Nghĩ về Mẹ Việt Nam Anh hùng

06:08, 07/08/2020

Trong lịch sử dân tộc và nhân loại, hình tượng người mẹ là một giá trị thiêng liêng và vĩ đại nhất. Không phải ngẫu nhiên, đã từ hàng ngàn năm nay, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, người mẹ được tôn vinh như là một biểu tượng của lòng vị tha, yêu thương che chở và đức hy sinh vô bờ bến, đặc biệt là trong quan hệ gia đình.

Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: zingnews.vn
Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: zingnews.vn

Từ thời cổ đại, trong thế giới của những người Hy Lạp, tất cả đàn ông và con cái đã đồng loạt tôn vinh một lễ hội gọi là lễ hội nữ thần Cybelle. Hàng năm người Hy Lạp cổ đại dành một ngày vào thời điểm sáng chói nhất của ánh sáng mặt trời để tôn vinh người mẹ.

Ở nước ta, tình mẫu tử lại càng mang đậm nghĩa nặng ơn sâu. Cho đến nay, đa số người Việt Nam đều ít nhiều biết đến tục thờ Ðạo Mẫu - một tập quán thờ các nữ thần. Ðây là một trong những tín ngưỡng dân gian cổ xưa nhất và trở thành một bản sắc văn hóa của người dân Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu (Ðạo Mẫu) của người Việt có từ thời xa xưa. Cùng với thời gian, tục thờ Mẫu được mở rộng thờ các nữ anh hùng có công trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Họ là những người có công đức lớn trong chiến đấu, lao động sản xuất, chữa bệnh cứu giúp nhân gian được người đời tôn thờ và kính trọng, lâu dần được thần thánh hóa trở thành nơi linh thiêng. Các vị thần trong Ðạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của người mẹ, vừa linh thiêng vừa thân thuộc, gần gũi với đời sống con người. Ðạo Mẫu không chú trọng nhiều đến cuộc sống sau cái chết, mà nó đặt ra vấn đề về cuộc sống thực tại với khát vọng cầu mong bình an, hạnh phúc, xua tan mọi ưu tư phiền muộn và nỗi thống khổ nơi trần thế. Có thể nói, truyền thống thờ Mẫu là biểu tượng nhằm tôn vinh người mẹ Việt Nam thiêng liêng, nhân từ cao cả; sẵn sàng hy sinh cho con cái. Những người mẹ can đảm, thao lược, chiến đấu xông pha nơi hòn tên mũi đạn để che chở cho mọi sinh linh, giữ vững sự bình an cho cuộc sống xuất phát từ truyền thuyết về mẹ Âu Cơ. Ðó chính là biểu tượng cao quý mà muôn đời con cháu mãi mãi biết ơn và tôn thờ trong tình cảm thương yêu thành kính…

Nếu lịch sử người Việt là lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc, thì đó cũng là lịch sử sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu bà mẹ Việt Nam âm thầm tiễn con ra trận. Ðó cũng là lịch sử những nỗi đau, sự mất mát hy sinh không gì bù đắp. Ðó còn là những khúc ca bi tráng và bản trường ca bất tử đầy đau thương nhưng kiêu hãnh của người mẹ Việt Nam. Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, người mẹ Việt Nam chịu nhiều hy sinh mất mát đến thế. Nhưng đó là sự hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc, sự hy sinh mang lại sức sống bất diệt cho Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, hàng triệu bà mẹ Việt Nam lại thắt lưng buộc bụng, anh dũng và quả cảm chôn giấu nỗi đau mất chồng, mất con để âm thầm lặng lẽ hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng vạn thanh niên xung phong, nữ quân nhân chưa một lần biết đến tuổi hai mươi đã hy sinh nơi chiến hào hay trên đường hành quân ra trận. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đó là lời tuyên ngôn đanh thép của người phụ nữ Việt Nam khi Tổ quốc có xâm lăng. Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh người nữ cộng sản đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Minh Khai đang trong thời kỳ sung mãn nhất của tuổi xuân bị giặc Pháp bắt và xử tử hình tại ngã ba Giồng, Hóc Môn năm 1941. Người nữ anh hùng đầu tiên của quân đội Nguyễn Thị Chiên, một mình chủ động xây dựng và chỉ huy Ðội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình) táo bạo nổi tiếng với chiến công “tay không bắt giặc”. Rồi Anh hùng LLVT nhân dân Ðinh Thị Vân đã tổ chức hẳn một mạng lưới tình báo làm đảo điên giới chóp bu đầu não Mỹ - ngụy, phục vụ đắc lực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta vào Tết Mậu Thân 1968. Một Võ Thị Sáu, người Anh hùng LLVT nhân dân hăng hái tham gia cách mạng lúc mới 15 tuổi. Bị giặc bắt tra tấn dã man nhưng chị vẫn một lòng kiên trung, giữ vững khí tiết người con gái phương Nam…

