Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

05:01, 21/01/2021

Ngày 14-1-2021, Ban chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nội dung như sau:

Căn cứ Luật số 85/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội về việc ban hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BNV, ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ về Hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;

Căn cứ Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 08/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;

Căn cứ Quyết định số 100-QĐ/TƯ, ngày 11/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2021-2026;

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tỉnh Nam Định đạt kết quả cao, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật; Ban chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2021- 2026 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử tỉnh) ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 08/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và Kế hoạch này.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản về chỉ đạo, tổ chức công tác bầu cử

1.1 Cấp tỉnh

Sau hội nghị triển khai công tác bầu cử của Trung ương; Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ở địa phương.

a. Thành phần

- Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

- Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử tỉnh, Uỷ ban bầu cử tỉnh.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính trị-xã hội tỉnh, lãnh đạo các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan doanh nghiệp, trường học của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

- Bí thư, Phó Bí thư các huyện uỷ, thành uỷ; Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố; Trưởng ban Tổ chức các huyện ủy, thành ủy; Trưởng phòng Nội vụ các huyện, thành phố.

b. Nội dung

Quán triệt các văn bản của Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng bầu cử Quốc gia và các cơ quan Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh về chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

1.2 Cấp huyện

Sau Hội nghị của tỉnh; Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử tới các cơ quan, ban, ngành của huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn theo đúng quy định của pháp luật. Nội dung và thành phần tương tự như cấp tỉnh.

1.3 Cấp xã

Tổ chức quán triệt, triển khai công tác bầu cử tớí cán bộ, đảng viên và nhân dân xã, phường, thị trấn sau hội nghị triển khai ở cấp huyện.

2. Chuẩn bị nhân sự, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và vận động bầu cử

2.1 Các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nhân sự giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng, quy trình giới thiệu, hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phát huy dân chủ và sự lãnh đạo của Đảng về công tác nhân sự.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có trách nhiệm tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại bỉểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; hướng dẫn ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện các bước hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã.

2.2 Về vận động bầu cử

Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo từng đơn vị bầu cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức để những người ứng cử đại biểu cùng cấp gặp gỡ tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, mục đích, yêu cầu, hình thức, nội dung vận động bầu cử được thực hiện theo các quy định tại Điều 65 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

Thời gian kết thúc vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp kết thúc trước 7 giờ ngày 22/5/2021.

3. Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

Căn cứ Điều 21, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 về các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; việc thành lập, cơ cấu, thành phần của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử để bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm:

3.1 Thành lập Ủy ban bầu cử

- Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.

- Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thành phố Nam Định, nhiệm kỳ 2021-2026.

- Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn, nhiệm kỳ 2021-2026.

Thời gian thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn; chậm nhất là ngày 07/02/2021 (105 ngày trước ngày bầu cử).

3.2 Thành lập Ban bầu cử

Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV; Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thành phố; Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

Thời gian thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn: Chậm nhất là ngày 14/3/2021 (70 ngày trước bầu cử).

3.3 Thành lập Tổ bầu cử

Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thời gian thành lập Tổ bầu cử: Chậm nhất là ngày 03/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử).

4. Lập và niêm yết danh sách cử tri

Danh sách cử tri do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu, theo từng hộ, từng thôn (xóm), tổ dân phố, Đây là việc làm có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng, có liên quan đến quyền bầu cử của công dân. Do vậy, việc lập danh sách cử tri phải được tiến hành thận trọng, chu đáo tránh sai sót, nhầm lẫn; Không để một công dân nào có quyền bầu cử lại không được ghi tên vào danh sách cử tri và ngược lại. Danh sách cử tri phải được viết cẩn thận, rõ ràng, chính xác, đầy đủ các nội dung theo đúng quy định và được niêm yết đúng thời gian ở nơi thuận tiện để nhân dân dễ dàng xem và kiểm tra.

- Cơ quan lập danh sách cử tri có trách nhiệm niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri bằng các hình thức, phương tiện thông tin thích hợp ở địa phương để nhân dân kiểm tra.

