Mới đây, sau khi có ý kiến của Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới (nay là Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), cho rằng thời gian qua chúng ta xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế “xin - cho” vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng lại không thay đổi, thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc; người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm nghiên cứu, tìm ra giải pháp khả thi, phù hợp để từng bước đẩy lùi, giảm thiểu tác hại và tiến tới chấm dứt cơ chế lạc hậu “xin - cho” ra khỏi đời sống xã hội.
Công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính để xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Ảnh: hanoimoi.com.vn. |
Vì cơ chế bất cập này là một trong những mầm mống làm suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tàn dư từ thời bao cấp còn tồn tại dai dẳng
Tính từ mốc năm 1986 Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, đến nay chúng ta đã trải qua gần 35 năm đổi mới. Công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc diễn ra ở tất cả các lĩnh vực đã thu được nhiều thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần đưa đất nước ta ngày càng phát triển về mọi mặt.
Tuy nhiên, có một vấn đề nhức nhối mà hơn 3 thập niên qua chúng ta đã đề cập, phê phán rất nhiều lần và muốn ngăn chặn, xóa bỏ tận gốc nhưng đến nay nó vẫn còn “đất sống”, đó chính là cơ chế “xin - cho” - “con đẻ” của chế độ phong kiến và tàn dư từ thời bao cấp.
Không ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã đề ra một trong những giải pháp phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đó là: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”.
Vậy cơ chế “xin - cho” liên quan gì đến vấn đề suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Đảng ta yêu cầu cần phải xóa bỏ?
Bản chất của cơ chế “xin - cho” là đặc quyền, đặc lợi và tạo ra sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Cơ chế này có nguyên nhân sâu xa từ chế độ phong kiến chuyên quyền, độc đoán. Do thể chế chính trị, quyền lực chính trị tập trung vào tầng lớp vua quan nên sinh ra một tầng lớp quan lại có đặc ân, đặc quyền được ban phát lợi ích cho giai cấp bị trị là giai cấp nông dân và những người thấp cổ bé họng trong xã hội.
Khi quyền lực, lợi ích tập trung vào một nơi, một người thì nơi đó, người đó có cái quyền cho, chia, ban phát và vì thế, những nơi, những người khác muốn có quyền lợi thì nhất thiết phải đi xin. Mà thông thường, người đi cho bao giờ cũng ở thế bề trên, thế nên mới sinh ra thái độ khệnh khạng, tư tưởng đặc quyền, tâm lý kẻ cả đối với người đi xin. Ngược lại, người đi xin ở thế yếu, muốn xin được thì phải khéo léo, thậm chí phải chạy vạy, luồn cúi, nịnh nọt và tìm mọi cách để “lót tay” cho người có quyền ban phát thì mới có cơ may giải quyết được công việc một cách thuận lợi.
Nhiều năm qua, chúng ta đã có một số giải pháp, chế tài nhằm hạn chế cơ chế “xin - cho” trong bộ máy công quyền. Nhưng trên thực tế, cơ chế này vẫn như một con “tắc kè đổi màu” hiện hình trong vô vàn các mối quan hệ ứng xử giữa cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới. Vai vế, ưu thế, quyền ban phát “cho” luôn thuộc về những cá nhân nắm giữ những quyền lực lớn như người đứng đầu ở các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; những bộ phận thay mặt Nhà nước, tập thể được quyền quản lý, phân bổ ngân sách, tài chính, tài sản, tài nguyên; những người công tác ở các cơ quan, bộ phận liên quan đến nhân sự, lao động, việc làm, giải quyết thủ tục hành chính...
Thực tế cho thấy, hơn chục vụ đại án tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, kéo theo hàng chục quan chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước, cán bộ ngân hàng... bị kỷ luật, xử lý hình sự trong những năm gần đây cũng do một phần bắt nguồn sâu xa từ việc quản lý, vận hành các hoạt động kinh tế - xã hội chưa thoát khỏi cơ chế “xin - cho”. Vì khi kẻ đi xin mà có lòng tham vô đáy, lại cố gắng chạy vạy, lo lót xin được càng nhiều thì càng có cơ hội bòn rút của công; trong khi người cho thì lại “vung tay quá trán”, dễ dãi cấp phát, chia chác ngân sách, tài sản nhằm “hưởng lợi hoa hồng”, do đó cả hai đối tượng “xin - cho” đã cùng đưa nhau vào con dốc trượt ngã rồi tha hóa, biến chất.
