Sái Hồng Thanh
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng
Nghĩa Hưng là huyện ven biển, nằm phía tây nam của tỉnh Nam Định, có diện tích tự nhiên trên 250km2, dân số gần 18 vạn người. Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 58/KH-UBND của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết. Với những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao đạt mức bình quân trên 21%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra là 12,4%/năm. Đồng thời có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn mới.
Trong giai đoạn 2020-2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng lần thứ XXV đã đề ra là tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhất là hạ tầng các khu, cụm, điểm công nghiệp để thu hút đầu tư; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực của huyện. Để triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, huyện Nghĩa Hưng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
- Quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch được phê duyệt theo đúng quy định. Triển khai lập quy hoạch phân khu Đô thị Rạng Đông và quy hoạch phân khu chức năng nam đô thị Rạng Đông. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng quy hoạch phân khu hai bên đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nghĩa Hưng; hai bên kênh nối Đáy - Ninh Cơ đoạn qua xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc; điều chỉnh quy hoạch chung của các xã, thị trấn cho phù hợp với sự phát triển trong thời gian tới.
- Phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm lấp đầy giai đoạn 1 Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Tiếp tục đầu tư các cụm công nghiệp tại thị trấn Liễu Đề, thị trấn Quỹ Nhất, xã Nghĩa Phong, xã Nghĩa Lạc với diện tích quy hoạch khoảng 70ha. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
- Tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai một số dự án trọng điểm của tỉnh, Trung ương, có tính chiến lược, sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghĩa Hưng, như: Giai đoạn 2 đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nghĩa Hưng; tỉnh lộ 488C...
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh kinh tế biển; thu hút mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế biển; xã hội hóa thu hút đầu tư để triển khai xây dựng khu chức năng phía nam và hình thành đô thị Rạng Đông theo quy hoạch được phê duyệt theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ hỗn hợp, khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort, sân golf...gắn với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư,
nhất là các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại,… Chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt xu hướng, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước khác sang Việt Nam.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa một cách thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Tích cực chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp./.