- Việc lập và niêm yết danh sách cử tri phải hoàn thành trước ngày 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử).

5. Đảm bảo các điều kiệu phục vụ cuộc bầu cử              

5.1 Kinh phí bầu cử                                                       

- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định về định mức chi cho bầu cử, ngoài ra các nội dung dự toán chi phục vụ cho cuộc bầu cử thanh toán theo thực tế phát sinh.

- Căn cứ vào kinh phí bầu cử Trung ương cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban bầu cử ở tỉnh sẽ phân bổ kinh phí cho các đơn vị theo quy định,

- Ngoài nguồn kinh phí trên, kính phí cho bầu cử còn bao gồm kinh phí đã được cân đối trong kế hoạch ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên của địa phương,

- Việc sử dụng kinh phí cho bầu cử phải quán triệt nguyên tắc tiết kiệm, đúng mục đích, thiết thực, có hiệu quả.

5.2 Đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ bầu cử

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc đảm bảo các điều kiện về in ấn tài liệu phục vụ bầu cử; phiếu bầu, văn bản hướng dẫn, tuyên truyền bầu cử, danh sách cử tri, thẻ cử tri.., tổ chức cấp phát cho các huyện, thành phố; chỉ đạo các đơn vị bưu chính, viễn thông, điện lực, y tế đảm bảo các yêu cầu về thông tin liên lạc, điện, phòng chống dịch bệnh trong đợt bầu cử, nhất là trong ngày bầu cử 23/5/2021.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo con dấu, các tài liệu khác về bầu cử theo quy định.

- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho bầu cử: hòm phiếu, phòng bỏ phiếu, tài liệu tuyên truyền...

6. Chuẩn bị bầu cử, tổ chức ngày bầu cử và kết quả bầu cử

6.1 Chuẩn bị bầu cử

Để đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện đúng luật; các tổ chức phụ trách bầu cử và các tổ chức hữu quan phải thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Bố trí cán bộ tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử phải được cân nhắc, bảo đảm chọn được những người có trình độ, năng lực, có tín nhiệm, có kinh nghiệm trong các cuộc bầu cử trước và phải được tập huấn về nghiệp vụ.

- Các tổ chức phụ trách bầu cử, cơ quan, tổ chức hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình kiểm tra các nội dung triển khai và các điều kiện đảm bảo cho cuộc bầu cử như: việc lập danh sách cử tri, các loại phiếu bầu, hòm phiếu (theo quy định của pháp luật thì mỗi khu vực bỏ phiếu có 2 hòm phiếu, trong đó có một hòm phiếu chính và một hòm phiếu phụ, tuỳ theo số lượng cử tri ở khu vực bỏ phiếu để bố trí hòm phiếu chính cho phù hợp), con dấu, băng, cờ, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, các phương tiện và các điều kiện khác có liên quan đến bầu cử.

6.2 Tổ chức ngày bầu cử

- Trong thời hạn 10 ngày trước bầu cử (bắt đầu từ ngày 13/5/2021) Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Nơi bỏ phiếu phải có người bảo vệ, phải có phương án phòng chống cháy, nổ, cũng như khi thời tiết không thuận lợi, xây dựng phương án phòng chống dịch COVID-19 để đảm bảo cho cuộc bầu cử được an toàn, liên tục.

- Phòng bỏ phiếu phải được trang trí trang trọng đảm bảo những điều kiện, phương tiện cần thiết để cử tri đến bỏ phiếu được thuận lợi và bảo đảm nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín.

- Tuỳ tình hình và điều kiện ở địa phương mà nơi tổ chức bỏ phiếu cho phù hợp, không tổ chức bỏ phiếu ngoài trời; trong trường hợp đặc biệt bỏ phiếu ngoài trời phải làm rạp che để tránh nắng, mưa gió và được trang trí trang trọng.

- Các nhân viên Tổ bầu cử được phân công rõ nhiệm vụ, phạm vi trách nhiệm, phải đeo phù hiệu để nhân dân tiện liên hệ.

- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tuỳ tình hình cụ thể của địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bầu cử sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không quá chín giờ tối. Trong trường hợp đặc biệt, nếu có sự cố bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong các giấy tờ, hòm phiếu và báo cáo về Ban bầu cử, đồng thời triển khai phương án dự phòng để cuộc bỏ phiếu được tiếp tục. Nếu vì lý do đặc biệt không thể tiếp tục việc bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải báo cáo ngay với Ban bầu cử để kiến nghị Ủy ban bầu cử xem xét, quyết định.

- Lễ khai mạc phải trang nghiêm, thiết thực, tạo không khí phấn khởi cho ngày bầu cử.

- Trong ngày bầu cử, Uỷ ban bầu cử các cấp phải phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đi kiểm tra các khu vực bỏ phiếu, đảm bảo cho việc bỏ phiếu được tiến hành đúng luật, kịp thời giúp cơ sở giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình bầu cử.

6.3 Kết quả bầu cử

- Việc kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu phải được tiến hành ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu tại phòng bỏ phiếu và có sự chứng kiến của 2 cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến.

- Tổ bầu cử, Ban bầu cử và ủy ban bầu cử các cấp thực hiện các thủ tục tổng hợp, xác nhận kết quả bầu cử và báo cáo theo quy định,

- Trường hợp phải bầu cử thêm, bầu cử lại thì ngày bầu cử sẽ được tiến hành chậm nhất là ngày 07/6/2021 (15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên).

7. Chế độ báo cáo

7.1 Báo cáo công tác chuẩn bị phục vụ bầu cử

Để có số liệu báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia, các cơ quan ở Trung ương, ủy ban nhân dân, ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh (qua Sở Nội vụ) theo mốc thời gian và những nội dung sau:

a. Đợt 1: Báo cáo việc tổ chức hội nghị triển khai về công tác bầu cử, công tác kiểm tra nắm tình hình về các phương tiện thực hiện cho bầu cử: Dân số, cử tri, hòm phiếu, con dấu, kế hoạch triển khai công tác an ninh trật tự xã hội. Thời gian báo cáo chậm nhất là ngày 28/02/2021.

b. Đợt 2: Báo cáo việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác của người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Thời gian báo cáo chậm nhất là ngày 19/3/2021.

c. Đợt 3: Báo cáo về công tác tuyên truyền, cổ động cho bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú về người ứng cử, việc triển khai thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Thời gian báo cáo chậm nhất là ngày 18/4/2021.

d. Đợt 4: Báo cáo tổng hợp toàn bộ các nội dung đã triển khai về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chậm nhất vào ngày 06/5/2021 với các nội dung sau:

- Việc phân chia khu vực bỏ phiếu, thành lập Tổ bầu cử.

- Việc lập, niêm yết danh sách cử tri và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri.

- Niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đơn vị bầu cử.       

- Tổ chức hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ cử tri và vận động bầu cử.

- Công tác tuyên truyền về bầu cử.

- Việc bố trí các phương tiện, điều kiện có liên quan đến bầu cử.

- Tình hình trật tự an ninh, an toàn xã hội.

đ) Đợt 5: Báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử được thực hiện vào ngày 20/5/2021.

7.2. Báo cáo về tiến độ trong ngày bầu cử (trong ngày 23/5/2021)

- Lần thứ nhất, từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30: Tình hình tổ chức khai mạc, số cử tri tham gia khai mạc.

- Lần thứ 2, từ 10 giờ đến 11 giờ 30: Diễn biến của cuộc bầu cử, tỷ lệ cử tri đi bầu, số khu vực có 100% cử tri đi bầu.

 - Lần thứ 3, từ 14 giờ đến 15 giờ 30: Tình hình bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu, tỷ lệ đi bầu.

Lần thứ 4, từ 18 giờ đến 19 giờ 30: Tình hình chung về bầu cử, số hòm phiếu chưa mở, việc kiểm phiếu ở các khu vực bỏ phiếu.

