Nguyễn Thị Thu Thủy
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh
Năm năm qua, Ðảng bộ Trực Ninh triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXIV trong bối cảnh có những thuận lợi: Ðảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; mưa lớn gây ngập úng năm 2017, 2018; dịch tả lợn châu Phi năm 2019; đại dịch COVID-19 đầu năm 2020... đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ của các sở, ban, ngành của tỉnh; Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Về phát triển kinh tế, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại theo phương pháp an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường; chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản bình quân 2,25%/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 106,1 triệu đồng (năm 2016) lên 115,8 triệu đồng (ước thực hiện năm 2020). Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ; giảm tỷ trọng trồng trọt. Các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm triển khai; hiện có 3 sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao, 14 sản phẩm đang đề nghị xếp hạng. Ðiểm nhấn trong nhiệm kỳ qua là Ðảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Qua đó đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là vai trò của chi bộ đảng, của thôn xóm, vai trò chủ thể của người dân trong phong trào xây dựng NTM. Tổng kết 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hiến hơn 320ha đất để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Toàn huyện đã huy động hơn 2.003 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, trên 70% là các nguồn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân. Huyện Trực Ninh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017 và là một trong ba huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh.
Cùng với phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, huyện Trực Ninh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Do đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn như: Công ty cổ phần May 9 (Tổng Công ty May Nhà Bè), Công ty May 1 Nam Ðịnh, Công ty TNHH Minh Tiến, Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển Trường An, Công ty TNHH Ô tô Ðại Duy, Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam, Công ty Sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic, Công ty May Shin Myung First Vina, Công ty TNHH Sung Won Vina, Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam... hoạt động ổn định, hiệu quả, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong và ngoài huyện. Huyện hiện có 3 cụm công nghiệp, 9 làng nghề, hơn 350 doanh nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 38 nghìn lao động. Tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn hơn 8.300 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 60 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) bình quân tăng 13,5%/năm. Các ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ bình quân hàng năm 8,01%/năm. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 265 triệu USD (ước thực hiện năm 2020), tăng bình quân 51,2%/năm; số lượt hành khách luân chuyển tăng bình quân 10,3%/năm và khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 9,9%/năm.
Lĩnh vực quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện đang có bước chuyển biến mạnh mẽ. Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển. Ðó là dự án làm mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường Quốc lộ 21B, tỉnh lộ 487, 488B, đường Hưng Mỹ, đường Trung Ðông - Trực Tuấn, đường Hữu Nghị, đường Nam Ninh Hải, đường Vô Tình - Văn Lai, đường Khang - Thuận, đường Vạn Phú và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 232,62km. Hệ thống đê, kè, cống cũng được quan tâm, đầu tư đúng mức, trong đó đã xây mới, sửa chữa 5,5km đê; cứng hóa 12,3km mặt đê; kiên cố hóa 18,17km kênh cấp 1, cấp 2; 140m kênh cấp 3. Trong nhiệm kỳ, huyện Trực Ninh đã tiến hành xây mới 329 phòng học, sửa chữa, nâng cấp 227 phòng học, phòng chức năng, với tổng giá trị hơn 310 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa - thể thao, đáp ứng yêu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân. Triển khai xây dựng hạ tầng khu đô thị thị trấn Cổ Lễ, khu dân cư tập trung tại các xã, thị trấn tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) hôm nay. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Lĩnh vực văn hóa có nhiều tiến bộ; các xã, thị trấn đều xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn hóa ở cơ sở. Chất lượng giáo dục toàn diện, kết quả thi học sinh giỏi và kết quả phong trào thi đua trong ngành giáo dục và đào tạo xếp tốp đầu của tỉnh; năm học 2018-2019 xếp thứ nhất toàn tỉnh. Chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm từ 4,34% (2016) xuống còn 0,82% (ước thực hiện năm 2020), vượt chỉ tiêu đại hội đề ra. Công tác quốc phòng - an ninh và hoạt động của các cơ quan nội chính được tăng cường. Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương hoàn thành tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được đặc biệt coi trọng. Nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, BCH Ðảng bộ huyện thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch thực hiện của địa phương. Ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình công tác trọng tâm của BCH Ðảng bộ huyện khóa XXIV liên quan đến các lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tái cơ cấu và xây dựng các nhà máy nước cung cấp nước sạch sinh hoạt, tăng cường các biện pháp thu gom, xử lý rác thải, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường, giai đoạn 2015-2020. Các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn luôn chú trọng, thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Ðẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong nhiệm kỳ, Ðảng bộ huyện đã mở 20 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Ðảng cho 1.384 quần chúng ưu tú; 15 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 1.082 đảng viên mới; 104 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, 50 lớp chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ cơ sở. Tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Ðảng (khóa XII). Hiện nay, Ðảng bộ huyện có 71 tổ chức cơ sở đảng (21 đảng bộ xã, thị trấn; 4 đảng bộ cơ quan và 46 chi bộ cơ sở trực thuộc), giảm 9 tổ chức cơ sở đảng so với đầu nhiệm kỳ. Việc kiện toàn, bổ sung cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc, quy định. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ được chú trọng. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nâng cao; 100% cán bộ, lãnh đạo, quản lý cấp xã đạt chuẩn quy định, trong đó 33,6% có trình độ đại học. Qua đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm, trên 90% tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Bên cạnh đó huyện luôn chú trọng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ góp phần quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa nền hành chính. Chỉ số cải cách hành chính của huyện 5 năm liên tục xếp trong tốp đầu các huyện, thành phố, trong đó 3 năm (2016, 2017, 2018) xếp thứ nhất toàn tỉnh.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ huyện Trực Ninh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; thu hút đầu tư một số ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chú trọng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2025 và đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trước năm 2030; xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững./.