"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

08:10, 14/10/2019

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, việc triển khai xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực.

Điển hình như mô hình “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phát triển kinh tế - xã hội” của xóm 2, xã Hải Nam (Hải Hậu) đã góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn xóm không có người mắc các tệ nạn xã hội; 9 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên; 100% các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường, số hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm; nhân dân tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện; đường dong, ngõ xóm được bê tông hoá sạch sẽ, thoáng mát. Xóm giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” cấp huyện 8 năm liền. Hay mô hình “Vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi và làng nghề” của Chi bộ xóm 19, xã Giao Long (Giao Thủy). Chi bộ xóm đã phân công đảng viên phối hợp với Ban Công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hiến đất phục vụ dự án giãn dân, mở rộng làng nghề. Từ chỗ mỗi hộ gia đình canh tác từ 3 đến 4 mảnh ruộng, nay mỗi hộ gia đình canh tác trên 1 hoặc 2 mảnh ruộng lớn. Nhân dân xóm 19 đã hiến gần 2ha diện tích đất canh tác, củng cố toàn bộ hệ thống bờ vùng, bờ thửa, đào đắp 3.253m3  đất với tổng trị giá trên 65 triệu đồng; 100% đường giao thông trong xóm được bê tông hóa và có điện thắp sáng. Còn ở chi bộ 2, thôn Vĩnh Hiệp, xã Hải Thanh (Hải Hậu), công tác dân vận được cụ thể hóa trong việc triển khai làm các công trình của thôn. Đồng chí Đỗ Văn Thiếp, Bí thư chi bộ cho biết: “Thôn Vĩnh Hiệp là một trong 9 thôn, xóm được huyện lựa chọn xây dựng điểm nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp ủy thôn đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban phát triển nông thôn mới của thôn phụ trách từng tiêu chí. Coi trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức hiệu quả như: đến tận gia đình để tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của hộ gia đình; mở nhiều hội nghị tuyên truyền về tiêu chí xóm nông thôn mới kiểu mẫu và hộ gia đình nông thôn mới; phổ biến những cơ chế hỗ trợ đặc thù của huyện, xã đối với xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu và hộ gia đình nông thôn mới; vận động người dân thay đổi thói quen, nếp nghĩ trong cách làm”. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu luôn đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, phát huy cao vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, từ đó huy động nội lực thực hiện duy tu, sửa chữa, xây dựng mới các tuyến đường giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng, xây dựng hộ gia đình nông thôn mới. Nhân dân trong thôn mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực cải tạo cảnh quan môi trường ngay tại từng gia đình; tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chỉ còn 2 hộ nghèo (diện gia đình neo đơn, sức khỏe yếu). Các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng thôn, xóm nông thôn mới kiểu mẫu, hộ gia đình nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực. Ban phát triển nông thôn mới của xóm thường xuyên hội ý, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; vai trò của Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội của thôn được phát huy đã tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Đến nay, với sự đồng thuận, ủng hộ, đóng góp của nhân dân, thôn đã bê tông hóa được 2,5km đường trục dong, ngõ thôn; 1,2km đường rãnh thoát nước; kè cứng hóa hơn 1km đường bờ sông; hạ tầng Nhà văn hóa được tu sửa rộng rãi với tổng diện tích gần 2.000m2; lắp đặt hơn 62 cột đèn chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED…

Mô hình “Tiết kiệm quay vòng vốn” của Hội Phụ nữ xã Yên Phong (Ý Yên) đã tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế.
Mô hình “Tiết kiệm quay vòng vốn” của Hội Phụ nữ xã Yên Phong (Ý Yên) đã tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế.

Với việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đơn vị đã được triển khai thực hiện đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường ở các địa phương được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người dân nông thôn. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong dồn điền đổi thửa; hiến đất làm đường giao thông nông thôn; trong chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi; các mô hình phát triển kinh tế gia trại, trang trại… góp phần không nhỏ trong cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông từ tỉnh tới các huyện, xã, thôn, xóm. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây mới 8.422km đường giao thông nông thôn, 7.239 cầu cống dân sinh; đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới 8.535 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 373km kênh cấp I, cấp II; 27.597 công trình thủy lợi cấp xã; nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống công trình thủy lợi với tổng khối lượng đào đắp khoảng 29 triệu m3... Hiện toàn tỉnh đã có 92,7% số làng (thôn, xóm, tổ dân phố) được công nhận “Làng văn hóa” và có 82,9% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 100% số xã đạt tiêu chí văn hóa (tăng 30% so với năm 2015 và tăng 87,1% so với năm 2010). Các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đến nay, môi trường nông thôn có nhiều đổi mới, toàn tỉnh có trên 1.000km tuyến đường hoa; 99,78% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số xã, thị trấn tổ chức được mô hình hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt với sự tham gia của cộng đồng… Với những kết quả đã đạt được tỉnh ta được nhiều địa phương trong cả nước lựa chọn đến tham quan, học tập kinh nghiệm trong xây dựng, chỉnh trang, bảo vệ môi trường nông thôn.

Từ việc đẩy mạnh thực hiện xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã mang lại hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua “Dân vận khéo được phát động và triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng, đã trở thành phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực, nhất là trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đồng chí Đặng Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, bài học kinh nghiệm trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi phong trào được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền vào cuộc chỉ đạo; do đó cần tập trung nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, cho cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới. Định hướng rõ nội dung trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo” từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cùng với đó, Ban Dân vận các cấp căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiện nghị của cơ sở, của nhân dân để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy ban hành những chủ trương, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Từ đó đề xuất cơ chế chính sách để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả thực tiễn. Cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành dân vận, các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần xác định rõ: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói chung, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nói riêng chỉ vận động, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia khi phong trào, mô hình, điển hình đó gắn kết được lợi ích chính đáng, thiết thực của tổ chức, cá nhân tham gia. Vì vậy, việc xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chỉ đạo của cấp ủy Đảng với hoạt động, quản lý điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các điển hình trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com