Tự hào thanh niên Việt Nam

08:12, 13/12/2019

Được khởi xướng từ Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2014-2019) sau 5 năm triển khai, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” ngày càng thể hiện trách nhiệm, tình cảm của thanh niên với Tổ quốc và nhân dân. Qua phong trào, thanh niên có thêm nhiều cơ hội để cống hiến sức trẻ, xây dựng đất nước bằng những hành động thiết thực.

Ảnh: Internet.
Ảnh: Internet.

 

Hành trình của tình cảm thiêng liêng

Nguyễn Duy Học là một thanh niên thiếu may mắn trong cuộc sống. Từ khi sinh ra, cả đôi tay và đôi chân của anh đều mắc dị tật. Trước thử thách cuộc đời, chàng trai sinh năm 1987 đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua tất cả. Không những có thể tự trang trải cuộc sống cho bản thân bằng nghề nhiếp ảnh, anh còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vòng tay yêu thương”. Thành lập năm 2012 với thành phần chủ yếu là công nhân, viên chức trẻ và sinh viên, câu lạc bộ của anh và các bạn trẻ hướng đến hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông thông qua các hoạt động trao tặng dụng cụ học tập, đồ dùng sinh hoạt và sửa nhà bán trú, dựng nhà mới tặng học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, câu lạc bộ đã trao hơn 10 nghìn áo ấm, áo trắng đồng phục, đóng mới hơn 200 bộ bàn ghế, dựng 4 căn nhà mới, sửa hơn 20 nhà bán trú... tặng học sinh và các trường.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Duy Học khi Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019 dừng chân tại điểm địa đầu đất nước Lũng Cú (Hà Giang) vào những tháng cuối năm. Do lịch trình tình nguyện khá dày với hàng loạt hoạt động, như trồng cây xanh, trao nhu yếu phẩm tặng đồng bào dân tộc thiểu số, học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó... nên đoàn đại biểu Hành trình gồm hơn 100 thanh niên ưu tú thường khởi hành từ lúc 2, 3 giờ sáng và chỉ trở về các trạm nghỉ vào lúc tối mịt. Là đại biểu khuyết tật duy nhất của Hành trình, nhưng Nguyễn Duy Học chưa lúc nào để tụt lại phía sau. Trái lại, sự nhiệt tình, năng nổ của anh khiến nhiều thành viên khác trong đoàn phải nể phục. Anh chia sẻ: “Đam mê với công tác tình nguyện đã thôi thúc tôi đăng ký tham gia Hành trình. Cùng với các đại biểu khác, tôi có cơ hội thấy Tổ quốc mình tươi đẹp biết nhường nào, đồng thời biết thêm những trường hợp khó khăn, kém may mắn ở nhiều địa phương. Điều tâm đắc nhất của tôi là Hành trình đã kết nối được với nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện trên khắp cả nước, dần hình thành một mạng lưới tình nguyện vì học sinh nghèo quốc gia”.

Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019 có 63 điểm đến, cũng là 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Là hoạt động trọng tâm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024, Hành trình là chuỗi các hoạt động, gồm: thăm các địa danh lịch sử, văn hóa; tổ chức các diễn đàn thanh niên về tình yêu quê hương, đất nước; thực hiện công trình thanh niên vì cộng đồng; tìm hiểu nét văn hóa, nghệ thuật dân gian đặc trưng... Tại mỗi điểm đến, Ban tổ chức lại phát động một cuộc thi ảnh trên mạng xã hội với chủ đề về tình yêu Tổ quốc thông qua các hành động đóng góp cụ thể với cộng đồng. Với cách làm mới mẻ, hiện đại này, Hành trình đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng hưởng ứng rộng rãi trong thanh niên cả nước, mang lại nhiều giá trị thiết thực. Điển hình như tại đất mũi Cà Mau, đoàn đại biểu đã phối hợp với hơn 1.000 thanh niên địa phương dọn vệ sinh đường bờ biển, trồng cây chắn sóng ứng phó biến đổi khí hậu, trao nhu yếu phẩm, cờ Tổ quốc tặng ngư dân...

Trân quý ôm chặt trong lồng ngực lá cờ đỏ sao vàng vừa được tặng, anh Đỗ Quốc Trạng, một ngư dân trẻ tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) xúc động nói: “Trên tàu của tôi có một lá quốc kỳ đã bạc màu vì sóng gió. Nhận lá quốc kỳ mới, tôi cảm thấy rất vinh hạnh. Tôi hiểu rằng, việc những chiếc tàu treo cờ đỏ sao vàng ra khơi không chỉ góp phần phát triển đời sống người dân và kinh tế đất nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ, giữ gìn bờ cõi mà ông cha ta đã dày công xây dựng”. Trong khi đó, có mặt trên chuyến tàu bay đặc biệt “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - biểu tượng của Hành trình, được trải nghiệm những hoạt động ca ngợi tình yêu đất nước trên độ cao hàng chục nghìn mét, chị Nguyễn Phương Lan (Hà Nội) bồi hồi chia sẻ: “Hành trình giúp người dân và đặc biệt là thanh niên hiểu thêm những giá trị về con người, dân tộc, trách nhiệm với đất nước. Qua đây, thôi thúc mỗi người thêm tự hào về Tổ quốc, cố gắng và nỗ lực hơn trong lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, góp phần dựng xây Việt Nam ngày một phồn vinh, tươi đẹp”.