Cho đến nay, thế giới và nhân dân cả nước không bao giờ quên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và chiến công lừng lẫy của 11 cô gái sông Hương quần nhau với 10 xe tăng, xe bọc thép và một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ròng rã suốt 25 ngày đêm ác liệt, làm cho lính Mỹ thất điên bát đảo. Rồi 10 cô gái Ngã ba Ðồng Lộc suốt những năm tháng dài bảo vệ con đường độc đạo, chịu đựng hàng chục nghìn quả bom của Mỹ trút xuống để giữ cho con đường vào Nam thông suốt. Vào một ngày định mệnh, chiếc máy bay phản lực thả một quả bom trúng giữa đội hình tiểu đội, cả 10 người con gái đang độ tuổi thanh xuân không một ai sống sót. Chiến công của các chị và tội ác của kẻ thù mãi mãi ghi đậm trong ký ức mỗi người dân Việt hôm nay và mai sau… 

Cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc tạc ghi công ơn trời biển, những chiến công chói ngời bản lĩnh và nỗi đau thương nhức nhối của những người mẹ đã dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc và nhân dân. Hiện nay, Nhà nước đã ghi công khoảng 13 vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng con số đó chỉ là con số tiêu biểu. Ðể có cuộc sống hòa bình, nhân dân ta phải trả một cái giá vô cùng lớn với hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau còn đó. Bao nấm mồ liệt sĩ chưa có tên, bao người con, người chồng, người cha ưu tú của dân tộc Việt nằm lại nơi rừng hoang núi thẳm. Vô vàn những chuyến đi tìm hài cốt chồng, con héo mòn, vô vọng:

Ba mươi năm chị đi tìm mồ anh mà không tìm được

Chị có lỗi gì đâu sao anh lại không về?

Giỗ Tết người ta mua hương hoa về viếng người thân trong nghĩa trang liệt sĩ

Nén nhang chị thắp trời không!

Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, những người mẹ, người vợ đằng đẵng mấy chục năm trời vừa chờ chồng, vừa gồng mình lên chống chọi quyết liệt với bão tố thiên nhiên, đêm ngày thắt lưng buộc bụng chắt chiu từng hạt gạo gửi ra tiền tuyến. Bao bà mẹ vừa tiễn con đi vừa khóc thầm lặng lẽ khi các con mẹ vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Bao bà mẹ vừa nuôi con vừa cầm súng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng bảo vệ từng tấc đất quê hương. Vâng! Không ở đâu trên thế giới này, những bà mẹ mảnh mai ốm yếu gầy gò lại có một nghị lực phi thường, một sức sống mãnh liệt không gì có thể khuất phục. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh mẹ Việt Nam lại đồng nghĩa với hai từ Tổ quốc. Ði khắp dọc dài đất nước, không nơi đâu chúng ta không chứng kiến sự hy sinh, lòng can đảm và nỗi đau mất mát hy sinh của những bà mẹ Việt Nam. Mỗi mẹ có số phận và hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau, những giọt nước mắt âm thầm mà trĩu nặng chảy vào trong. Chúng ta từng chứng kiến nhiều bà mẹ, sau cuộc chiến tranh, vẫn ngày ngày đứng bên bậu cửa ngóng tin con trở về mà thời gian mãi biệt trôi. Ở Quảng Nam có mẹ Nguyễn Thị Thứ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có 9 con ruột, 1 con rể cùng 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh. Những người mẹ, những người vợ âm thầm và giản dị nhưng đằng sau cái tên tưởng như bình thường ấy là nỗi đau trĩu nặng. Nỗi đau được cô chắt bằng máu và nước mắt…

Lịch sử hàng ngàn năm của người mẹ Việt là “cắn răng chịu đựng”, nuốt nước mắt vào trong, hy sinh từng mảnh ruột, giọt máu trong mọi cuộc chiến tranh giữ nước. Bản chất này đã ngấm sâu, chảy trong huyết quản từng người mẹ, người vợ, người chị, người em gái Việt Nam mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng. Chúng ta tự hào về những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nguyện sẽ làm tất cả những gì để tôn vinh người mẹ. Nhưng cho dù trong những năm qua, nhân dân cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực bằng tất cả tấm lòng tôn kính “đền ơn đáp nghĩa” song cũng không thể trả hết công ơn to lớn của mẹ Việt Nam. Một ngôi nhà tình nghĩa, một mái ấm gia đình, một tiếng cười con trẻ, một trái tim hiếu nghĩa của các con, các cháu ở trung tâm bảo trợ những bà mẹ cô đơn, sưởi ấm nụ cười Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là một biểu hiện ý nghĩa nhớ nguồn. Nhưng hơn tất cả những điều ấy, mong muốn của mọi bà mẹ Việt Nam có lẽ là luôn cầu mong cho con cháu trưởng thành, vượt qua phong ba bão tố, xây dựng một đất nước dân chủ, giàu mạnh và thịnh vượng…

Theo Sự kiện và Nhân chứng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com