Chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Gắn công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị; chủ động giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh…”.
Tranh cổ động của họa sĩ Nguyễn Hải Tảo. |
Chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là sự nhấn mạnh, cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng qua các kỳ đại hội, đặc biệt là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Nói không với phô trương, “chạy” thành tích
Thời gian gần đây, anh L.K, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở phía Nam rất “chịu khó” xuất hiện trước truyền thông. Trong các bài báo và bản tin truyền hình, anh được mô tả là một doanh nhân trẻ thành đạt, có nhiều đóng góp cho công tác từ thiện xã hội, được trao tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu. Anh còn được mời tham dự một số diễn đàn, hội thảo dành cho doanh nghiệp hội nhập ở nước ngoài. Trên mạng xã hội, anh L.K thường xuyên đăng tải những hình ảnh, thông tin về thành tích của cá nhân và doanh nghiệp, nhất là những hình ảnh anh chụp chung với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư quốc tế trong các sự kiện. Thời gian gần đây, anh còn làm thơ, nhờ nhạc sĩ phổ nhạc, mời một số giọng ca mới nổi làm MV ca nhạc để “đánh bóng” tên tuổi. Trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, anh nổi lên như một “ngôi sao”, có mối quan hệ xã hội rộng, quen biết nhiều cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp, được nhiều người thán phục. Một số người còn nhờ anh kết nối với các cơ quan chức năng để tìm dự án. Tuy nhiên, đằng sau những thông tin, hình ảnh làm lóa mắt không ít người ấy, sự thật về anh và doanh nghiệp do anh làm chủ lại là một diện mạo khác. Nhiều dự án của doanh nghiệp mà anh làm chủ đang rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Anh bị chính quyền địa phương, quê hương khiếu nại vì đầu tư dự án khu dân cư hiện đại, nhưng đã gần 5 năm mới chỉ triển khai được mấy hàng rào cọc bê tông và tường bao. Nhiều người dân địa phương vì tin anh, gom tiền mua đất nền nhưng đợi dài cổ vẫn chưa được bàn giao. Thực tế, doanh nghiệp của anh đang hoạt động kiểu giật gấu vá vai, nợ nần đầm đìa. Nhờ giỏi quan hệ, anh “đánh bóng” tên tuổi và thương hiệu bằng những thành tích “ảo”, cốt để tạo dựng lòng tin từ các đối tác, lấy dự án nọ nuôi dự án kia.
Những chuyện tương tự như ví dụ vừa dẫn không hiếm. Qua các vụ việc, vụ án tham nhũng, gây thất thoát lớn tiền của Nhà nước và nhân dân đã bị cơ quan chức năng xử lý thời gian gần đây, chúng ta thấy rõ sự gian dối, luồn lách để “chạy” danh hiệu thi đua của không ít doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân. Có những trường hợp vừa tổ chức đón nhận danh hiệu linh đình nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì vướng vòng lao lý. Những vụ án tham nhũng do Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) cầm đầu là vài dẫn chứng điển hình. Trước khi bị khởi tố, cá nhân và doanh nghiệp của những kẻ tham nhũng, thoái hóa biến chất này đã từng nhận được không ít giải thưởng, danh hiệu thi đua, làm lóa mắt nhiều người. Thực trạng đó đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ: “Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”… Đảng ta nhận định, đây là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân nguy hiểm, là những kiểu suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống; là những cấp độ nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng”.
Những hành vi, phần tử thoái hóa biến chất này dù có được ngụy trang, che chắn cẩn thận, tinh vi đến đâu cũng không thể đứng ngoài vòng pháp luật. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua đã không cho những phần tử cơ hội này liên kết, tạo vùng “cấm” cho hành vi, biểu hiện suy thoái tồn tại, phát triển.
Với tinh thần quyết liệt, triển khai những bước thận trọng, kiên trì, kiên quyết, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhưng, chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện đã được Đảng chỉ ra như trên vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ, chủ nghĩa cá nhân lại có kiểu biến hình, biến dạng ở mức độ tinh vi hơn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ví những phần tử cơ hội chính trị, chủ nghĩa cá nhân là kiểu “lươn, chạch”, rất khó nắm bắt.
