Qua nghiên cứu các dự thảo văn kiện, chúng tôi thấy văn kiện Đại hội XIII lần này có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Văn kiện vẫn nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, văn kiện bổ sung yếu tố dân chủ, gắn vận mệnh dân tộc, đất nước mình với xu thế thời đại, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Về đánh giá tổng quát đối với “dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”, chúng tôi cơ bản đồng tình và nhất trí. Đồng thời rất quan tâm đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong dự thảo. Trong dự thảo có nêu: “Cơ cấu lại các ngành kinh tế đi vào thực chất, tiếp tục chuyển dịch tích cực và đúng hướng, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng lên, trong đó: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khép kín từ đầu vào đến khâu sản xuất và chế biến, tiêu thụ... Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đã hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Đây là điều đáng mừng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam kể từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào hiệu quả và có giá trị lâu dài theo từng nấc phát triển thì theo chúng tôi việc đưa thêm nội dung ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững và "Khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” là hết sức cần thiết. Thực tế chứng minh rằng khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt đưa đến sự phát triển kinh tế đột phá của các quốc gia. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức đưa ra thông điệp "Quốc gia khởi nghiệp”. Theo sau thông điệp của Thủ tướng, rất nhiều chính sách, đề án, kế hoạch, chương trình đã được ban hành nhằm tạo đột phá trong công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ở các bộ, ngành và các địa phương cũng đã và đang hưởng ứng và bước đầu triển khai công tác thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về nội dung “Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao cả về số lượng và số vốn đăng ký”, chúng tôi cơ bản nhất trí với nhận định trên, mặc dù trong một thời gian dài, các doanh nghiệp khởi nghiệp không mặn mà với nông nghiệp nhưng với sự xuất hiện của nông nghiệp 4.0, thế giới khởi nghiệp đã thay đổi. Công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội đa dạng cho người dân và doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0 bao gồm: Các lĩnh vực dịch vụ web, thông tin truyền thông, công nghệ di động… Điều này đã làm nên một phong trào đổi mới sáng tạo (innovation) giai đoạn 2 mạnh mẽ và nhiều tiềm năng không thua kém trong lĩnh vực giao thông và y tế. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, người sản xuất trong nước với nhiều lý do: (1)Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất và rất cần có sự cải cách thể chế một cách bài bản, thực chất, nghiêm túc và hiệu quả hơn; (2)Thị trường xuất khẩu rộng mở, cạnh tranh cao; (3)Môi trường đầu tư cần phải cải cách mạnh mẽ; (4)Trình độ khoa học và công nghệ cần được nâng cao, nhất là nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Và thực tế là mặc dù thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng sức hút đầu tư đối với các nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự cao.
Chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước gắn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cùng nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, khởi nghiệp sáng tạo đổi mới trong thanh niên nông thôn theo tinh thần Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên trong cả nước./.
Trần Phước Thắng
Phó Ban Thanh niên Nông thôn, Công nhân
và Đô thị (Tỉnh Đoàn)