Một trong mười kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020 đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, những công việc này đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt với kỳ vọng tạo ra sự bứt phá đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bấm nút khai trương, vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Nam Định (tháng 2-2020). Ảnh: Nguyễn Hương |
Nhiệm vụ cải cách hành chính được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tập trung vào cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát thủ tục hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Kết quả trong giai đoạn 2015-2020, đã cắt giảm 2.181 thủ tục hành chính và sửa đổi 710 thủ tục hành chính. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính đang thực hiện là 1.706, trong đó cấp tỉnh là 1.383 thủ tục hành chính và được công bố, công khai, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. UBND tỉnh tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử; hoàn thành thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đến nay, đã có trên 42% thủ tục hành chính thực hiện cấp độ 4, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4 cao nhất toàn quốc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp; Trung tâm phục vụ hành chính công với trên 1.200 thủ tục hành chính được thực hiện kịp thời, không có hồ sơ quá hạn, đa phần người dân, doanh nghiệp đều hài lòng khi thực hiện giao dịch tại các Trung tâm. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung rà soát nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau 4 năm triển khai, toàn tỉnh đã giảm được 225 đầu mối cấp phòng; giảm 218 cấp trưởng, 62 cấp phó phòng; có 26 đơn vị chuyển sang tự chủ kinh phí; tiến hành giải thể 8 đơn vị; giảm 199 đơn vị sự nghiệp... Đồng thời, tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và đạo đức công vụ góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...
Nông thôn mới thị trấn Cát Thành (Trực Ninh). Ảnh: Xuân Thu |
Xây dựng đô thị thông minh; nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao là những cụm từ được Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 nhắc đến nhiều lần, thể hiện mục tiêu cần hướng tới của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng thời cũng là ý nguyện của người dân, doanh nghiệp. Nhằm nỗ lực triển khai các kế hoạch đã định, trước đó Thường trực Tỉnh ủy đã có ý kiến chỉ đạo về thí điểm dịch vụ đô thị thông minh; UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Nam Định. Các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh của từng cơ quan, đơn vị. Đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Tỉnh đã sớm xây dựng, tổ chức vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và tập trung triển khai kế hoạch thực hiện thí điểm dịch vụ đô thị thông minh. Nhóm dịch vụ cơ bản của đô thị thông minh được thí điểm triển khai như dịch vụ phản ánh hiện trường, giúp người dân phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị kịp thời và giúp chính quyền đô thị tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác, hiệu quả; đồng thời cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai, minh bạch. Hiện tại, tỉnh đã xây dựng modun “phản ánh kiến nghị” trên ứng dụng di động của người dân kết nối trực tiếp về Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Tích hợp modun “phản ánh kiến nghị” trên Cổng điều hành, ứng dụng di động của công chức; thực hiện việc cấp, phân quyền đến từng công chức tham gia tiếp nhận, xử lý, phản hồi phản ánh kiến nghị của người dân. Tổ chức triển khai thí điểm việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin phản ánh kiến nghị của người dân trên địa bàn thành phố Nam Định trong 5 lĩnh vực: Xây dựng, môi trường, giao thông, an ninh trật tự và phản ánh kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng, thụ hưởng dịch vụ đô thị thông minh. Bên cạnh đó, các nhóm dịch vụ tăng thêm như dịch vụ y tế thông minh nhằm cung cấp trên ứng dụng di động của người dân về những thông tin trong lĩnh vực y tế, số điện thoại cấp cứu, bản đồ y tế, đặt lịch khám bệnh, tra cứu chỉ số sức khỏe, tra cứu bảo hiểm y tế, tra cứu thuốc. Dịch vụ giáo dục thông minh nhằm cung cấp nhiều thông tin liên quan đến giáo dục và đào tạo, học tiếng Anh, học nghề. Dịch vụ du lịch thông minh nhằm cung cấp cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch ở trong và ngoài tỉnh phục vụ người dân, du khách có nhu cầu. Đặc biệt, dịch vụ giám sát dịch vụ công được kết nối từ Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh với 35 camera của Trung tâm hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa ở các huyện, thành phố. Qua đó, giám sát được toàn bộ quá trình từ tiếp nhận đến trả kết quả thủ tục hành chính của cơ quan, cá nhân và cán bộ tham gia giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp...
Bằng sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay Trung tâm điều hành đô thị thông minh và các dịch vụ thí điểm đô thị thông minh của tỉnh đang không ngừng hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước cũng như phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Từ đó đã và đang góp phần tạo ra sự đổi thay trong suy nghĩ, hành động, tạo sự bứt phá về kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo./.
Xuân Thu