Việt Nam là nước thứ 13 trong tốp 20 quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội và internet cao nhất trên thế giới. Nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các hành vi vi phạm pháp luật trên internet, mạng xã hội là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức đối với cả hệ thống chính trị. Từ năm 2017 đến nay Công an tỉnh Nam Định đã tiếp nhận, giải quyết 93 tin báo, vụ việc, khởi tố 28 vụ, 116 bị can phạm tội với thủ đoạn có liên quan đến không gian mạng, đặc biệt trong số 116 bị can có 95 bị can trong độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên chiếm 81,9%. Trước thực trạng trên dẫn đến việc cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa các ngành, phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (Công an tỉnh) thường xuyên tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra hoạt động trên không gian mạng. Ảnh: Xuân Thu |
Thế kỷ XXI, thế giới bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, trong đó cuộc cách mạng 4.0 thông qua các công nghệ cao như internet vạn vật, robot có trí tuệ nhân tạo… dần thay thế sức lao động thủ công của con người. Khoa học công nghệ đang tạo ra sự khác biệt giữa các quốc gia, trong đó phải kể đến những thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông.
Với khả năng kết nối không giới hạn, không phân biệt vị trí địa lý, không phân biệt chủng tộc, màu da, mạng xã hội và internet đã vươn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam đã có khoảng 65 triệu người dùng. Hầu hết các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, Lap top, Smart phone… đều được kết nối đường truyền internet tốc độ cao. Điều này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia có số người sử dụng mạng xã hội và internet cao nhất trên thế giới.
Bên cạnh những tiện ích tuyệt vời mà mạng xã hội và internet mang lại chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an: Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực. Từ năm 2016 đến nay đã có hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta.
Núp bóng dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch điên cuồng hoạt động phá hoại dưới nhiều danh nghĩa, thủ đoạn khác nhau như lôi kéo một số đối tượng được đào tạo ở nước ngoài nhưng bất mãn, để sử dụng như những con rối trong “ván bài” chính trị, chỉ đạo móc nối xây dựng cơ sở nội địa, cài cắm nội gián, phá hoại nội bộ; kích động, gây rối, xuyên tạc tình hình hay lợi dụng triệt để internet, mạng xã hội, blog cá nhân để thực hiện tham vọng ảo tưởng “lật đổ thể chế chính trị” tại Việt Nam.
Tin tức tràn ngập mạng xã hội và đôi khi làm nhiễu loạn các nguồn tin chính thống đăng tải trên báo, đài truyền hình của Trung ương và địa phương. Nhiều người từ bỏ thói quen đọc báo, xem truyền hình, chuyển sang đọc tin trên thiết bị điện tử thông minh vì sự tiện ích của công nghệ. Có một số người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng, chưa kiểm chứng, xác minh thông tin đã chia sẻ, cũng có người có biểu hiện vì động cơ cá nhân mà cổ súy, tiếp tay cho những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước.
Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, xóa sổ những lỗ hổng an ninh trong những năm vừa qua. Đây được đánh giá như một tấm “khiên” pháp lý quan trọng đối với môi trường mạng mà nhiều quốc gia đã và đang làm.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định, theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5-2020, toàn tỉnh có 230.238 thuê bao internet, 21.552 thuê bao cố định, 1.337.720 thuê bao điện thoại di động, trong đó có khoảng 1 triệu thuê bao 3G, 4G kết nối internet. Tỷ lệ phủ sóng di động 3G trên toàn tỉnh đạt 100% với 1.361 trạm, mạng 4G với hơn 1.000 trạm, ước tính khoảng 90%.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm sử dụng thủ đoạn có liên quan đến không gian mạng có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là theo thống kê số đối tượng phạm tội trong độ tuổi thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên chiếm tới 81,9%.
Chỉ từ những thông tin nghe thấy, hoàn toàn chưa được kiểm chứng, độ tin cậy không cao, Vũ Thị Thu Hương trú tại xã Lộc An, thành phố Nam Định và Đỗ Thị Thoan - thợ cắt tóc, gội đầu, phun xăm thẩm mỹ ở Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng đã vội vàng đăng lên facebook cá nhân của mình là “Nam Định xuất hiện trường hợp nhiễm COVID-19” gây hoang mang dư luận, đặc biệt vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp với con số lây nhiễm và tử vong ở mức báo động trên phạm vi toàn cầu. Công an huyện Giao Thủy cũng đã phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Nguyện trú tại xã Giao Hương đăng thông tin sai sự thật về dịch COVID-19, ra quyết định xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật, buộc các đối tượng phải gỡ bỏ bài viết và đăng tải thông tin đính chính.
