Nguyễn Hùng Mạnh
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Cùng với việc xây dựng tổ chức Hội Nông dân (HND) vững mạnh, những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao.
Nông dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng hoa mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều kết quả thiết thực cho hội viên nông dân; đồng thời tạo động lực lôi cuốn, khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất và giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Nhiều hội viên, nông dân đã tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển theo hướng đẩy mạnh liên doanh, liên kết phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề; chú trọng tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Các cấp HND trong tỉnh chủ động ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ xây dựng các mô hình kinh tế. Hàng năm, phong trào đã thu hút trên 150 nghìn hộ nông dân đăng ký tham gia và có trên 50% số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp HND trong tỉnh cũng vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 4 HTX, 97 tổ hợp tác, 31 tổ hội nghề nghiệp với 2.147 thành viên. Các cấp HND trong tỉnh còn vận động nông dân tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó xuất hiện nhiều điển hình mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu. Tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo giữa các hộ nông dân với Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty Minh Dương. Bên cạnh đó, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả như: ông Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông với mô hình chăn nuôi VAC tổng hợp; ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu) với mô hình nuôi gà siêu trứng; ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) với mô hình nuôi cá trắm đen; ông Lại Văn Quang, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) với mô hình chế biến nước mắm truyền thống; ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) với mô hình chăn nuôi lợn sinh học; ông Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) với mô hình nuôi cá bống bớp; ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) với mô hình nuôi thỏ… Với sự vào cuộc của HND các cấp, phong trào đã tạo sức lôi cuốn, lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ hội viên, nông dân vươn lên thi đua lao động, sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; phát triển các nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu, giúp nông dân thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ trên 12.500 lượt hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn về mô hình sản xuất, về giống, vốn; tạo việc làm cho 157 nghìn lao động; giúp trên 5.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Các cấp HND trong tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như “dồn điền, đổi thửa”, hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân liên kết xây dựng HTX, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hợp tác xây dựng “cánh đồng lớn” tạo vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. HND các cấp còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tín chấp cho 46.991 lượt hộ vay với dư nợ 9.752 tỷ đồng; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tạo điều kiện cho 39.826 lượt hộ vay trên 1.201 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân gần 26 tỷ đồng cho 405 mô hình với 1.059 hộ vay mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, phối hợp các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn.
Mô hình VAC của gia đình ông Đoàn Thanh Bao, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cho hiệu quả thu nhập cao. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Phát huy những thành tích đã đạt được, hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống của HND Việt Nam, thiết thực lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các kết luận, quyết định của Trung ương về trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn. Để đạt được kết quả đó, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; gắn việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, các cấp HND trong tỉnh tập trung xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại. Tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; tập hợp thu hút nông dân tham gia tổ chức Hội theo hướng đa dạng đối tượng kết nạp, coi trọng chất lượng, không nặng về số lượng. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ HND các cấp, đạt chuẩn theo quy định của tỉnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng mạnh về cơ sở, tăng tính chủ động, sáng tạo của các cấp Hội; thường xuyên phát động các phong trào thi đua, đợt thi đua theo chuyên đề, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; tham gia Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương như: vận động hội viên tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất tập trung; mở rộng, phát triển ngành nghề, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, vận động nông dân tăng cường liên kết, hợp tác; sản xuất theo chuỗi; sản xuất hàng hóa; theo hướng kinh tế gia trại, trang trại, sản phẩm OCOP, gắn sản xuất với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chủ động tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường các dịch vụ về vốn, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, dạy nghề, giới thiệu việc làm, quảng bá sản phẩm; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; cung cấp máy móc, vật tư đầu vào; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tích cực tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền có chính sách phù hợp để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là chính sách về đất đai, chính sách hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH giúp nông dân vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND các cấp, tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho nông dân; làm nòng cốt trong liên kết với các nhà khoa học, các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho nông dân. Coi trọng đào tạo nông dân về kỹ năng, kiến thức, phương pháp, sản xuất, biết hạch toán trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho nông dân gắn với các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh liên kết đào tạo, giới thiệu việc làm. Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị xuất khẩu lao động để có kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân sau học nghề tại các doanh nghiệp và lao động ở nước ngoài. Hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động chuyển giao KHKT, công nghệ mới vào sản xuất.
Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên nông dân tỉnh tiếp tục đoàn kết, sáng tạo vượt qua khó khăn thử thách, hăng hái thi đua trong công tác, lao động, sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020 và những năm tiếp theo góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.