Thực hiện nhiệm vụ quý I-2020 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19; song dưới sự quyết tâm của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có sự phát triển so với cùng kỳ. Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nam Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý I, những nhiệm vụ trọng tâm quý II-2020.
Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Công ty TNHH Giầy AMARA, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Ảnh: Viết Dư |
Phóng viên: Trước diễn biến khó lường, phức tạp của dịch COVID-19, xin đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội?
Đồng chí Ngô Gia Tự: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, và của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra,... UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và xây dựng Kế hoạch đáp ứng đối với từng cấp độ dịch bệnh trên địa bàn. Tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Chỉ đạo các bệnh viện và cơ sở được phân công làm nơi cách ly chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc cách ly những người trở về từ vùng có dịch, người đi qua vùng có dịch và người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, không để dịch bệnh lây lan. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa nghi nhận trường hợp nào dương tính với COVID-19.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 20-3-2020, trong đó đã đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; yêu cầu các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện theo quy định để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19:
Thứ nhất, về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Trong đó, ngành Ngân hàng tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí,... hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Sở Tài chính các cấp, các ngành điều hành chi ngân sách theo dự toán được duyệt và các quy định của Nhà nước đảm bảo đáp ứng kịp thời nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách. Cục Thuế tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về các chính sách thuế, phí, lệ phí hỗ trợ sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định. BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo quy định.
Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó: Cục thuế tỉnh, Chi cục Hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất các phương án giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không tham mưu điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II-2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý. Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tăng cường thực hiện các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4, góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thương mại, xuất - nhập khẩu. Trong đó: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị thường xuyên nắm thông tin về những ảnh hưởng của dịch bệnh để có định hướng, giáp pháp hỗ trợ theo thẩm quyền, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn tỉnh chủ động tăng khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Thứ hai, về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 27-2-2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Đã ban hành Văn bản số 193/UBND-VP5 ngày 30-3-2020 đảm bảo tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã,…
Thứ ba, về hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tỉnh tập trung triển khai 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài. Quan tâm hỗ trợ người lao động trong trường hợp bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định.
Phóng viên: Xin đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý I-2020?
Đồng chí Ngô Gia Tự: Trong điều kiện chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch bệnh COVID-19, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I-2020, có một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ.
Đầu tư trong nước, trong 3 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh cho 18 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 607,5 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.241 tỷ đồng, bằng 22% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ (trong đó thu nội địa 1.155 tỷ đồng, bằng 22% dự toán năm, giảm 6% so với cùng kỳ).
Trong quý I đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 202 doanh nghiệp và 18 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 1.588,14 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 209 doanh nghiệp và 18 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 1.673,7 tỷ đồng). Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 3 tháng đầu năm tăng 6,57% so với cùng kỳ nhưng tại thời điểm tháng 3 giảm 0,85% so với tháng trước và giảm 0,42% so với tháng 12 năm 2019.
Có khoảng 3.000 doanh nghiệp (bằng khoảng 33% số doanh nghiệp đăng ký) kinh doanh các lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khu vui chơi giải trí,... chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ và theo các Văn bản số 98/UBND-VP7 ngày 20-3-2020 và số 107/UBND-VP7 ngày 27-3-2020 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới các địa phương; sự đồng lòng quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, về cơ bản tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì ổn định và phát triển so với cùng kỳ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Một số chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục đạt được kết quả khá:
Lĩnh vực Nông nghiệp: Hoàn thành thu hoạch cây vụ Đông, nhìn chung năng suất các cây trồng tương đương và cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 21-2-2020, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát hoàn toàn, 100% xã, phường, thị trấn có dịch đã công bố hết dịch. Sản lượng thủy sản quý I ước đạt 35.474 tấn, bằng 21,3% kế hoạch năm và tăng 5% so cùng kỳ.
Lĩnh vực Công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 13,12% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 19.128,5 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng khá.
Lĩnh vực thương mại: Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 12.221,4 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 449,6 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Đầu tư nước ngoài, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 23,65 triệu USD (Cùng kỳ năm 2019 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 2,8 triệu USD).
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 69.595 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm; nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,01%, đảm bảo dưới 2% theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Phóng viên: Xin đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phát triển kinh tế - xã hội quý II-2020?
Đồng chí Ngô Gia Tự: Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đồng thời căn cứ sát theo diễn biến của dịch bệnh và tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Nam Định tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội; chuẩn bị sẵn sàng cho các ngành sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội của nhân dân đi vào hoạt động bình thường khi hết dịch.
Tập trung cao độ, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành Trung ương và các chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Triển khai thực hiện ngay các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và xúc tiến thương mại nội địa trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến, tiến độ thu ngân sách; rà soát, đánh giá cụ thể từng địa bàn, từng khu vực và tác động của dịch bệnh COVID-19 đến nguồn thu, kết quả thu ngân sách để xây dựng các giải pháp thu phù hợp với tình hình dịch bệnh. Kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Triển khai thực hiện tốt Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, đúng chế độ. Đảm bảo đầy đủ các khoản chi lương, chi cho an sinh xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh. Đẩy nhanh việc sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh theo quy định. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh!
Việt Thắng (thực hiện)