Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

06:12, 01/12/2019

LTS: Ngày 25-11-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Báo Nam Định xin giới thiệu toàn văn Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019 

1. Thực hiện nhiệm vụ năm 2019 trong bối cảnh kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định; dịch tả lợn châu Phi, thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống nhân dân... Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đạt được những kết quả quan trọng: 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,8%, cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ (Năm 2016 tăng 7,0%; năm 2017 tăng 7,1%; năm 2018 tăng 8,1%); Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao (Tăng 14,5%; Chỉ số sản xuất công nghiệp - IIP tăng 13,3%); Xuất khẩu chạm mốc 2 tỷ USD; Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, số vốn đăng ký gấp 3,5 lần so với năm 2018 (Tính đến nay đã hoàn thành 97,1% mục tiêu thu hút FDI và gần 40% vốn đầu tư trong nước của cả nhiệm kỳ; Đã thu hút được gần 3 tỷ USD và 10.305 tỷ đồng). Công tác xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Nam Định vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; Giáo dục - đào tạo 25 năm liên tục duy trì thành tích nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Các chế độ chính sách được giải quyết kịp thời, an sinh xã hội được đảm bảo; Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,4%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 89,9%. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và tăng cường.

2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của năm 2019 cũng còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại như: Tình trạng “tham nhũng vặt” chưa được xử lý triệt để. Công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Sự phối hợp giữa cấp và ngành, giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp có thời điểm chưa tốt. Tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm còn chậm. Việc huy động các nguồn lực từ quỹ đất để đầu tư xây dựng thành phố Nam Định chưa thực sự hiệu quả. Các vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp. Tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh lao động còn gây bức xúc trong dư luận. Trật tự an toàn xã hội, có nơi, có thời điểm còn phức tạp. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người chưa được giải quyết dứt điểm…

3. Những hạn chế nêu trên có một phần nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu; cụ thể là: Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy chưa được một số lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt đầy đủ, sâu sắc; chưa sâu sát trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức chưa đạt yêu cầu; vẫn còn có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ. Một số sở, ngành, huyện, xã có biểu hiện buông lỏng quản lý, chưa tập trung cao; còn né tránh, lúng túng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2020 

1. Mục tiêu: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ kế hoạch 2015-2020; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, có nhiều ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước. Trong bối cảnh đó, phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu của năm 2020 là: Tập trung chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Hoàn thành các quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm. Tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Chú trọng bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng - an ninh. Tích cực động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích cao nhất để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2020 và nhiệm kỳ 2015-2020, tạo tiền đề thuận lợi cho tỉnh Nam Định bước vào giai đoạn phát triển mới.

2. Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Các chỉ tiêu kinh tế

(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh 2010) tăng từ 9,5% trở lên.

(2) Cơ cấu kinh tế (%):

- Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: 18,0

- Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ: 82,0

(3) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (giá so sánh 2010) tăng từ 2,5-3,0%.

(4) Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng từ 16% trở lên.

(5) Giá trị các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) tăng từ 9,2% trở lên.

(6) Giá trị xuất khẩu đạt từ 2,2 tỷ USD trở lên.

(7) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 16,5% trở lên.

(8) Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5.700 tỷ đồng.

2.2. Các chỉ tiêu xã hội

(1) Mức giảm tỷ suất sinh 0,1-0,15%o.

(2) Tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người.

(3) Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 72% trở lên.

(4) Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) giảm 0,7%.

(5) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 91% trở lên.

(6) Công tác xây dựng nông thôn mới: Có 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Có 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu trở lên ở xã, thôn; Huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

2.3. Các chỉ tiêu về môi trường

(1) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 99,9% trở lên (trong đó được sử dụng nước sạch đạt từ 95% trở lên).

(2) Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt từ 93,5% trở lên.

(3) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom ở đô thị đạt từ 94,5% trở lên; ở nông thôn đạt từ 88,5% trở lên.

3. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; xúc tiến và thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy

Tập trung triển khai lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư tại tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược, cơ khí, điện tử… Tập trung kiểm tra, đôn đốc và có phương án xử lý đối với các dự án đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, không triển khai hoặc triển khai không đúng mục đích so với chủ trương đầu tư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch để phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tập trung chỉ đạo nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh.

3.2. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm và tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy

a) Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm như: Khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định, dự án Bệnh viện Đa khoa 700 giường, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I. Hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Thịnh Long. Hoàn thành giai đoạn 1 dự án xây dựng tỉnh lộ 487B, 488B và tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng Khu thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận.

b) Ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thành phố Nam Định để từng bước hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tích cực khai thác nguồn lực, nhất là nguồn lực từ quỹ đất để xây dựng thành phố Nam Định. Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư thương mại, dịch vụ vào địa bàn thành phố; nhất là hai bên Đại lộ Thiên Trường và đường dẫn cầu Tân Phong. Hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng mới Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án: Khu Trung tâm lễ hội thuộc dự án văn hóa Trần; Khu đô thị mới Thống Nhất, Mỹ Trung; Khách sạn thông minh và trung tâm thương mại Nam Định; Khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc...

3.3. Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, quy mô lớn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu (Nhật Bản). Chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn tổ chức tái đàn lợn khi đảm bảo các điều kiện. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình huyện nông thôn mới Hải Hậu kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019-2025 và các đơn vị xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Đẩy mạnh thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); năm 2020 có ít nhất 100 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

3.4. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn” gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỷ niệm 5 năm Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021; bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh trường học, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kỷ cương. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phục vụ; tăng cường công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt chính sách người có công, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm. Triển khai đồng bộ giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 91% trở lên.

3.5. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

a) Các cấp ủy đảng tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; các nghị quyết, chương trình toàn khóa và kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp mình, khắc phục tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó cụ thể hóa, bổ sung chương trình công tác năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chủ động, quyết liệt và có giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các chỉ tiêu của đại hội đảng bộ các cấp.

b) Hoàn thành các Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thực hiện trong năm 2019 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng gắn với tinh giản biên chế. Tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “Tham nhũng vặt”. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các kiến nghị của Đoàn công tác số 2 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2019.

c) Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2020, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nợ đọng thuế. Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.

d) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận số 43-KL/TU của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch; đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nước sạch khu vực nông thôn.

e) Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan về tín ngưỡng, tôn giáo. Nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, chủ động nắm chắc tình hình, định hướng hoạt động của các tổ chức tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức tốt Hội nghị điển hình tiên tiến, Đại hội Thi đua yêu nước các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ X đảm bảo thực chất, hiệu quả, thiết thực.

3.6. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo

Quán triệt, triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc. Duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biển, phối hợp thực hiện tốt hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Hoàn thành chỉ tiêu giao quân năm 2020, đảm bảo an toàn, đúng luật. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo an ninh, an toàn đại hội đảng bộ các cấp. Thực hiện mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Duy trì tốt công tác tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, không để trở thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự và làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

3.7. Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội

Nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền về kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong tỉnh; chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước gắn với biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Tăng cường trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan thông tin báo chí để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chủ động phối hợp đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội; định hướng các vấn đề dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong phạm vi địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

2. Đảng đoàn HĐND tỉnh căn cứ Nghị quyết để lãnh đạo HĐND tỉnh bàn và quyết định các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; đồng thời xây dựng các chương trình giám sát thực hiện Nghị quyết có hiệu quả.

3. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành, các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả; rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của tỉnh.

4. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực vận động thành viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

5. Các ban xây dựng Đảng và Văn phòng Tỉnh uỷ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết và thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ đảng./.

T/M TỈNH ỦY
BÍ THƯ
Đoàn Hồng Phong


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com