Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng, dân tộc và quân đội

06:08, 13/08/2020

Thượng tướng Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi xa. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông đã dốc lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ông là một vị tướng chỉ huy tài ba, mưu lược được nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngưỡng mộ.

Đồng chí Lê Khả Phiêu. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Lê Khả Phiêu.
Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27-12-1931, tại làng Thượng Phúc, xã Đông Khuê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tham gia cách mạng năm 1947, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949.

Trải qua 73 năm gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quân đội, từ buổi đầu tham gia hoạt động cho đến khi về với cõi vĩnh hằng, Thượng tướng Lê Khả Phiêu đã kinh qua nhiều cương vị công tác. Ở bất cứ cương vị và hoàn cảnh nào, ông luôn thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường, dũng cảm; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết; toàn tâm, toàn trí, toàn lực công hiến cho Đảng, cho dân tộc và nhân dân; giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.

Nói đến ông là nói tới một con người có ý chí cao, giàu nghị lực và bản lĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ nổi tiếng ở một vùng đất địa linh nhân kiệt - cái nôi người Việt cổ với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ được hun đúc bởi truyền thống đấu tranh quật cường chống giặc ngoại xâm của quê hương và dân tộc, bởi vậy, ông sớm giác ngộ cách mạng. Năm 14 tuổi, ông tham gia đội thiếu nhi quê nhà và tích cực hoạt động trong phong trào khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương năm 18 tuổi, đồng chí Lê Khả Phiêu được kết nạp vào Đảng và làm Chánh Văn phòng Chi bộ xã, phụ trách công tác tuyên truyền xã Đông Khê.

Ngày 1-5-1950, ông tham gia quân đội thuộc Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 - Đoàn Vinh Quang (một trong những đơn vị tiền thân của Quân đoàn 2). Qua nhiều năm rèn luyện, trưởng thành, từ tháng 7-1967 đến tháng 2-1974, ông được cử vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu, đảm nhiệm các cương vị Chính ủy sau đó kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304; Trưởng phòng Tổ chức rồi Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên.

Trải qua các cương vị công tác khác nhau, trên những chiến trường ác liệt, ngay từ cơ sở, ông sớm khẳng định là một cán bộ chính trị, quân sự có bản lĩnh, trí tuệ, tư duy và tầm chiến lược; chỉ đạo, chỉ huy quyết đoán. Năm 1965, sau đợt Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 giành thắng lợi ở Trung Lào, khi thấy một số người say sưa với chiến thắng, ông kiên quyết chỉ đạo Trung đoàn họp tìm ra những hạn chế để kịp thời có biện pháp khắc phục, chống tâm lý chủ quan, góp phần nâng cao sức mạnh và bản lĩnh chiến đấu của bộ đội.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trên cương vị Chính ủy Trung đoàn, sau đó kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, ông đã chỉ huy đơn vị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn tiến công làm chủ cố đô Huế và kiên cường chiến đấu chốt giữ, bảo vệ thành cổ suốt 26 ngày, đêm khốc liệt. Cũng tại chiến trường ác liệt này, tài năng quân sự của ông một lần nữa được thực tiễn khẳng định. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, ông được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên.

Tháng 3-1974, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên (sau là Quân đoàn 2). Trên cương vị mới này, ông đặc biệt quan tâm tới xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, thường xuyên có mặt ở những trận đánh then chốt, mũi hướng chủ yếu, nơi cam go ác liệt; động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, cùng với toàn quân lập nên những chiến thắng vang dội, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Truyền thống “Thần tốc, Táo bạo, Quyết thắng” và những mốc son thắng lợi hào hùng của Quân đoàn 2 luôn gắn với vai trò đặc biệt quan trọng của những cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị tài năng, đức độ, có tư duy chỉ đạo sâu sắc, trong đó có Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên.

Đất nước thống nhất, non sông liền một dải, từ tháng 2-1978 đến tháng 3-1984, ông được Đảng lần lượt cử giữ chức Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 9. Trên cương vị mới, ông đã cùng với tập thể Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Quân khu lãnh đạo, chỉ huy ổn định vững chắc tình hình; tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý, chỉ huy bộ đội kiên quyết giáng trả những hành động gây chiến của bọn phản động Pôn Pốt, tiến lên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chủ lực của Bộ Quốc phòng và cách mạng Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ độc tài Pôn Pốt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Từ tháng 4-1984 đến giữa năm 1988, đồng chí Lê Khả Phiêu được Đảng cử giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh 719 rồi Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị, làm ủy viên rồi Phó Bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh 719. Bản thân ông nhiều lần đi thị sát mặt trận, kể cả những nơi có địa hình hiểm trở, địch đánh phá ác liệt; đồng thời khẩn trương xác định phương án tác chiến, chuẩn bị lực lượng, thế trận, chỉ huy đánh từ tạo thế chiến dịch đến kết thúc chiến dịch giành thắng lợi quyết định. Từ một cán bộ chính trị dày dạn trận mạc ở cấp binh đoàn, tháng 8-1988, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 6-1991, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và là đại biểu Quốc hội khóa IX, X.

Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, ông đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chăm lo xây dựng Đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.

Tháng 6-1992, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa VII của Đảng, ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 1-1994, tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Thượng tướng Lê Khả Phiêu được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa VIII, tháng 12-1997, Thượng tướng Lê Khả Phiêu được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Với bản lĩnh người lính “Bộ đội Cụ Hồ” từng trải qua biết bao trận mạc, hiểm nguy, ông đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Qua đó, đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng, vững chắc trong xây dựng và phát triển kinh tế; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong buổi lễ trao tặng Thượng tướng Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư của Đảng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đồng chí Lê Khả Phiêu là cán bộ từng kinh qua nhiều cương vị công tác quan trọng, nhất là được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của nguời đảng viên cộng sản, không ngừng học tập tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hơn 70 năm, từ buổi đầu tiên tham gia cách mạng đến khi về cõi vĩnh hằng, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn thể hiện đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết; toàn tâm cống hiến cho Đảng, cho dân tộc; giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Thượng tướng Lê Khả Phiêu mãi mãi xứng đáng là người cộng sản kiên cường, nhà quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam./.

TS Nguyễn Văn Quyền 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com