Nỗ lực cải cách toàn diện nền hành chính công (kỳ 2)

07:09, 21/09/2020

(Tiếp theo kỳ trước)

Sau 10 năm nỗ lực, các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh đã tham gia cải cách, đổi mới toàn diện hệ thống hành chính công; trong đó nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực: cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Nam Ninh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Nam Ninh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế.

Bài 2: Những kết quả tích cực

Theo đồng chí Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: thông qua công tác kiểm soát, rà soát, tỉnh đã hạn chế, giảm nhiều TTHC gây phiền hà, khó khăn trong giải quyết công việc cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đăng ký kinh doanh, quy hoạch, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cùng chung quan điểm trên, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh. Theo bà Vũ Thị Tuyết, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và cung cấp nước sạch Hoàng Kim: xây dựng nhà máy nước sạch tại địa phận xã Hải Minh cung cấp nước sạch cho 32 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu là dự án lớn của doanh nghiệp. Được ngành chức năng, các cấp chính quyền tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ xử lý, giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian trả kết quả, các vướng mắc, khó khăn từng bước được tháo gỡ hoàn tất các TTHC, nhất là các thủ tục thẩm định cấp tỉnh, để chuyển tiếp lên các bộ, ngành Trung ương phê duyệt như thủ tục cấp phép xây dựng ở phạm vi ngoài đê, đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai...

Kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác CCHC của tỉnh. Chỉ số CCHC của tỉnh đã có sự cải thiện qua các năm, năm 2019 đạt 80,7 điểm (thứ 39/63), tăng 5,1 điểm tăng 1 bậc so với năm 2018. Tại buổi kiểm tra của Bộ Nội vụ về công tác CCHC của tỉnh đợt tháng 6-2020, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Đỗ Quý Tiến, Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác CCHC của tỉnh đã góp phần từng bước xây dựng nền hành chính tỉnh Nam Định hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, về phía UBND tỉnh đã khẳng định một số kết quả nổi bật trong công tác CCHC trong giai đoạn 2011-2020. Cụ thể, trong công tác cải cách, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của tỉnh, tỉnh đã kịp thời rà soát, phát hiện, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật ban hành không đúng quy định; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; kịp thời bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; thường xuyên cập nhật công khai, minh bạch theo quy định các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên Trang Công báo tỉnh. Trong cải cách TTHC, các cấp chính quyền, ngành chức năng toàn tỉnh đã rà soát 1.419 TTHC, trong đó giữ nguyên 931 TTHC, kiến nghị đơn giản hóa 488 TTHC. Từ năm 2011 đến 31-3-2020 các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo ngành, lĩnh vực đã công bố 6.474 TTHC, trong đó: ban hành mới 3.060 TTHC, sửa đổi 1.019 TTHC, bãi bỏ 2.398 TTHC. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định công bố TTHC, danh mục TTHC, các TTHC đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Tổng số TTHC tính đến 31-3-2020 là 1.706 TTHC, trong đó cấp tỉnh 1.383 TTHC, cấp huyện 224 TTHC, cấp xã 99 TTHC.

Sau 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đã giúp tỉnh rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Tại khối các tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh, tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh thuộc Văn phòng UBND tỉnh trên cơ sở giải thể Trung tâm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Nam Định. Đã sắp xếp, sáp nhập 3 xã vào 3 đơn vị hành chính liền kề, giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã. Thực hiện thí điểm hợp nhất các đơn vị: Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng UBND, HĐND tại 3 đơn vị huyện là: Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản; Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức huyện ủy Vụ Bản (giảm được 4 đầu mối đơn vị cấp phòng trong hệ thống chính trị cấp huyện). Sau 2 năm tiến hành sắp xếp, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay toàn tỉnh đã giảm 199 đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đã đề ra 2 đơn vị; giảm 101 số đầu mối cấp phòng, khoa trong đơn vị sự nghiệp; giảm 312 biên chế do tổ chức lại, giải thể và chuyển sang đơn vị tự chủ. Chất lượng thành viên UBND các cấp chính quyền, địa phương đã được nâng cao về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý Nhà nước, độ tuổi cũng trẻ hơn so với những nhiệm kỳ trước; có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác, đã từng là lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành (đối với cấp tỉnh, huyện), có kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Các chính sách, quyết định hành chính do UBND các cấp đã ban hành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đảm bảo đúng thẩm quyền; đã giải quyết và đáp ứng kịp thời đòi hỏi thực tế ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cấp sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã ngày càng được hoàn thiện, chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần chủ động sử dụng hiệu quả hơn kinh phí ngân sách Nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chủ động nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công; tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ công với chất lượng ngày càng cao.

Theo đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công là việc khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn) vào tháng 3-2018; cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã được phê duyệt. Nam Định là một trong 8 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia; hiện đã có 203 TTHC của tỉnh thuộc 5 lĩnh vực Tư pháp hộ tịch; Bưu chính, Đường bộ; Xúc tiến thương mại được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 15-6-2020 đã có 1.294.195 lượt người truy cập Cổng dịch vụ công của tỉnh và đã thể hiện công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ. Hiện 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC trên Cổng với tổng số TTHC được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4 là 720/1.706 TTHC, đạt tỷ lệ 42%. Trong đó, cấp sở là 616 dịch vụ, cấp huyện là 98 dịch vụ và cấp xã là 6 dịch vụ. Trên 50% số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã phát sinh hồ sơ. Tiếp nhận hơn 60 nghìn hồ sơ trực tuyến mỗi năm (trong đó có hơn 12 nghìn hồ sơ được giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4); bình quân hàng tháng đã tiếp nhận và giải quyết hơn 6.000 hồ sơ TTHC, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn hàng năm đều đạt trên 98%. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC đã được đẩy mạnh với điểm nhấn là tỉnh đã thành lập, đưa Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30-9-2019; kiện toàn lại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã. Các sở, ban, ngành của tỉnh, một số đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn cũng đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm giúp việc thực hiện các TTHC được tập trung tại một đầu mối, nâng cao được chất lượng giải quyết TTHC và tăng cường được việc quản lý, theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết TTHC của công chức một cửa. Từ ngày Trung tâm đi vào hoạt động đến 31-3-2020 đã có 38.845 lượt giao dịch về TTHC. 100% UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập hoặc kiện toàn lại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC và đã công khai 100% TTHC cấp huyện, cấp xã. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã bám sát các quy định pháp luật về TTHC. Từ năm 2012 đến 31-3-2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 8.096.305 hồ sơ. Trong đó, từ 2012 đến 2014 toàn tỉnh tiếp nhận 2.763.254 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 98,64% hồ sơ; từ 2015 đến 31-3-2020 toàn tỉnh tiếp nhận 5.333.051 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 99,4% hồ sơ.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thanh Thúy
 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com