Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh xuất khẩu

08:09, 25/09/2020

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân, các ý kiến tham luận vào Dự thảo Báo cáo Chính trị đã tập trung phân tích kỹ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành, địa phương để góp phần xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Báo Nam Định xin trích giới thiệu một số ý kiến tham luận tại Đại hội.

Nguyễn Minh Văn
TUV, Giám đốc Sở Công Thương

… Bước vào thời kỳ 2020-2025 hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu và là xu hướng chủ đạo, tạo thời cơ thuận lợi thu hút đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho nền kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Trong tỉnh, hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng (Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, đường bộ ven biển, đường trục phát triển kinh tế…), hạ tầng khu, cụm công nghiệp,… được đầu tư ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến và thu hút đầu tư. Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện, thành phố. Các nỗ lực của tỉnh về cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp và kinh tế tư nhân phát triển sẽ tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tận dụng cơ hội thuận lợi và khắc phục những khó khăn tồn tại nêu trên, ngành Công Thương tỉnh phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng năm tăng từ 14-14.5%/năm; tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn năm 2025 đạt trên 4,0 tỷ USD; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ trong giá trị tổng sản phẩm GRDP của tỉnh đạt 89% vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Sở Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh tăng trưởng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Một là, tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, để đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Trước hết đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp từ kéo sợi, dệt vải, nhuộm, sản xuất phụ kiện và may mặc thời trang cao cấp từng bước đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm dệt may của cả nước. Triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hồng Tiến, Mỹ Thuận. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp Thịnh Lâm, Yên Dương, mở rộng các cụm công nghiệp Xuân Tiến, Đồng Côi; đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp Yên Bằng, Thanh Côi, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Hai là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư và định hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ. Thu hút có chọn lọc các dự án dệt may, da giày ở vùng nông thôn trên cơ sở cân đối nguồn lao động, quỹ đất nhằm giải quyết việc làm và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ba là, trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội, định hướng phát triển công nghiệp ở từng vùng cho phù hợp tiềm năng lợi thế và hiệu quả cao nhất. Đối với khu vực thành phố Nam Định tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm… Không thu hút đầu tư ngành dệt may, da giày vào khu vực thành phố Nam Định và vùng phụ cận. Đối với vùng kinh tế biển sẽ phát triển thành vùng kinh tế động lực với công nghiệp dệt may thời trang cao cấp, công nghiệp vận tải biển, công nghiệp chế biến với công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Vùng sản xuất nông nghiệp khuyến khích xây dựng các cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch để phát triển các ngành nghề cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm và các sản phẩm truyền thống với trình độ tay nghề kỹ thuật cao.

Bốn là, đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Phát triển hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở cơ cấu lại thị trường, tăng sản phẩm chế biến, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, gia công trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Từng bước đưa mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Phổ biến kịp thời, hướng dẫn nội dung các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, cảnh báo sớm, dự báo thị trường nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. 

Sáu là, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về quản trị doanh nghiệp, maketing, đàm phán ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com