Nguyễn Anh Tuấn
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Bí thư Thành ủy Nam Định
Nam Định mãi mãi tự hào là quê hương phát tích của Vương triều Trần, là một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Cùng với sự biến đổi của thời gian, năm 1921, chính phủ “bảo hộ” thuộc Pháp đã tách và nâng tỉnh lỵ Nam Định thành thành phố Nam Định. Kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, tháng 7-1954 đến hôm nay, thành phố Nam Định luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Nam Định và vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nhân dân Nam Định có truyền thống anh dũng trong chống giặc ngoại xâm, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất và nổi tiếng là vùng đất văn hiến của Thiên Trường xưa, Nam Định nay.
Một góc thành phố Nam Định hôm nay. Ảnh: Viết Dư |
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của công nhân dệt Nam Định phát triển sâu rộng chuyển từ tự phát đến tự giác, nhân dân đấu tranh anh dũng kiên trì, bền bỉ, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp đã dã tâm trở lại xâm lược nước ta. Song, với truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc, nhân dân ta đã quyết chiến đấu và chiến thắng. Lực lượng vũ trang, quân và dân thành phố dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Thành ủy Nam Định đã anh dũng đấu tranh tiến công tiêu diệt địch, giành nhiều chiến công chói lọi. Sau Chiến dịch Đông - Xuân 1951-1952, tại thành phố Nam Định cục diện chiến trường có bước thay đổi căn bản có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Tuy nhiên, lực lượng của thực dân Pháp ở thành phố Nam Định vẫn còn mạnh. Mục đích của chúng là chiếm đóng thành phố, từ đây mở rộng đánh chiếm các vùng lân cận, biến thành phố Nam Định trở thành trung tâm chỉ huy khu Nam đồng bằng Bắc Bộ. Cuối tháng 2-1953, phối hợp với các lực lượng Trung đoàn 46, quân và dân thành phố lại bất ngờ giáng đòn choáng váng vào bọn lính Ê-côn Đờ cát (tơ rơ) ở Bãi tập Bắc Tế. Phát huy khí thế tiến công, đầu tháng 4-1953 sau khi bất ngờ tập kích bằng lựu đạn và thủ pháo vào đại đội công binh của địch đóng tại nhà máy Rượu, phá hủy nhiều phương tiện vận tải và một số vũ khí trang bị của địch, quân và dân thành phố Nam Định lại tiếp tục phối hợp với Trung đoàn 46 đánh, tiêu diệt trường huấn luyện Vạn Bảo. Phối hợp với tiến công quân sự, nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng đã nổ ra đòi tăng lương, giảm thuế, chống dỡ nhà dồn dân, chống bắt lính, bắt phu, tẩy chay các đảng phái phản động. Để phá vỡ âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, Thành uỷ đã chỉ đạo đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch kết hợp đấu tranh chống đánh bắt lính, phá kinh tế, vận động ngụy binh bỏ ngũ, đảo ngũ, tạo ra thế và lực mới cho ta, quyết tâm giải phóng quê hương. Sau thất bại của địch ở Điện Biên Phủ, tinh thần sỹ quan, binh lính địch trong thành phố càng trở nên rệu rã, hoang mang. Thực hiện chủ trương của Thành ủy, các cơ sở y tế, bưu điện, máy điện, máy sợi đã vận động công nhân liên tục bãi công, biểu tình đấu tranh cùng với các lực lượng trong thành phố. Ngày 27-6-1954, một bộ phận quân báo của Thành đội đã đốt cháy kho lốp và 2 xe quân sự của địch ở khu máy Chiếu, làm cho tinh thần quân địch trong thành phố càng trở nên lo sợ trước sức mạnh như vũ bão của quân và dân Thành Nam. Đêm 29 rạng sáng ngày 30-6-1954, quân địch ở thành phố buộc phải rút theo đường 21 theo hướng Nam Định - Phủ Lý - Hà Nội. Trước sức mạnh như vũ bão của ta, đến 13 giờ ngày 1-7-1954, những tên lính thực dân cuối cùng đã tháo chạy khỏi thành phố. Quân và dân Thành Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Ngày 1-7-1954, Nam Định là thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đánh dấu một mốc son lịch sử của Đảng bộ, quân và dân thành phố trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Thành ủy Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh, phát triển xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Kinh tế của thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; hiệu quả của nền kinh tế được nâng lên. Tổng giá trị sản xuất (giá hiện hành) năm 2015 đạt 40.174 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2020 đạt 74.641 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 13,18%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 99,6%; nông nghiệp giảm còn 0,4% năm 2020. Vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 43.697 tỷ đồng, chiếm 30% toàn tỉnh. Số doanh nghiệp đăng ký mới trên địa bàn là 1.254, đến nay có 2.824 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn 27.124 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm đạt 11.688 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng; tập trung cho các công trình trọng điểm, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giao thông, thoát nước… làm thay đổi rõ nét hạ tầng, cảnh quan thành phố, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút nguồn đầu tư lớn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của thành phố. Công tác xây dựng, điều chỉnh quy hoạch được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng... được quan tâm. Giáo dục - đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích là lá cờ đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được triển khai hiệu quả. Chương trình quốc gia giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 5.200 đến 5.300 lượt lao động. Tỷ lệ người thất nghiệp và thiếu việc làm hàng năm đều dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo từ 2,83% năm 2015 (1.814 hộ) giảm xuống còn 1,92% năm 2019 (1.271 hộ). Các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm thường xuyên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
5 năm tới, Đảng bộ thành phố Nam Định đề ra mục tiêu: Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, kỷ cương. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn đảng bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội. Phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, thành phố Nam Định sẽ tập trung vào các nhiệm vụ:
Một là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo. Xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh. Tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hai là: Xây dựng và phát triển thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Bảo tồn di tích, di sản có giá trị lịch sử. Mở rộng địa giới hành chính thành phố theo đề án đã được duyệt. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch gắn với quản lý tốt tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường. Khắc phục những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông, kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển không gian, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai.
Ba là: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ tạo ra nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.Thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị tăng. Đa dạng hóa các ngành dịch vụ thương mại. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bốn là: Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bảo đảm an sinh xã hội. Củng cố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Đảng bộ, toàn dân và toàn quân thành phố Nam Định phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh; xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại./.