Tháng 5-2020, Cơ quan an ninh điều tra tiếp nhận thụ lý điều tra vụ án từ Công an 2 huyện Giao Thủy, Hải Hậu đã làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các đối tượng bị bắt giữ trước đó vì hành vi làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan An ninh điều tra đã xác định 113 đối tượng ở 38 tỉnh, thành phố trên cả nước đặt mua tiền giả với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng, thu hồi 71 triệu đồng tiền giả mà các đối tượng đã làm, tàng trữ, lưu hành. Đáng chú ý là tất cả mọi giao dịch mua bán, chuyển, nhận tiền và các trang thiết bị dùng để làm và in tiền giả các đối tượng trong vụ án đều thực hiện trên mạng xã hội.
Cũng trong tháng 5 năm 2020, Phòng An ninh kinh tế sau khi tiếp nhận thông tin đã khẩn trương xác minh, làm việc với các bên liên quan và tiến hành trao trả gia đình chị Trịnh Thị Mai trú tại xóm 3, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng số tiền 300 triệu đồng. Trong quá trình giao dịch điện tử qua hệ thống internet banking chị Mai đã chuyển nhầm vào tài khoản có 13 chữ số, đầu số 034 của Ngân hàng Vietcombank của một người lạ trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Lợi dụng mạng xã hội Facebook, đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, Phạm Văn Tuấn, sinh năm 1995, trú tại Thụy Phong, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã dùng tài khoản facebook “Biển mặn” thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 130 triệu đồng của ông Trần Trọng Kiêu trú tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Từ đơn trình báo của bị hại, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Nam Định đã khẩn trương vào cuộc, làm rõ đối tượng sử dụng giấy tờ giả lừa đảo chiếm đoạt 2 xe ô tô có giá trị gần 1,1 tỷ đồng. Chỉ với 4 triệu đồng, Nguyễn Quang Hiếu (35 tuổi, trú tại Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã thuê một chủ tài khoản trên mạng xã hội Facebook làm giả giấy phép lái xe và căn cước công dân rồi tới các cửa hàng cho thuê xe tự lái. Ngay sau khi nhận chìa khóa và giấy tờ liên quan, Hiếu đã mang hai chiếc xe vừa thuê đi cầm cố. Đây là thủ đoạn lừa đảo lần đầu tiên xuất hiện tại Nam Định.
Với các tính năng hiện đại, giao diện đồ họa đẹp mắt, các dòng game đổi thưởng mới nhất, game quay hũ, nổ hũ đang được coi như một Casino thu nhỏ, thu hút lượng lớn người tham gia mang lại nguồn thu bất chính lớn cho các đối tượng tổ chức. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức game bài đổi thưởng qua mạng internet”, ra quyết định khởi tố bị can đối với 16 đối tượng về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc, thu giữ 8 bộ máy vi tính, 106 triệu đồng tiền mặt, 14 điện thoại di động các loại đồng thời điều tra làm rõ số tiền các đối tượng đã sử dụng để đánh bạc từ cuối tháng 11-2019 đến khi bị bắt là hơn 7 tỷ đồng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi như đặt máy chủ ở nhiều nơi khác nhau, thuê đặt máy chủ ảo, thường xuyên thay đổi pháp nhân đăng ký, lắp đặt các đường truyền vật lý phức tạp, chạy theo nhiều đường dẫn, có hệ thống lưu trữ riêng, vận hành máy chủ từ xa, khi bị phát hiện thì điều khiển xóa toàn bộ dữ liệu lưu trữ.
Theo một số chuyên gia về an ninh mạng, tại Nam Định tuy chưa xuất hiện tình trạng tin tặc tấn công vào các trang, cổng thông tin điện tử Nhà nước nhằm thu thập toàn bộ thông tin dữ liệu công khai nhưng tình trạng sử dụng mã độc để mã hóa các dữ liệu, đánh cắp thông tin người dùng để đòi tiền “chuộc” đang diễn ra có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại là có nhiều đối tượng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội và internet để tìm hiểu cách sản xuất, tự chế thuốc pháo dẫn đến hậu quả chết người như trường hợp của Trần Hoàng Phúc, học sinh lớp 7 tại xã Yên Phương, huyện Ý Yên vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua. Có trường hợp lên mạng để kêu gọi đua xe trái phép, sử dụng ma túy tổng hợp, thậm chí hướng dẫn học sinh, sinh viên sản xuất và sử dụng súng tự chế. Những thông tin xấu độc trên không gian mạng tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, tiếp tay cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là với giới trẻ.
Phòng ngừa tốt chúng ta sẽ khai thác triệt để những tiện ích trên không gian mạng và ngược lại nếu không chủ động phòng ngừa chúng ta sẽ phải đối mặt với những hiểm họa, những hệ lụy khôn lường từ vấn đề an ninh phi truyền thống này.
Có thể thấy, nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các hành vi vi phạm pháp luật trên internet, mạng xã hội là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức đối với cả hệ thống chính trị trong hiện tại và tương lai. Chính vì những lý lẽ trên, việc Công an tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định xây dựng và triển khai Kế hoạch liên tịch: “Phối hợp phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng” có ý nghĩa về lý luận và thực hiện ở tỉnh Nam Định./.
Thùy Dương
(Công an tỉnh Nam Định)