Kiên quyết, kiên trì “đào tận gốc, trốc tận rễ” cơ chế “xin - cho”
Có người từng ví von, cơ chế “xin - cho” như “vết thương” còn hằn trên khuôn mặt lam lũ của không ít người dân sau khi phải đến làm thủ tục hành chính ở cơ quan công quyền; là những giọt mồ hôi mặn chát còn lưu lại trên môi của không ít doanh nhân sau khi dăm lần bảy lượt đến “cơ quan một cửa” nhưng phải đối mặt với nhiều “ổ khóa”; là nỗi niềm “ngậm bồ hòn làm ngọt” của không ít cán bộ, nhân viên, cơ quan cấp dưới đối với cán bộ, nhân viên, cơ quan cấp trên khi giải quyết công việc... Chỉ vì cái cơ chế “xin - cho” còn tồn tại dai dẳng trong xã hội mà dư luận vẫn râm ran những câu thơ “bút tre” nghe mà chạnh lòng. Đó là những người đi xin, những cơ quan cấp dưới đi xin nếu muốn giải quyết xong công việc thì khi gặp cấp trên, đến cơ quan cấp trên phải: “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên/ Nhún nhường, nhã nhặn, không quên phong bì!”.
Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, còn cơ chế “xin - cho” là còn tệ nạn phiền hà, nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền và đây chính là nguyên nhân làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan hành chính các cấp; đồng thời là một trong những căn nguyên sinh ra tiêu cực, tham nhũng và làm suy giảm trách nhiệm chính trị, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Chỉ vì bức xúc với cơ chế “xin - cho” tồn tại dai dẳng suốt bao nhiêu năm qua mà chưa được giải quyết căn cơ, ngày 30-10-2020, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế “xin - cho” vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng lại không thay đổi, thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc.
Sau khi ý kiến này được đăng trên Báo Tiền phong, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát, làm rõ nội dung báo nêu để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, từ một ý kiến góp ý của một chuyên gia, người đứng đầu Chính phủ tỏ ra rất quan ngại về những tác hại, hậu quả khôn lường của cơ chế “xin - cho”, vì vậy đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải sớm vào cuộc quyết liệt nhằm tìm ra giải pháp khả thi, phù hợp để từng bước đẩy lùi, giảm thiểu tác hại và tiến tới chấm dứt triệt để cơ chế này.
Cơ chế “xin - cho” chỉ có tác dụng nhất thời trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và lẽ ra nó phải chấm dứt “vai trò lịch sử” từ rất lâu rồi. Nhưng vì muốn co kéo, vun vén bổng lộc, chia chác lợi ích, thích duy trì vai vế ban phát của “đấng bề trên” mà không ít người có chức quyền và cả một số tổ chức, cơ quan, bộ phận vẫn không muốn từ bỏ đặc quyền, đặc lợi nên cố níu giữ cái cơ chế bất cập, lạc hậu này. Trong khi đó, do thiếu chế tài ràng buộc và kiểm soát quyền lực chặt chẽ và thiếu sự công khai, minh bạch trong quá trình vận hành, quản trị ở nhiều tầng nấc của bộ máy công quyền mà cơ chế “xin - cho” chưa được đẩy lùi một cách căn bản.
Do vậy, muốn xây dựng một thể chế chính trị ưu việt, một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự trung thành, tận tụy, liêm chính, vì dân, vì nước, thì việc “đào tận gốc, trốc tận rễ” cơ chế “xin - cho” phải được coi là một trong những giải pháp ưu tiên, cần kíp trong công tác quản trị quốc gia hiện nay./.
THIỆN VĂN (Nguồn: Báo QĐND)