Đảng bộ tỉnh có 16 đảng bộ trực thuộc, với 948 tổ chức cơ sở đảng trong đó có 412 đảng bộ, 536 chi bộ cơ sở; trên 5.600 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số trên 110 nghìn đảng viên. Trong những năm qua, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đã được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của của tổ chức Đảng, phát huy vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Ban chi ủy Chi bộ Thượng Lỗi 1, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) bàn giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. |
Để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo tổ chức quán triệt triển khai các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Trên cơ sở đó cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên bằng các kế hoạch, chương trình, đề án, thông tri… phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị để triển khai, tổ chức thực hiện đến các tổ chức đảng và đảng viên. Cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 05 phù hợp với nhiệm vụ chính trị, đặc điểm địa phương, đơn vị; đưa nội dung học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành việc làm thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, thực hiện vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05 với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, đơn vị. Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Theo đó cấp ủy Đảng các cấp và từng tổ chức cơ sở đảng đã giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, sử dụng cán bộ. Cấp ủy Đảng các cấp đã tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về “Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011 đến 2015 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) “Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; chú trọng lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên cũng được cấp ủy Đảng các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới được triển khai thực hiện bám sát phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục theo quy định. Các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở chủ động rà soát, đánh giá công tác tạo nguồn, lựa chọn giới thiệu quần chúng ưu tú, để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 2.988 đảng viên mới. Việc kết nạp đảng viên đảm bảo chất lượng, từng bước được trẻ hoá, đáp ứng yêu cầu lực lượng cán bộ kế cận…
Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng các cấp trong tỉnh đã đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, thông qua việc thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các tổ chức cơ sở đảng đã đổi mới phương thức hoạt động, duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ định kỳ và sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; ban hành các kế hoạch, quyết định, quy định cụ thể, phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của các loại hình tổ chức cơ sở đảng để tổ chức thực hiện. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và chi bộ; dân chủ trong Đảng được mở rộng, phát huy tốt trí tuệ tập thể trong quyết định các vấn đề; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng từng bước được nâng lên. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh... Trong đó cấp ủy cơ sở đã bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của cấp ủy cấp trên và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm đi vào thực chất, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, quy định của cấp ủy các cấp cũng được tập trung thực hiện tích cực, hiệu quả. Cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hàng năm phù hợp với tình hình của từng địa phương, đơn vị. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng; kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản; việc thực hiện các chế độ chính sách xã hội, công tác cán bộ. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, cấp ủy đã kịp thời uốn nắn những lệch lạc, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên… Trong năm 2018, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 1.081 tổ chức Đảng và 599 đảng viên; giám sát 888 tổ chức đảng và 402 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp giám sát 709 tổ chức đảng và 98 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật đối với 2 tổ chức đảng và 534 đảng viên. Kết quả đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2018, có 16,88% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 72,5% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, 10,31% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ; 13,52% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 74,33% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 11,59% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ… Các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh đã khẳng định và phát huy vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Trong đó kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển ổn định và vững chắc; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố; hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới: Trong gần 10 năm qua, tổng số vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt trên 21 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách 28,3%, vốn tín dụng 35,9%, vốn doanh nghiệp 11,9%, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 15,1%, vốn lồng ghép 4,9%, vốn khác 3,8%; ngoài ra, các thành phần kinh tế, các hộ dân huy động gần 86 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thông qua dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và phong trào giải phóng mặt bằng, các hộ nông dân đã góp 2.897ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 5.800 tỷ đồng), hiến 206ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 15 triệu đồng/người (năm 2010) lên 35 triệu đồng/người (năm 2015) và 43 triệu đồng/người (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 5,47% (năm 2015) xuống 2,15% (năm 2018). Đến tháng 7-2019, tỉnh Nam Định đã về đích nông thôn mới, với 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, về đích trước 1,5 năm so với kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng trong tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng và chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hiện đồng bộ các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức cán bộ; đổi mới từng khâu trong công tác tổ chức cán bộ. Thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý, phát triển đảng viên. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác thi đua khen thưởng trong Đảng, công tác đánh giá, xếp loại các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm. Tập trung nâng cao chất lượng chi bộ, công tác dân vận, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị ở cơ sở. Đồng thời lãnh đạo xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng góp phần giữ nghiêm kỷ cương của Đảng./.
Bài và ảnh: Thu Thuỷ