Lần thứ 5, từ 20 giờ đến 24 giờ: Tình hình chung về bầu cử, việc kiểm phiếu ở các khu vực bỏ phiếu.

Trước, trong và sau ngày bầu cử báo cáo bằng điện thoại về số máy di động: 0913092542 (Đồng chí Triệu Đức Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban bầu cử tỉnh); số máy di động: 0912978245 (Đồng chỉ Đoàn Trọng Tuệ, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ); số Fax 02283.630288.

8. Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

8.1 Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử: việc lập danh sách cử tri; lập danh sách những người ứng cử, người ứng cử và kết quả bầu cử

Các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

8.2 Giải quyết khiếu nại, tố cáo khác liên quan tới công tác bầu cử: các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, các cơ quan có trách nhiệm khi tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác bầu cử phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử, đảm bảo khẩn trương, ổn định được tình hình, nhân sự phục vụ kịp thời cho cuộc bầu cử; trường hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo giải quyết, không để ảnh hưởng tới công tác bầu cử.

9. Về công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử    

-  Để đảm bảo an toàn trước, trong và sau cuộc bầu cử, Uỷ ban bầu cử các cấp thành lập Tiểu ban chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Tiểu ban có nhiệm vụ giúp Uỷ ban bầu cử các cấp xây dựng chương trình cụ thể nhằm đảm bảo an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử.

- Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan Quân sự, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án, Thanh tra và các cơ quan hữu quan xây dựng phương án cụ thể, kịp thời ứng phó với những tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn tuyệt đối, phát hiện và xử lý kịp thời những âm mưu phá hoại cuộc bầu cử. Trong đó, chú ý đến các địa bàn trọng điểm, những nơi có biểu hiện phức tạp, dễ xảy ra vi phạm pháp luật.

10. Về công tác tuyên truyền bầu cử

Cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi. Ủy ban bầu cử các cấp thành lập Tiểu ban chỉ đạo công tác tuyên truyền bầu cử để xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở với nội dung sau:

Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng bầu cử quốc gia và Uỷ ban bầu cử các cấp.

Giới thiệu nội dung của Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Tập trung tuyên truyền về ý nghĩa và các nguyên tắc về bầu cử; đặc biệt là tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyền bầu cử và ứng cử của công dân; trách nhiệm của cử tri trong quá trình bầu cử.

11. Về công tác thi đua khen thưởng

11.1 Tổ chức đợt phát động thi đua để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, động viên các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử và tạo không khí phấn khởi, thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, giúp cuộc bầu cử đạt được mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

11.2 Về nội dung thi đua: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức phát động đợt thi đua thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ngay từ đầu năm 2021 gắn với phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021.

11.3 Về khen thưởng: Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được xem xét khen thưởng theo quy định,

12. Về công tác kiểm tra, giám sát bầu cử

12.1. Ban Chỉ đạo, Uỷ ban bầu cử các cấp có trách nhiệm kiểm tra toàn diện việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng các cấp; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

12.2. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử các cấp thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo phân công của Trưởng ban, Chủ tịch ủy ban bầu cử các cấp.

12.3. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn cửa mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra công tác bầu cử.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy Đảng, Ban chỉ đạo cuộc bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật.

2. Các thành viên Ban Chỉ đạo, ủy ban bầu cử các cấp căn cứ nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách chủ động phối hợp với lãnh đạo, với các cơ quan và địa phương liên quan để chỉ đạo công tác bầu cử đảm bảo theo đúng yêu cầu chỉ đạo của ủy ban bầu cử và đúng quy định của pháp luật.

3. Các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện công tác bầu cử theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh, phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh, ủy ban bầu cử ở tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban Chỉ đạo tỉnh. Căn cứ vào Kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ Uỷ ban nhân dân các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử, các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các ngành, các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử phải báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo tỉnh để xem xét, quyết định (qua Sở Nội vụ để tổng hợp).

BÍ THƯ
kiêm
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO
Đoàn Hồng Phong


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com