về công tác cán bộ, xây dựng NTM, quản lý đất đai, cải cách hành chính. Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tập trung vào công tác cán bộ, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm, cải cách hành chính... Với việc thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ đột phá, nhiệm kỳ 2015-2020, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIX đề ra đã được thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra (trong đó có 6 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt).

Trong 5 năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã nhận thức ngày càng sâu sắc ý nghĩa, cũng như thấy rõ hiệu ứng tác động mạnh mẽ của thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Việc thực hiện Chỉ thị 05 đã đi vào cuộc sống, trở thành động lực là yêu cầu, là nhiệm vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.

Văn TrọngLam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com