Trước bối cảnh xã hội xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, có chiều hướng gia tăng, điển hình là tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, Đảng ta xác định công tác định hướng thông tin có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo và định hướng thông tin, bám sát thực tiễn, tăng tính thuyết phục...
Chỉ thật sự bùng nổ trong 20 năm gần đây, nhưng truyền thông xã hội đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới đời sống của hàng tỷ người trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự thiếu hiểu biết, trình độ và năng lực còn hạn chế, động cơ không lành mạnh... mà nhiều bài viết, trạng thái (status), phát ngôn, thông tin sai lạc công bố trên mạng xã hội đã tạo ra một số khủng hoảng truyền thông chính trị, xã hội và kinh tế nghiêm trọng, gây ra không ít nguy cơ, thậm chí đẩy tới không ít cuộc bạo động, xung đột vũ trang, chiến tranh,... tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ảnh minh họa: Internet |
Việt Nam có một nền chính trị, xã hội ổn định. Đó là thành quả từ đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là từ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dù vậy, cần thẳng thắn chỉ ra, hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số người, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Lo ngại hơn là hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nảy sinh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên với nhiều biểu hiện phức tạp. Thực tế cho thấy tham nhũng, bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản, thói chuyên quyền, độc đoán, tính háo danh,... đã chi phối nhận thức, hành động của một số cán bộ, đảng viên, mà có người là cán bộ cao cấp, giữ chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước. Dù số người như vậy không nhiều, nhưng sai phạm của họ đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Những “gương tối” này đã và đang được các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam triệt để lợi dụng. Bên cạnh thủ đoạn đăng tải các thông tin xuyên tạc, phóng đại, bôi đen sự thật trên các trang mạng phản động thiếu thiện chí có nguồn gốc từ nước ngoài, trên blog của một số người cực đoan, quá khích, hiện nay các đối tượng nêu trên còn sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội, như một công cụ tiến công trực diện vào các quần chúng nhẹ dạ, cả tin, bức xúc một cách cảm tính, thiếu hiểu biết, non nớt về nhận thức. Mặt khác, một số cán bộ, đảng viên đã biến chất, suy thoái đạo đức cũng lợi dụng sự tự do trên mạng xã hội để hùa theo thông tin sai lạc, bình luận bừa bãi, trình bày một số ý kiến mà xét đến cùng là chống đối Đảng, chống đối chế độ.
Nhận diện truyền thông xã hội là một công cụ dễ bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng, thao túng để phá hoại thành quả của sự nghiệp đổi mới, với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng xác định cần chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhấn mạnh việc chấn chỉnh, quản lý thông tin trên internet, các mạng xã hội, blog cá nhân là một nhiệm vụ quan trọng. Tới Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng chỉ rõ tình trạng: “Chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”. Vì thế, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là: “Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”.
Sau ba năm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào cuộc sống, công tác định hướng thông tin nói chung, mạng xã hội nói riêng đã có nhiều bước tiến đáng kể. Việc học tập và triển khai Nghị quyết được triển khai tại tất cả các tổ chức cơ sở đảng. Các quy định, chỉ thị của Đảng như Quy định số 47-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, Chỉ thị số 46-CT/TW về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”,... cùng các văn bản pháp luật như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí năm 2016,... là tư tưởng chỉ đạo, hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề. Việc khởi thảo, lấy ý kiến để hoàn thiện “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai sẽ góp phần quan trọng để xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn cho Việt Nam trên không gian số. Và từ thái độ kiên quyết của Việt Nam khi đấu tranh với tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội mà các tập đoàn như Facebook, Alphabet (Công ty sở hữu mạng xã hội Youtube và công cụ tìm kiếm Google) đã phải xóa hàng nghìn tài khoản giả mạo và nhiều nội dung, thông tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi nhiều cơ quan báo chí đã giành thế chủ động trước truyền thông xã hội, từng bước thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện kịp thời, trung thực, toàn diện,... thì vẫn có tình trạng chậm vào cuộc, thái độ thiếu trách nhiệm của một số người làm báo, sự chủ quan của không ít cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội. Từ đó dẫn đến tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc... vẫn có cơ hội xuất hiện, lây lan, tạo ra loại dịch bệnh nguy hiểm với tinh thần, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý ngờ vực, hoài nghi đối với Đảng và Nhà nước. Việc phát hiện, xử lý đối với những trường hợp sai phạm nêu trên, nhất là các cá nhân là cán bộ, đảng viên còn diễn ra chậm chạp, xử lý theo lối “giơ cao đánh khẽ”. Bên cạnh đó, tình trạng một số báo chí lệ thuộc vào truyền thông xã hội vẫn tồn tại và chưa được giải quyết triệt để, còn tỏ ra thiếu nhạy cảm về chính trị, không tìm hiểu bản chất vấn đề, chỉ đề cập, đánh giá theo bề nổi; thậm chí lợi dụng báo chí để phục vụ mục đích không trong sáng, đăng tải thông tin phiến diện, chưa phù hợp, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng...
Vòng xoáy từ khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội với các loại tin giả, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng đã cuốn theo, làm xao động nhận thức của nhiều người, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên. Tiếp xúc với thông tin, hiện tượng phức tạp,... trên mạng xã hội, nếu cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận sơ sài, nhận thức non kém, rất dễ bị dư luận xấu dẫn dắt, gài bẫy, rồi từ đó xa rời Đảng, xa rời nhân dân, tự rơi vào quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì thế hơn lúc nào hết, chủ động định hướng thông tin trong bối cảnh mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội, và mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh vững vàng. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên phải là nhân tố tích cực, với cảm xúc lành mạnh, suy nghĩ chín chắn, mọi ý kiến đều dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, thẳng thắn phản biện, đấu tranh với ý kiến phiến diện, sai trái, xấu độc... sẽ góp phần quan trọng định hướng thông tin, lành mạnh hóa mạng xã hội, để mạng xã hội phát huy được hiệu quả trong đời sống, góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo động lực cho sự phát triển./.
VIỆT QUANG
Theo nhandan.com.vn