Để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân

07:02, 28/02/2021

Cùng với cả nước, những ngày qua, tỉnh ta đang tích cực triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia công tác bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật và thực sự là ngày hội của toàn dân. Để hiểu rõ hơn về những nhiệm vụ của Mặt trận tham gia công tác bầu cử, Báo Nam Định đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đoàn Văn Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2021-2026.  Ảnh: Lam Hồng

Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2021-2026.

Ảnh: Lam Hồng

PV: Xin đồng chí cho biết vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ các cấp trong công tác bầu cử?

Đồng chí Đoàn Văn Hùng: Nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ các cấp trong bầu cử đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng gồm: Phối hợp cùng với cơ quan Nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp. Chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử. Chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử và thực hiện quyền giám sát việc bầu cử thông qua việc cử đại diện của Ủy ban MTTQ tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử. Trong 6 nhiệm vụ trên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận là tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

PV: Những nét mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là gì, thưa đồng chí? 

Đồng chí Đoàn Văn Hùng: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có những nội dung cơ bản là: Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp; nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú; quy định đối với người ứng cử đại biểu HĐND đang công tác tại Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh; tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri; xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung. Trong đó ở từng nhiệm vụ có những điểm mới tương ứng. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có 3 điểm mới gồm: Quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như đối với người ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Về nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố có điểm mới như: Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với chi hội trưởng các đoàn thể họp với bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Đối với người ứng cử đại biểu HĐND đang công tác tại Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh cần phải tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND hoặc Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri có 2 điểm mới gồm: Đối với cử tri đang công tác, Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác trong trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, trên cơ sở kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử lần trước, chúng ta phải nắm thật chắc các văn bản hướng dẫn để thực hiện cẩn thận, chắc chắn, có thể linh hoạt nhưng không được vi phạm các quy định của pháp luật. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch, lịch trình, nội dung thực hiện chi tiết công việc từng ngày, từng tuần phải hoàn thành. Hơn thế nữa, việc hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh không thể bao trùm hết tất cả các tình huống cụ thể phát sinh khác nhau từ mỗi địa phương, cơ sở; do đó Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân công bộ phận thường trực, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, trả lời đầy đủ các vướng mắc của địa phương. 

PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà MTTQ các cấp sẽ triển khai để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử?

Đồng chí Đoàn Văn Hùng: Mặc dù thời gian triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, song đến thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử được tiến hành khẩn trương, chu đáo, thận trọng, bảo đảm đúng quy trình, đúng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Hiện tại, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị mọi công việc để tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ hai trong khung thời gian quy định. Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất theo quy định được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3-2-2021 đến ngày 17-2-2021 (ngày 6 Tết Âm lịch). Do trùng với thời gian nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc, để đảm bảo kịp tiến độ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 9-2-2021 (tức ngày 28 tháng Chạp Âm lịch). Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 được tổ chức từ ngày 15-3 đến ngày 19-3-2021. Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 sẽ được tổ chức từ ngày 14-4 đến ngày 18-4-2021.

Để cuộc bầu cử diễn ra đúng luật, đạt kết quả cao nhất, ngoài công tác hiệp thương, lựa chọn người ứng cử bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, thời gian tới Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Quốc hội, của HĐND cũng như nắm vững những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nhất là những nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; nắm vững tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND để lựa chọn, bầu được những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp. Đồng thời, coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực HĐND, UBND và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp trong việc triển khai các bước của công tác bầu cử.

Với tinh thần trách nhiệm trong thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ được giao, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về Bầu cử; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử tỉnh, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí?

Trần Văn Trọng (thực hiện)

 
 


tư vấn ly hôn ly hôn nhanh công ty luật ở hà nội

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com