Đoàn kết, tập hợp thanh niên Việt Nam toàn cầu

Không chỉ gói gọn trong phạm vi các tỉnh, thành phố trên cả nước, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” trong nhiệm kỳ công tác vừa qua của các cấp Hội LHTN Việt Nam còn tập hợp được đông đảo lực lượng trí thức, nhà khoa học, tài năng trẻ Việt Nam sinh sống, học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Tiêu biểu, có thể kể đến Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” ở Hàn Quốc, chương trình nghệ thuật “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình” tại Nhật Bản hay mới đây là “Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu” năm 2019 tổ chức ở Thủ đô Hà Nội.

Lần thứ hai được triển khai, “Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu” quy tụ 233 đại biểu, đều là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tài năng và trẻ tuổi người Việt Nam, đang lao động, học tập trên khắp thế giới. Đáng chú ý, lực lượng trí thức trẻ đăng ký tham gia Diễn đàn đã tăng cả về chất và lượng, thể hiện rõ nét qua số lượng đại biểu là phó giáo sư, tiến sĩ chiếm tới 21%. Không những vậy, sự xuất hiện của nhiều trí thức trẻ vừa làm công tác nghiên cứu, vừa tham gia khởi nghiệp sáng tạo tại đây còn cho thấy Diễn đàn đã đón đầu được một xu thế tích cực trong thanh niên hiện nay. Đó là gắn kiến thức chuyên môn với triển khai thực tiễn, biến ý tưởng trong nghiên cứu thành những kết quả cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều tháng trước khi Diễn đàn chính thức khai mạc, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHTN Việt Nam và những đại biểu nòng cốt của Diễn đàn lần thứ nhất đã phối hợp tìm hiểu, lựa chọn những trí thức tâm huyết, tài năng và quan trọng nhất là luôn khát khao, tâm niệm được đóng góp sức trẻ để dựng xây Tổ quốc thông qua nhiều cuộc họp nhóm trên internet. Ngay trước khi Diễn đàn được khởi động, tất cả các đại biểu tham gia Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019, cùng tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Cách lồng ghép khéo léo này đã góp phần thúc đẩy sự kết nối, chia sẻ giữa các đại biểu, tạo tiền đề tích cực giúp Diễn đàn diễn ra sôi nổi, thực chất hơn.

233 đại biểu chính thức tại Diễn đàn cũng được chia thành nhiều nhóm, tập trung thảo luận, đánh giá và giới thiệu các công trình nghiên cứu về bốn vấn đề “nóng” mang tính toàn cầu: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm công bằng xã hội. Phó giáo sư Trần Xuân Bách, Tổng Thư ký Diễn đàn cho biết: Các chuyên đề tại Diễn đàn đều dựa trên cơ sở các mục tiêu phát triển đất nước, đã được xác định trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nội dung các chuyên đề được tham vấn bởi nhiều chuyên gia, nhà nguyên cứu dày dạn kinh nghiệm, gắn với những vấn đề mà trí thức trẻ hiện nay quan tâm. Trong đó, ưu tiên những nội dung phù hợp, khả thi và có cơ sở rõ ràng để có thể triển khai hiệu quả, nhanh chóng. Yêu cầu về phát triển bền vững đất nước lần đầu tiên được đưa vào Diễn đàn, thể hiện rõ tại chuyên đề về nâng cao năng suất lao động và bảo đảm công bằng xã hội. Sau Diễn đàn, các kiến nghị, đề xuất, giải pháp của đại biểu đã được tổng hợp, gửi đến các cơ quan, bộ, ngành liên quan. Bằng cách làm này, ở Diễn đàn lần thứ nhất, những nghiên cứu về giáo dục STEM đã được nhanh chóng chuyển tải thành các chương trình giảng dạy STEM tại vùng nông thôn với nhiều chính sách cụ thể.

Từ những thành công của Diễn đàn, có thể hình dung bức tranh chung với nhiều điểm sáng của công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên ở nước ngoài của Hội LHTN Việt Nam những năm vừa qua. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, những năm gần đây, hoạt động của các cơ sở Hội tại nước ngoài ngày càng khởi sắc, có tính lan tỏa, được các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao, đặc biệt là những hội nghị khoa học nhằm kết nối, chia sẻ tri thức; các chương trình tình nguyện, vận động nguồn lực hỗ trợ đồng bào trong nước bị thiên tai, lũ lụt; sự kiện quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước, hướng về biển, đảo quê hương. Trong nhiệm kỳ 2014-2019, các cơ sở Hội LHTN Việt Nam đã được thành lập tại Nhật Bản, Ru-ma-ni, CH Séc... Việc mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên ở nước ngoài không ngừng được mở rộng đã góp phần phát huy mạnh mẽ tiềm năng, trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam trong quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đất nước.

“Tôi yêu Tổ quốc tôi” là phong trào chủ đạo, mũi nhọn trong các chương trình hoạt động của Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019. Song hành cùng sự phát triển của Hội, phong trào đã được triển khai rộng rãi, có sức hấp dẫn đặc biệt trong thanh niên bằng cách cổ vũ, thôi thúc và hiệu triệu các bạn trẻ thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể. Đánh giá về phong trào 5 năm qua, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, khẳng định: “Qua phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, thanh niên Việt Nam đã được bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, phát huy những truyền thống đáng quý. Nét nổi bật của phong trào là Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của hàng triệu thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Bằng việc đến với những địa danh lịch sử, văn hóa của đất nước và bằng nhiều công trình, phần việc thanh niên thiết thực và hiệu quả, Hành trình đã kết nối, lan tỏa những giá trị tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bạn trẻ với quê hương, đất nước. Tôi tin rằng, Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” nói riêng, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” nói chung chính là biểu hiện sinh động cho lòng yêu nước, khát vọng hành động vì một Việt Nam giàu mạnh và văn minh của thanh niên hôm nay”./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com