Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh/ Internet |
Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ Báo Thanh Niên - Cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Từ đó Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lê-nin. Báo Thanh Niên được phổ biến rộng rãi khắp cả nước, nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân nhằm chuẩn bị tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 21-6-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21-6 hàng năm là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020), các thế hệ làm báo trong cả nước tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc - Người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Cùng với sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, rèn luyện, trao sứ mệnh vinh quang cho nền báo chí cách mạng nước nhà - Một nền báo chí gắn bó máu thịt với Đảng ngay từ lúc mới ra đời và trong những nhiệm vụ then chốt của Đảng - công tác tư tưởng, tổ chức và lãnh đạo. Một nền báo chí không tách rời đất nước và dân tộc trong các giai đoạn cách mạng, cùng với những chiến công và thành tựu rực rỡ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch.
Phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, các thế hệ làm báo nguyện mãi mãi học tập, noi gương, làm theo những tờ báo do Hồ Chủ tịch sáng lập, tổ chức xuất bản, với tôn chỉ, mục đích phục vụ lợi ích của Đảng, của dân tộc. Đó là các tờ báo “Người cùng khổ” (1922), “Quốc tế nông dân” (1924), “Thanh niên” (1925), “Công nông” (1925), “Lính kách mệnh” (1925), “Thân ái” (1928), “Đỏ” (1929), “Việt Nam độc lập” (1941), “Cứu quốc” (1942). Mỗi tác phẩm báo chí của Hồ Chủ tịch, cùng với tấm gương hoạt động báo chí của Người, mãi mãi là mẫu mực sáng ngời về tính Đảng, tính chiến đấu, tính nhân dân, tính chân thực và tính đa dạng của báo chí cách mạng.
Hoà cùng mạch nguồn báo chí cách mạng của Đảng, những người làm Báo Nam Định tự hào về trang sử truyền thống báo chí cách mạng của Đảng bộ tỉnh. Người đặt nền móng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Nam Định là Đặng Xuân Khu, sau này là Tổng Bí thư Trường Chinh. Năm 1928, đồng chí Trường Chinh sáng lập Báo “Dân Cày”, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tiếp theo tờ “Dân Cày” (1928-1931), để xây dựng, phát triển tổ chức của Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, Tỉnh uỷ Nam Định qua các thời kỳ, đã xuất bản các tờ “Tiền phong”, “Hưởng ứng” 1930-1931, “Nam Định kháng chiến” (1946), “Tiến lên” (1948), “Rèn luyện” (1950).
Kỷ niệm ngày truyền thống báo chí cách mạng, chúng ta tự hào, quê hương Nam Định đã sinh ra nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng - đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng thời cũng là người lãnh đạo, chỉ đạo nền báo chí cách mạng nước nhà. Chúng ta tự hào về các nhà báo lớn: Trần Huy Liệu, Hồng Hà, Thép Mới, cùng các nhà báo quê hương Nam Định được giao trọng trách Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều giai đoạn. Cùng với những người làm báo tại quê hương, chúng ta cũng ghi nhận, tự hào về hàng trăm nhà báo quê hương Nam Định đã và đang phục vụ ở các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trong cả nước, từ các cơ quan Trung ương đến các tỉnh, thành phố.
Tiếp nối truyền thống báo chí cách mạng đất nước và quê hương, dưới sự lãnh đạo, chăm lo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố; sự đón nhận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, báo chí Nam Định không ngừng được phát triển về số lượng và chất lượng, cả về đội ngũ, cơ cấu loại hình, trang thiết bị kỹ thuật và cơ chế hoạt động. Báo chí Nam Định tự hào đã góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh nhà qua các giai đoạn, nhất là từ khi Đảng ta phát động sự nghiệp đổi mới, tiến hành CNH-HĐH. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống đài phát thanh, truyền thanh các huyện, thành phố; các tờ tạp chí, đặc san chuyên ngành trong tỉnh; các cơ quan báo chí Trung ương tại địa phương, luôn vững vàng về chính trị tư tưởng và nghiệp vụ, liên tục, kịp thời chuyển tải đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và các ngành, các cấp tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời phản ánh toàn diện các phong trào thi đua, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt việc tốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phát huy truyền thống báo chí cách mạng, những người làm báo tỉnh nhà nguyện trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, của đất nước, trung thành với tôn chỉ, sứ mệnh của báo chí cách mạng, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ quê hương, đất nước trong sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH, hội nhập quốc tế./.