Tháng Tám - Mùa Thu Cách mạng(!). Ngày 19-8-1945 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Bảy mươi lăm năm đã qua nhưng giá trị và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hiện nay.
Xã Hải Châu (Hải Hậu) hôm nay. Ảnh: Viết Dư |
Hòa trong khí thế sôi sục của cả nước ngày ấy, mặc dù chưa nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương nhưng căn cứ Chỉ thị ngày 12-3-1945 và qua các nguồn tin về sự chuẩn bị khởi nghĩa của các địa phương khác, ngay chiều 17-8-1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh Nam Định đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại thôn Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh) để quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Do đặc điểm của các địa phương và sự vận dụng chủ trương khác nhau nên việc giành chính quyền ở các huyện, thành phố trong tỉnh cũng không hoàn toàn giống nhau. Ở Trực Ninh, ngay sau khi cuộc họp của Ban Cán sự Đảng tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh, lực lượng khởi nghĩa đã nhanh chóng triển khai chiếm huyện đường. Sau đó, Ban Cán sự Đảng tỉnh phân công các cán bộ, đảng viên về lãnh đạo giành chính quyền ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Đích thân đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh dẫn một lực lượng lên trấn giữ Đò Quan, phòng khi quân địch ở tỉnh điều lực lượng về đàn áp phong trào ở Trực Ninh. Sáng hôm sau, ngày 18-8-1945, đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh đưa quân về phối hợp giành chính quyền ở huyện Nam Trực, rồi tiếp tục đưa lực lượng sang Xuân Trường cùng đánh đồn Lạc Quần. Ở Xuân Trường, việc giành chính quyền ở huyện lỵ và chiếm đồn Lạc Quần diễn ra vào ngày 20-8-1945, sau đó lực lượng cách mạng kéo xuống tiếp tục phối hợp giành chính quyền ở Ngô Đồng, huyện lỵ Giao Thủy. Cùng ngày 20-8-1945, nhân dân địa phương sở tại đã phối hợp với lực lượng cách mạng từ Hà Nam xuống giành chính quyền ở huyện lỵ Ý Yên. Ở Hải Hậu, việc giành chính quyền được tiến hành nhanh gọn ở cả chợ Cồn và huyện lỵ vào ngày 21-8-1945. Ở Vụ Bản và Nghĩa Hưng, sau khi lực lượng cách mạng của Vụ Bản giành chính quyền ở Chợ Dần đã kéo xuống phối hợp với lực lượng cách mạng của Nghĩa Hưng từ phía nam lên, giành chính quyền ở huyện lỵ Nghĩa Hưng. Riêng ở thành phố Nam Định, nơi trung tâm đầu não của địch, lực lượng của chúng còn mạnh; trong khi đó, phần lớn cán bộ, đảng viên của ta đã bị bắt, bị giam trong tù bởi những cuộc khủng bố trước đó, nên việc giành chính quyền có khó khăn hơn. Các cán bộ, đảng viên bên ngoài, số không bị bắt đã bí mật liên lạc với các đảng viên trong tù, đấu tranh gây sức ép buộc chúng phải thả các tù chính trị, rồi trong ngoài phối hợp giành chính quyền vào ngày 21-8-1945. Huyện Mỹ Lộc là đơn vị giành chính quyền cuối cùng vào ngày 22-8-1945. Như vậy, chỉ trong một tuần, từ ngày 17 đến ngày 22-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự tỉnh, nhân dân Nam Định đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành chính quyền trong toàn tỉnh. Qua thực tế lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945, Đảng bộ Nam Định đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương, đóng góp tích cực vào việc xóa bỏ chính quyền Nhà nước thực dân phong kiến, lập chính quyền Nhà nước dân chủ nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam.
Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trên tất cả các lĩnh vực xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Đặc biệt trong công cuộc xây nông thôn mới (NTM), thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 (khóa X) của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh ta đã vận dụng một cách chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện riêng của từng địa phương. Căn cứ bộ tiêu chí chuẩn về NTM của Trung ương, vận dụng trong điều kiện cụ thể của tỉnh, Đảng bộ xác định không thụ động trông chờ sự hỗ trợ từ trên mà phải chủ động phát huy nội lực; thu hút sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; không chạy theo số lượng mà phải đảm bảo chất lượng của từng tiêu chí; xác định nhân dân là chủ thể và cũng là lực lượng chính trong xây dựng NTM, đồng thời cũng là người hưởng lợi trước hết từ các tiêu chí đã đạt được. Do đó đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhất quán phương châm “Làm từ hộ gia đình đến thôn xóm, từ thôn xóm đến xã, huyện”, lấy thôn xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM. Chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Chọn những sản phẩm, nghề là thế mạnh của địa phương để khuyến khích phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực xã hội để xây dựng NTM. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, nhiều địa phương đã có những giải pháp, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả cao, như kinh nghiệm của huyện Nghĩa Hưng trong việc vận động hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng không phải đền bù, vừa tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng vừa đẩy nhanh tiến độ thi công và không có khiếu kiện. Kinh nghiệm của huyện Hải Hậu trong việc xây dựng môi trường văn hóa, môi trường sinh thái “Nhà có số, phố có tên; sông không rác; đường có điện, có hoa; cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”… Với cách làm chủ động, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, toàn tỉnh đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được hơn 200km quốc lộ, 328km tỉnh lộ, 292km huyện lộ, 9.726km đường giao thông nông thôn, 7.880 cầu cống dân sinh; 1.350 trạm biến áp, 762km đường dây trung áp, trên 5.110km đường dây hạ thế lưới điện nông thôn; trên 34 nghìn công trình thủy lợi, kiên cố hóa gần 1.000km kênh mương. Cải tạo, nâng cấp, xây mới 852 trường, 9.802 phòng học; nâng cấp, xây mới 10 bệnh viện, 10 trung tâm y tế cấp huyện. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới gần 200 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 2.194 nhà văn hóa thôn xóm, 1.331 sân thể thao thôn xóm. Đầu tư 112 lò đốt, 106 khu xử lý rác thải nông thôn. Triển khai trên 70 dự án đầu tư khu đô thị ở trung tâm huyện và các xã khu vực nông thôn để tạo nguồn lực cho xây dựng NTM. Qua đó, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Giai đoạn 2010-2020, đã đưa được trên 5.000 doanh nghiệp về địa bàn nông thôn. Số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 80%. Ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 52 triệu đồng, gấp 4,1 lần so với trước khi xây dựng NTM; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm xuống còn 1,35 lần; mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, trừ đối tượng bảo trợ xã hội giảm còn dưới 1%. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được bảo tồn, nhiều hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo; vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy. Việc giữ gìn, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn đã trở thành phong trào, hoạt động thường xuyên, hàng ngày của cộng đồng dân cư. Mô hình “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”; phong trào trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường do cộng đồng thực hiện và quản lý được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Nông thôn Nam Định ngày càng “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.
75 năm trôi qua, mạch nguồn truyền thống vẫn luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh tiếp nối, phát huy, kết tinh thành những thành quả to lớn, tạo nên diện mạo mới cho mọi vùng quê từ thành thị đến nông thôn, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Xuân Thu