Từ xa xưa, ông bà ta đã dạy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Cách nói dân dã này vừa chứa đựng trong đó triết lý biện chứng về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, vừa là sự đúc kết hiện thực đời sống từ hàng trăm, hàng nghìn năm. Chính vì chúng ta dễ bị lóa mắt trước sự hào nhoáng của hình thức nên vô hình trung coi nhẹ nội dung, bị đánh lừa bởi những giá trị “ảo”. Thời ông bà mình, nước sơn chỉ là những thứ được làm từ củ, quả, vỏ cây có màu. Bây giờ, sơn công nghiệp, sơn 3D, thứ gì cũng có, không chỉ có màu mà còn có cả mùi, tạo hiệu ứng không gian ba chiều rất bắt mắt. Kiểu hình thức ấy trong thời đại công nghiệp 4.0, nhiều khi giả mà như thật, u u minh minh, lại được ngụy tạo dưới kiểu “lươn chạch”, nếu không có dũng khí, chúng ta sẽ rất khó phát hiện, xử lý. “Bệnh thành tích” ở lĩnh vực nào cũng nguy hiểm, vì nó tạo ra giá trị “ảo”, thủ tiêu giá trị thực chất, nhưng “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng là nguy hiểm nhất, vì đây là lĩnh vực then chốt.
Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phê bình, tự phê bình theo nguyên tắc Đảng ngay từ cơ sở, phát huy tai mắt của dân, đẩy mạnh đấu tranh, phát hiện mầm mống suy thoái ngay từ cơ sở, ngay từ đầu, chính là những vũ khí để đấu tranh, triệt tiêu “bệnh thành tích”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nguy hiểm trong Đảng.
Thi đua thực chất, kết hợp “xây” và “chống”
Đại hội Đảng các cấp lần này là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa lớn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Gắn việc chuẩn bị, tổ chức đại hội với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước là nét đẹp truyền thống của Đảng ta qua các kỳ đại hội. Đây là hai mặt của một vấn đề, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị. Muốn vậy, thi đua phải thực chất, phải thực sự là động lực tinh thần trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây cũng chính là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Đảng thông qua các hoạt động, hiệu quả cống hiến thực chất. Qua hiệu quả phong trào thi đua, tổ chức Đảng các cấp có thêm căn cứ, cơ sở để giới thiệu, đề cử, bồi dưỡng những nhân tố mới cho cấp ủy nhiệm kỳ mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết. Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ cơ bản để đánh giá, sàng lọc, bố trí cán bộ và đổi mới công tác nhân sự… Phải lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước... Thực tế, vài nhiệm kỳ gần đây cho thấy, có một số đảng bộ chỉ tập trung lo cho đại hội mà có phần buông lỏng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, không hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt cho nhiệm kỳ sau. Ngược lại, vẫn có những đảng bộ quan tâm nhiều hơn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên mà coi nhẹ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội. Vì vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tránh cả hai khuynh hướng này.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song theo dõi các chi bộ, đảng bộ được lựa chọn tổ chức đại hội trước ở nhiều địa phương, đơn vị, chúng ta vui mừng khi thấy hiệu ứng tích cực từ đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng này. Cái được lớn nhất chính là sự tập trung, thống nhất trong đại hội; là niềm tin, sự kỳ vọng to lớn của đảng viên và nhân dân đối với đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Điều này cũng chứng tỏ, tại các chi bộ, đảng bộ vừa tổ chức đại hội, việc tổ chức phong trào thi đua, thúc đẩy hiệu quả lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đã được tiến hành song song, chu đáo, hiệu quả, tạo niềm tin vững chắc trong đảng viên và quần chúng nhân dân.
Luật Thi đua khen thưởng và những thông tư, hướng dẫn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm khắc phục hạn chế, bảo đảm thi đua, khen thưởng thực chất. Quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu rõ: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Chống “bệnh thành tích” là một trong những giải pháp bảo đảm cho đại hội đảng các cấp thành công tốt đẹp. Rút kinh nghiệm từ những tổ chức đảng đại hội trước, chúng ta phải xem xét cả việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước gắn với công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội. Xem xét cụ thể, thấu đáo cách làm của những nơi làm trước để phát huy ưu điểm, khắc phục “bệnh thành tích” (nếu có) chính là cách để mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người được tín nhiệm giới thiệu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới tự phê bình, tự chỉnh đốn để xứng đáng hơn với vị trí, cương vị được giao./.
Theo Báo QĐND