Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo đó, cuộc Cách mạng công nghiệp này mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội đất nước.
Bộ Chính trị nhận định thời gian qua, nước ta đã đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn hạn chế. Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên là do chủ quan.
Do đó, Bộ Chính trị khẳng định chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu khách quan. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải coi việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân.
Cụ thể đến năm 2025, Việt Nam phải xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2030 sẽ có mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng chính phủ số và hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, nội dung cốt lõi của chính sách là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số. Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ số do Việt Nam sản xuất.
Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Điểm đáng chú ý, Bộ Chính trị giao phải có cơ chế xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh bền vững; xác định rõ lộ trình thí điểm và lựa chọn các đô thị thí điểm đô thị thông minh; cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai.
Bộ Chính trị cũng nêu chủ trương chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu bằng cách xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất./.
PV