"Đoàn kết lương - giáo" - Sức mạnh "nội sinh" khối đại đoàn kết dân tộc

03:11, 15/11/2019

Năm 2012, dự và phát biểu tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong giai đoạn cách mạng mới, toàn Đảng, toàn dân ta phải tăng cường đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế”. Qua 15 năm thực hiện Quy định số 123-QĐ/TW và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về công tác tôn giáo”, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh từng bước đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, phát động, tổ chức các phong trào thi đua trong đồng bào có đạo, nhất là phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây chính là “chìa khóa” để Nam Định trở thành “quán quân” xây dựng nông thôn mới với 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 18-10-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Quyết định số 1422/QĐ/TTg công nhận tỉnh Nam Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chúc mừng UBND tỉnh nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng (3-2-2019).
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chúc mừng UBND tỉnh nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng (3-2-2019).

Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào tôn giáo

Đồng chí Doãn Đình Chiều, đảng viên gốc giáo, từng 15 năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng xóm 12, hiện là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Giao Hà (Giao Thủy) cho biết: Xóm 12 có hơn 350 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu là xóm duy nhất của tỉnh có 3 tôn giáo là Tin lành, Phật giáo và Công giáo; trong đó, có hơn 350 người theo đạo Tin lành. Chi bộ xóm 12 có hơn 20 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên là người có đạo (3 đảng viên theo đạo Công giáo, 1 đảng viên theo đạo Tin lành). Những năm qua, Ban chi ủy xóm 12 và đảng viên trong chi bộ thực hiện nhất quán phương châm “Chi bộ nắm làng, đảng viên nắm hộ”, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào có đạo.

Trong quá trình triển khai các nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban chi ủy phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên, phụ trách từng nhóm hộ, từng tiêu chí cụ thể để tuyên truyền, vận động. Hàng tháng, trong buổi họp chi bộ, các đảng viên báo cáo tình hình của những hộ được phân công phụ trách, rồi cùng bàn bạc tìm hướng giải quyết. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào vốn đầu tư của Nhà nước, động viên người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chủ động tham gia các phong trào ở địa phương, đặc biệt là phong trào trong xây dựng “Xóm văn hóa - Nông thôn mới”, “Gia đình văn hóa - Nông thôn mới”. Trong đó, các đảng viên là người có đạo trong chi bộ luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; hiểu được đặc điểm, tín ngưỡng riêng của từng tôn giáo, tuyên truyền, vận động các chức sắc tôn giáo và bà con giáo dân cùng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng thi đua lao động sản xuất, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xóm 12 là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên của huyện Giao Thủy được công nhận “Xóm văn hóa - Nông thôn mới”. Đồng chí Cao Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Giao Hà cho biết: Là địa phương đa dạng về tôn giáo, trên địa bàn xã hiện có chùa Hà Phúc, xứ Hoành Nhị, Hội thánh Tin lành Hoành Nhị. Từ đại hội chi bộ xã lần thứ nhất năm 1956 có 8 đảng viên, đến nay đảng bộ xã có 320 đảng viên. Sau 10 năm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn xã huy động 118 tỷ đồng, trong đó, kinh phí do nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông xóm, nhà văn hóa gần 30 tỷ đồng; xây dựng các công trình cấp xã 31 tỷ đồng. Giao Hà cũng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân, các chức sắc tôn giáo đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới như: Thượng tọa Thích Tâm Thiệu, trụ trì chùa Hà Phúc ủng hộ 1 tỷ đồng xây cổng chào xã; Linh mục Vũ Đức Thiện, Chánh xứ Hoành Nhị xây dựng cầu dân sinh trị giá trên 400 triệu đồng; Mục sư Doãn Văn Ân, Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Hoành Nhị ủng hộ xây dựng thiết chế văn hóa, sân bóng chuyền...

Xã Trực Hùng (Trực Ninh) có trên 12 nghìn dân; đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 99,3% dân số. Bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung và đời sống đồng bào Công giáo nói riêng, cấp ủy đảng, chính quyền xã coi công tác phát triển đảng viên Công giáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm góp phần củng cố tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Hàng năm, Đảng ủy xã đều xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng được đề ra cụ thể là: Phấn đấu trong tổng số đảng viên kết nạp của năm phải có từ 1-2 đảng viên là người Công giáo. Xã Giao Thịnh (Giao Thủy) là địa phương đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm tỷ lệ cao, trong đó có tới 8 chi bộ 100% đảng viên là người có đạo. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ: Hàng năm, Đảng ủy xã Giao Thịnh chỉ đạo các chi bộ, các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch chăm lo, đào tạo bồi dưỡng quần chúng ưu tú, động viên tham gia tích cực các phong trào thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp; hàng năm đảng bộ đều kết nạp từ 7 đến 10 đảng viên mới. Đội ngũ đảng viên nói chung và đảng viên là người có đạo đã phát huy vai trò tích cực trong các lĩnh vực, thể hiện tính tiên phong, gương mẫu và có ý thức trách nhiệm cao trong từng công việc được giao. Xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có 1 nhà xứ, 1 ngôi chùa, dân số trên 10 nghìn người, trong đó tỷ lệ đồng bào có đạo chiếm 43,7%. Đảng bộ có 300 đảng viên sinh hoạt tại 29 chi bộ. Đồng chí Hoàn Quốc Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hàng năm, đảng ủy xã phân công cấp ủy viên có kinh nghiệm, am hiểu công tác tôn giáo về sinh hoạt tại các chi bộ ở nơi có đông đồng bào theo đạo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân; tuyên truyền chính sách tôn giáo của Đảng và giúp đồng bào Công giáo chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, để phát triển đảng viên, đảng ủy tiến hành khảo sát chất lượng đội ngũ đoàn viên, thanh niên, củng cố chi đoàn cơ sở và các tổ chức hội, quan tâm bồi dưỡng thanh niên có đạo; qua đó phát hiện những quần chúng ưu tú giới thiệu kết nạp Đảng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ luôn gương mẫu; toàn xã huy động trên 150 tỷ đồng; kinh phí huy động từ cộng đồng dân cư gần 60 tỷ đồng.

Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng hiện có trên 1.340 đảng viên là người có đạo. Với đặc điểm là địa phương có đông đồng bào theo đạo Công giáo (chiếm 49% dân số), vấn đề nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong vùng có đông đồng bào Công giáo luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo. Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy về kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng Đảng và kiến thức, nghiệp vụ công tác tôn giáo. Tập trung củng cố, tăng cường sự phối hợp, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào theo đạo. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên là người có đạo. 15 năm thực hiện Quy định 123-QĐ/TW, Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng đã kết nạp được trên 720 quần chúng là người Công giáo vào Đảng. Trong đó, một số đảng bộ xã, thị trấn có nhiều người có đạo được kết nạp Đảng như: Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hải, Quỹ Nhất, Nghĩa Hùng… Việc tăng cường công tác kết nạp đảng viên là người có đạo đã góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên trong từng Đảng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên tại những địa bàn có đông đồng bào có đạo.

“Chìa khóa” để Nam Định trở thành “Quán quân” xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Lương - giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi”. Theo tư tưởng của Người: “Đoàn kết lương - giáo là đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Trong nhiệm kỳ 2014-2019, công tác tuyên truyền, vận động chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan và các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội - tôn giáo vận động chức sắc và đồng bào có đạo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chức sắc, đồng bào có đạo tổ chức tốt các hoạt động tôn giáo, đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Tại Nam Định, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều xây dựng đường hướng hành đạo riêng, phù hợp với đạo lý của mình, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin lành.

Thượng tọa Thích Tâm Vượng, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: “Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, các tăng, ni, phật tử luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Giáo hội đoàn kết, trang nghiêm “Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”. Giáo hội Phật giáo tỉnh đã thực hiện tốt chương trình phật sự, động viên phật tử thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay toàn tỉnh có 602 ngôi chùa, 36 cơ sở tự viện được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 69 cơ sở tự viện được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh… Công tác đào tạo, tập huấn kiến thức về tôn giáo, pháp luật của Nhà nước cho các tăng, ni được chú trọng. Ban Trị sự đã tiến cử một số vị có đủ năng lực, trình độ theo học các trường đại học ngoài xã hội để đáp ứng nhu cầu “Duy trì đạo nghiệp, hoằng pháp lợi sinh” trong thời kỳ mới… Trong công tác từ thiện nhân đạo, các tăng, ni, phật tử trong tỉnh đã vận động, quyên góp, xây dựng được 51 ngôi nhà đại đoàn kết và nhà tình nghĩa, hàng vạn suất quà gửi tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương, bệnh binh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt… với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng… Trong phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” đã thu được những kết quả đáng khích lệ; các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Đến nay có 60% chùa đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Chùa tinh tiến”, nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo đạo Phật được công nhận là “Làng văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”…

Ông Nguyễn Tiến Hỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tích cực tuyên truyền vận động người Công giáo trong tỉnh hưởng ứng, tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, người Công giáo trong tỉnh đã hiến 2.361ha đất nông nghiệp, đất thổ cư để xây dựng nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và xây dựng các công trình văn hoá ở khu dân cư. Tiêu biểu như: Cha xứ và Hội đồng mục vụ giáo xứ Kiên Chính (Hải Hậu) đã hiến 1.000m2; Cha xứ và Hội đồng mục vụ giáo xứ Đền Thánh Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng (Hải Hậu) hiến 700m2 đất thổ cư; 19 hộ gia đình giáo dân giáo xứ Đền Thánh Đại Đồng (Giao Thuỷ) hiến 694m2 đất thổ cư. Trong công tác từ thiện xã hội, các linh mục, tu sĩ, ban hành giáo xứ, họ và giáo dân tham gia đóng góp với số tiền 3 tỷ 793 triệu đồng. Về công tác khuyến học, khuyến tài, đã có trên 70% số xứ, họ trong tỉnh thành lập hội khuyến học và xây dựng được quỹ khuyến học với tổng số tiền 6,4 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã triển khai lồng ghép các phong trào “3 an toàn”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” vào các phong trào “Xứ họ không có ma túy, không tội phạm”, “Xứ họ bình yên”, “Bình yên làng nghề”, “Gia đình hòa thuận”. Nhiều cha và các vị trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân tham gia tổ hoà giải, tổ an ninh nhân dân trong thôn, xóm, tổ dân phố.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đến tháng 7-2019 có 209/209 xã, thị trấn, 10/10 huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 18-10-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Quyết định số 1422/QĐ/TTg công nhận tỉnh Nam Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Để đạt được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì mấu chốt thành công là phải làm thật tốt công tác vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông thôn. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng trong vận động, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương.  Phát động rộng khắp phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện chương trình; để mỗi địa phương đều trở thành vùng quê đáng sống./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com